20120519231031_tau.jpg

Bắc Kinh hiện ngày càng hung hăng hơn trong việc khẳng định tuyên bố chủ quyền của họ với hầu hết khu vực Biển Đông - nơi trung chuyển lượng hàng hóa có trị giá hàng nghìn tỷ USD mỗi năm. Tháng 1/2016, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc bay thử đầu tiên trên đường băng mới dài 3.000 mét mà họ xây dựng trái phép trên một rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa. Hành động này đã làm dấy lên sự phản đối của Việt Nam và Philippines - hai nước cũng có các tuyên bố chồng lấn trong khu vực.

Tuy nhiên, bất chấp các căng thẳng ngoại giao, các tàu thương mại cho biết hoạt động của họ không bị ảnh hưởng. Thuyền trưởng Bjorn Hojgaard - Giám đốc điều hành tập đoàn Anglo-Eastern Univan, một trong các công ty quản lý tàu thuyền lớn nhất thế giới - nói: "Công việc kinh doanh vẫn diễn ra như bình thường. Theo quan điểm của chúng tôi, nó chỉ mang ý nghĩa chính trị, chứ không gây ra sự khác biệt trong lĩnh vực thương mại”. Vùng nước sâu trên Biển Đông giữa quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp là tuyến đường thủy trực tiếp nhất kết nối các khu công nghiệp Đông Bắc Á của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc với châu Âu và Trung Đông. Địa lý khu vực này mở ra rất ít tuyến đường thay thế có lợi về kinh tế cho các tàu chở dầu lớn, tàu chở hàng khô và tàu chở contenơ.

Các số liệu về tàu thuyền của Reuters cho thấy chỉ tính riêng các tàu chở dầu thô cỡ lớn (VLCC), có khoảng 25 VLCC qua lại giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa bất cứ lúc nào, với tải trọng tương đương lượng dầu đáp ứng nhu cầu của Nhật Bản trong vòng 11 ngày.

Quân đội Mỹ - đến nay là lực lượng hải quân hùng mạnh nhất khu vực - đã cảnh báo rằng Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập một mức độ kiểm soát trên thực tế ở Biển Đông mà có thể đe dọa sự tự do hàng hải của các tàu thuyền quốc tế. Phát biểu với các phóng viên trên một tàu sân bay Mỹ tại Nhật Bản tuần trước, Phó Đô Đốc Joseph Aucoin - chỉ huy Hạm đội số 7 của Mỹ - cho biết các nhà vận chuyển thương mại “dường như đang áp dụng các luật lệ của Trung Quốc cho việc di chuyển trên các vùng biển quốc tế”. Đô đốc Scott Swift - chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ - cho biết hồi tháng 12/2015, các tàu gần các quần đảo trên là “mục tiêu của các cảnh báo không cần thiết làm đe dọa đến các hoạt động thương mại và quân sự theo thường lệ”. Tháng 11/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rằng sự tự do đi lại của các tàu thuyền không bao giờ là vấn đến trên Biển Đông.

Căng thẳng trên Biển Đông đã gia tăng trong năm ngoái khi Trung Quốc tăng cường xây dựng và cải tạo đất đá để hình thành các đảo nhân tạo trên các rạn san hô mà họ kiểm soát. Jonathan Moss - người phụ trách lĩnh vực vận tải tại công ty luật DWF phục vụ các công ty bảo hiểm và công ty vận chuyển - nói: “Có vẻ như các quần đảo mới có vị trí chiến lược được cho là do Trung Quốc xây dựng sẽ giúp Trung Quốc có thêm sự tự do an ninh trong vùng biển tranh chấp và khiến các lực lượng khác khó khăn trong việc khẳng định kiểm soát trên biển”. Michael Frodl làm việc tại công ty tư vấn C-Level Global Risks có trụ sở ở Mỹ cho rằng mục tiêu của Trung Quốc là sử dụng “không lực để gây ảnh hưởng ở các vùng nước” xung quanh các đảo nhân tạo.

Tuy nhiên, đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy việc vận chuyển bằng tàu thương mại đang bị ảnh hưởng. Arthur Bowring - Giám đốc điều hành của Hiệp hội các chủ tàu Hong Kong, với tập hợp các thành viên đang điều hành hoặc quản lý khoảng 8% các tàu thương mại trên thế giới - nói: “Các tàu thuyền có quyền tự do đi lại… và cho dù nếu Trung Quốc cuối cùng có kiểm soát Biển Đông đi chăng nữa, thì điều đó sẽ không ảnh hưởng đến sự qua lại của các tàu thương mại”.

Khalid Hashim - Giám đốc điều hành công ty Precious Shipping, một trong các công ty vận chuyển hàng khô lớn nhất Thái Lan - cho biết “bất chấp các sự cảnh báo của Mỹ”, các hoạt động trung chuyển trên Biển Đông vẫn diễn ra bình thường. Ông nói: “Tôi không cho rằng căng thẳng hiện nay sẽ leo thang hơn nữa”, bởi các tuyến đường thủy trong khu vực là vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc nên chúng sẽ không thể bị phá vỡ.

Các công ty bảo hiểm tàu thủy cũng nói rằng hiện không có ảnh hưởng gì đến giao thương trong khu vực. Simon Lockwood - Phó giám đốc điều hành phụ trách lĩnh vực hàng hải tại công ty môi giới bảo hiểm hàng đầu thế giới Willis Towers Watson - cho biết khu vực Biển Đông không bị liệt vào danh sách khu vực nguy hiểm cao. Ông Lockwood nói: ”Bởi vậy, các công ty bảo hiểm sẽ không (và không thể) thu thêm phí bảo hiểm đối với các tàu hoạt động trong khu vực”.

Theo “Reuters

Mỹ Anh (gt)