Ngày 6/5, hãng tin AFP cho biết Trung Quốc và Hàn Quốc đang thảo luận về việc lập một đường dây nóng giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước. Mặc dù hai nước có các đường dây nóng giữa hải quân và không quân với nhau, nhưng chưa có đường dây nóng giữa các bộ trưởng. Xét bối cảnh lịch sử và quan hệ giữa hai nước, việc khởi đầu thảo luận về lập đường dây nóng giữa các bộ trưởng quốc phòng cho thấy hợp tác quốc phòng đang phát triển, cũng như việc thúc đẩy minh bạch và thông tin liên lạc ở cấp cao nhất. Những nỗ lực như vậy cần được khuyến khích.

Ngược lại, việc tìm ra những công cụ phù hợp để thúc đẩy một thỏa thuận chính trị - an ninh ở phạm vi khu vực là điều chưa đạt được với ASEAN. Trong khi các thảo luận về quốc phòng và an ninh không phải không có, nhưng các nhà lãnh đạo trong khu vực đã chủ động "lảng tránh chiến lược" đối với các vấn đề quốc phòng và an ninh nhạy cảm.

Khu vực này đang ngày càng dễ bị tác động do kết quả của việc toàn cầu hóa các mối quan tâm về an ninh, nhưng không có một cách tiếp cận chung nào nhằm đối phó với thảm họa thiên tai, nhu cầu năng lượng ngày một lớn, và các tranh chấp lãnh thổ, trong số nhiều vấn đề khác. Tình trạng hiện tại của ASEAN - tập trung cao độ vào phát triển kinh tế và theo đuổi một cách "hờ hững" hợp tác về an ninh - đang trở nên thiếu bền vững.

Một điều tốt cho ASEAN là các nước chủ tịch gần đây đã công khai ý định thảo luận về "các vấn đề khó", điều giúp cho khối có một lập trường trong một số trường hợp. Chẳng hạn, thời gian ở cương vị chủ tịch của Việt Nam trong năm 2010 đã thể chế hóa được hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ADMM+, và Inđônêxia, chủ tịch ASEAN năm 2011, đã tuyên bố sẽ tích cực theo đuổi việc giải quyết cuộc xung đột giữa Thái Lan và Campuchia và một Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông có tính bắt buộc.

Các nhà lãnh đạo hiểu rõ các vấn đề mà ASEAN phải đối mặt liên quan đến hợp tác quốc phòng và an ninh, nhưng họ bị cản trở bởi không có khả năng cùng nhau giải quyết các vấn đề này với tư cách là một cộng đồng. Kế hoạch chi tiết cho hợp tác an ninh, trong Chương trình Hành động Cộng đồng An ninh ASEAN, không được chi tiết hóa đầy đủ để đảm bảo hành động thực tế đối với các vấn đề này.

Việc mở đường cho một cộng đồng quốc phòng ASEAN có thể bắt đầu với những sáng kiến nhỏ nhưng tập trung. Mọi dự án gây tranh cãi bao giờ cũng phải như vậy. Dần dần, nó sẽ được chấp nhận nếu mức độ thành công được xác định một cách rõ ràng và viễn kiến về sự hợp tác đó được duy trì. Chẳng hạn, trong vấn đề Biển Đông, ASEAN có thể theo mô hình của Trung Quốc và Hàn Quốc và - để tạo điều kiện cho sự trao đổi rất cần thiết về ý định của các nước có tuyên bố chủ quyền trên biển - ASEAN cần thúc đẩy thành lập các đường dây nóng quốc phòng giữa các lực lượng hải quân, không quân của các nước tuyên bố chủ quyền với nhau. Các nhà lãnh đạo có thể đi xa thêm và cân nhắc việc lập đường dây nóng quốc phòng giữa tất cả các bộ trưởng quốc phòng. Một "tiêu chí vàng" về an ninh có thể là thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình ASEAN.

Tuy nhiên, nếu các nhà lãnh đạo ASEAN tiếp tục đi theo "Đường lối ASEAN", coi sự đồng thuận là trụ cột cho mọi thỏa thuận an ninh, từ chối xử lý linh hoạt các vấn đề nóng tại khu vực, thì đường lối ASEAN lại gây hại cho cái mà họ theo đuổi: hòa bình và ổn định. Bất kể hình thức hợp tác quốc phòng và an ninh là gì, một cộng đồng quốc phòng ASEAN cần ra đời cùng với các động lực đang hình thành nên Cộng đồng Kinh tế và Xã hội-Văn hóa ASEAN.

Những ý tưởng về hợp tác quốc phòng đa dạng và mạnh mẽ không mấy khi vượt ra khỏi chiếc bàn tròn ban đầu. "Sự né tránh chiến lược" làm hạn chế các cách tiếp cận sáng tạo. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo ASEAN không được bỏ qua bất cứ khả năng nào, trong đó có việc thảo luận - và cuối cùng là hành động, dù với các bước đi nhỏ nhất - về những vấn đề khó khăn nhưng có ý nghĩa rất quan trọng. 

Theo Cogitasia

Đinh Anh(gt)