Đỉnh điểm là việc Trung Quốc đã "nặng lời" giáo huấn nhà ngoại giao Mỹ ở Bắc Kinh và những hiệu quả hạn chế của chính sách đối thoại nói trên. Tác giả Auslin nhận định việc "cố gắng duy trì cuộc đối thoại một chiều là khá vô nghĩa", dù cho chính sách này đã được thực hiện trong hàng thập kỷ, dưới các chính quyền khác nhau, không kể là đảng Cộng hòa hay Dân chủ. Thậm chí, Mỹ thực hiện những nỗ lực này như thể họ tin rằng hãy cố gắng thêm, chỉ cần một cuộc gặp gỡ nữa thôi, là điểm nút sẽ được tháo gỡ.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ quan điểm và giá trị của hai phía là hoàn toàn khác nhau. Hãy xem kết quả của cuộc đối thoại cấp cao nhất diễn ra hàng năm trong hơn 6 năm qua. Tháng 7/2012, Trung Quốc đã phủ quyết một lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) đối với chế độ của Tổng thống Xyri Bashar al-Assad, đồng thời không ngừng phản đối việc gia tăng các lệnh trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của Iran. Mối quan hệ quốc phòng được xây dựng hơn một thập kỷ qua cũng chẳng giúp Mỹ gây ảnh hưởng đến việc Trung Quốc phát triển tiềm lực quốc phòng với tốc độ tăng trưởng hai con số hàng năm. Các mối quan hệ hợp tác khác cũng không khá hơn. Mỹ chào đón Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ vẫn bị xâm hại. Mỹ truyền giá trị của mình cho hàng trăm nghìn sinh viên Trung Quốc, nhưng hệ thống chính trị ở Trung Quốc vẫn không hề thay đổi. Câu hỏi đặt ra là liệu đối thoại chiến lược và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc có phải chỉ mang tính hình thức? Thậm chí, nó là sự phí phạm công sức và trí tuệ của các quan chức Mỹ, và vô hình trung sẽ làm gia tăng hoài nghi từ phía Quốc hội Mỹ.

Có thể những người ủng hộ hình thức đối thoại này cho rằng Mỹ cần phải có sự liên lạc với Trung Quốc. Nhưng nó hoàn toàn khác với cái gọi là "đối thoại lệ thuộc" đang làm tổn hại mối quan hệ này và cần phải được thay đổi. Vì thế, dù Tổng thống Mỹ Barack Obama có tiếp tục ở lại Nhà Trắng, hay ông Mitt Romney sẽ là người lên thay, thì Mỹ cũng cần phải giảm bớt các cuộc đối thoại hình thức đó. Và khi ông Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông cũng phải hiểu rằng cuộc đối thoại với nhà lãnh đạo Mỹ phải là quan trọng nhất, chứ không phải chỉ là để truyền thông quay phim chụp ảnh như người tiền nhiệm của ông đã làm hồi đầu năm 2011. Hoặc Tư lệnh Quân đội Mỹ chỉ nên tới Bắc Kinh một khi Trung Quốc phát đi tín hiệu rõ ràng rằng họ sẽ giảm căng thẳng quân sự ở Biển Đông. Tuy nhiên, trước khi đạt được những điều nói trên, và sự ổn định ở châu Á được đảm bảo, hãy giảm bớt các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc, để cả hai bên thực sự hiểu đối tác của mình cần gì và mong muốn gì.

Theo Wall Street Journal 

Vũ Hiền (gt)