Năm 2012 này là năm đại bầu cử ở Mỹ. Tương tự như bất cứ năm đại bầu cử nào ở Mỹ, vấn đề Trung Quốc luôn được các đảng phái sử dụng để giành thêm phiếu bầu. Trong bài viết của mình, vị Giáo sư quốc tịch Mỹ ở Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) này cảnh báo các ứng cử viên tổng thống Mỹ rằng trong vài tháng tới và trong vòng một năm sau khi lên cầm quyền, họ nên chú ý tới ba vấn đề sau liên quan tới Trung Quốc: 

Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc không chỉ giảm tốc độ tăng trưởng, hơn thế còn đang trải qua thời kỳ cải tạo sâu sắc. Theo Giáo sư Chovanec, hiện nay, bong bóng đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế tốc độ cao của Trung Quốc đã vỡ và trước mắt sẽ không có biện pháp kích thích nào được chuẩn bị sẵn. Vào cuối năm 2012, tại Trung Quốc sẽ xuất hiện khủng hoảng tài chính ở một hình thức nào đó. Khả năng này rất hiện thực. 

Thứ hai, Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển giao quyền lực và trong tiến trình đó đã xuất hiện một số trắc trở. Dẫu vậy, cuối cùng việc chuyển giao quyền lực vẫn được thực hiện, nhưng những “khúc nhạc đệm” xen vào tiến trình chuyển giao quyền lực sẽ khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể dành toàn lực để ứng phó với các vấn đề kinh tế ngày một rõ ràng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng họ vẫn còn nhiều thời gian, nhưng dường như họ không biết rõ tính nghiêm trọng và tính khẩn cấp của tình hình, hơn nữa, những biện pháp vốn phát huy tác dụng nay đã mất đi sự linh nghiệm. 

Thứ ba là những phiền phức mà các vấn đề kinh tế của Trung Quốc gây ra cho Mỹ. Trước tiên là việc Trung Quốc thông qua chính sách đồng nhân dân tệ yếu để thúc đẩy xuất khẩu sẽ xung đột trực tiếp với cam kết của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney (theo tạp chí “Nhà Kinh tế”, ông Romney cam kết sẽ tuyên bố Trung Quốc là nước “thao túng tiền tệ” ngay trong ngày đầu tiên bước vào Nhà Trắng). Bên cạnh đó phải thấy rằng Trung Quốc đã bắt đầu bán phá giá một số sản phẩm sản xuất dư thừa như sắt thép ra thị trường thế giới. Việc này tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại quốc tế cũng như làm trầm trọng hơn sự mất cân bằng trong thương mại quốc tế. 

Cuối cùng là cục diện tồi tệ nhất: Trung Quốc có thể bất chấp rủi ro châm ngòi xung đột tại Biển Đông nhằm chuyển hướng quan tâm chú ý của người dân sang "kẻ thù" của nước này. Giáo sư Chovanec nhấn mạnh những phân tích nêu trên của ông không tồn tại cách nhìn phiến diện mang tính đảng phái, và thích hợp với cả ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa lẫn ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ. Giáo sư Chovanec cũng cho biết ông không có ác ý nhằm làm dấy lên sự đả kích của người Trung Quốc, chỉ vạch ra một cách khách quan sức phá hoại cực lớn mà Trung Quốc có thể gây ra. Nếu Trung Quốc “lắc lư” khi bước trên con đường tương lai và không biết đi về đâu, đây mới là điều Mỹ đáng phải lo lắng. 

Lê Sơn (gt)