Gần hai năm trở lại đây, một số quốc gia xung quanh Biển Đông đã làm dấy lên một làn sóng mới về “chủ trương chủ quyền”, các phương tiện truyền thông phương Tây, trong đó có Mỹ cũng không ngừng nhào nặn cái gọi là “Trung Quốc cứng rắn dẫn đến vấn đề Biển Đông”. Đằng sau của đợt “vấn đề Biển Đông nóng lên”, lại là do một số nước trắng trợn tăng cường hoạt động khai thác dầu khí tại Biển Đông: giá trị sản lượng dầu khí tại Biển Đông chiếm 24% tổng giá trị sản phẩm quốc nội của Việt Nam; việc Malaixia khai thác dầu khí tại Biển Đông đã khiến cho giá xăng A95 trong nước luôn duy trì ở mức 4 nhân dân tệ/lít; ngành công nghiệp dầu mỏ lạc hậu của Philíppin gần đây cũng tăng cường gọi thầu khai thác dầu khí tại Biển Đông. Hiện nay, khi các tàu hải giám Trung Quốc thực hiện tuần tra tại khu vực vùng biển Biển Đông đã phát hiện hơn 30 giàn khoan nước ngoài hoạt động khai thác bất hợp pháp. Phóng viên “Thời báo Hoàn Cầu” đi sâu điều tra tại một số quốc gia xung quanh, phát hiện hầu hết các tập đoàn dầu khí phương Tây đều chen chân vào khu vực này, trong đó đã xây dựng hơn 1.000 giếng dầu. Trong khi đó, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Trung Quốc chủ yếu chỉ diễn ra trong vùng biển nông tại Vịnh Bắc Bộ và cửa sông Chu Giang, cho đến nay tại vùng biển Trường Sa tập trung nguồn tài nguyên phong phú nhất vẫn chưa có bất cứ một giếng dầu nào của Trung Quốc. 

Các quốc gia xung quanh tăng cường thăm dò, khai thác dầu khí Biển Đông

Tại Biển Đông, rốt cuộc ai là kẻ được lợi ích lớn nhất hiện nay? Có bao nhiêu công ty phương Tây đang tranh thủ khai thác dầu khí thu lợi tại vùng biển tranh chấp này? Trong khi các phương tiện truyền thông phương Tây không ngừng đưa ra luận điệu “Trung Quốc cứng rắn khiến dẫn đến tranh chấp Biển Đông”, thì hai vấn đề quan trọng nhất kể trên lại rất ít được đề cập. Tháng 7/2011, Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton lên giọng tuyên bố cho rằng vấn đề Biển Đông liên quan đến lợi ích của Mỹ, cần thông qua cơ chế quốc tế giải quyết, một số quốc gia xung quanh Biển Đông cũng nhân cơ hội này dấy lên một phong trào mới về “tuyên bố chủ quyền Biển Đông”, ngoài việc tăng cường quản lý hành chính, tuyên bố công khai về pháp lý và tổ chức tập trận chung với Mỹ, vấn đề có ý nghĩa thực chất nhất chính là gấp rút tăng cường các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại Biển Đông. Trang mạng của “Cục quản lý thông tin nguồn năng lượng Mỹ” đã trích dẫn một phần báo cáo của Cục điều tra địa chất Mỹ cho biết tổng lượng nguồn tài nguyên dầu thô tại vùng biển Biển Đôngcó thể đạt 28 tỉ thùng. Trong một tài liệu của trang mạng “An ninh toàn cầu” của Mỹ cũng cho biết trữ lượng dầu mỏ đã thăm dò thấy tại Biển Đôngít nhất là 7,5 tỉ thùng. Tài liệu cho rằng các nước như Việt Nam, Philíppin, Malaixia, Brunây đều có hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí quy mô tương đối tại Biển Đông, sản lượng khai thác hàng năm đạt hơn 50 triệu tấn, rất nhiều nước đang tăng cường gọi thầu nhằm tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí tại khu vực này.

Việt Nam đã hoạch định 185 lô, ký kết hợp đồng khai thác, thăm dò dầu khí với hơn 50 tập đoàn dầu khí nước ngoài; Malaixia vài năm gần đây cũng vạch ra nhiều lô dầu khí để tiến hành gọi thầu, hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí của 13 lô hoàn toàn hoặc một phần đã tiến vào vùng biển Biển Đông của Trung Quốc; tại Brunây, những giếng dầu được xây dựng trên biển giữa quốc gia này với Tập đoàn dầu khí Shell đã vượt quá 240 giếng. Theo tuyên bố bằng văn bản của Chính phủ Brunây, khu vực kinh tế này bao gồm cả đảo Nam Thông và vùng biển 3.000 km2 tại Biển Đông của Trung Quốc. Hiện nay, Philíppin đang gọi thầu đối với 15 lô dầu khí, trong đó có 3 lô nằm trong vùng biển Trường Sa của Trung Quốc. Tại Đông Nam Á, ngành công nghiệp dầu khí của Philíppin hết sức lạc hậu, gần đây Philíppin gấp rút gọi thầu quốc tế tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí tại Biển Đông. Bộ Năng lượng Philíppin mới đây cho biết Philíppin gọi thầu đối với dự án thăm dò 15 lô, trong đó đáng chú ý không có các công ty của Trung Quốc tham gia bỏ thầu. Theo bản đồ phân lô gọi thầu của Philíppin mà phóng viên “Thời báo Hoàn Cầu” có được, lô số 3 và số 4 rõ ràng nằm trong lãnh hải của Trung Quốc. Một phần của lô số 5 “nằm ở vùng Tây Bắc đảo Palawan” cũng chồng lấn lên “đường đứt đoạn 9 khúc” của Trung Quốc. Theo tiết lộ, tham gia đợt gọi thầu lần này của Philíppin có tổng cộng 38 công ty nước ngoài, bao gồm Total của Pháp, Esso của Mỹ và Royal Dutch Shell của Hà Lan đều nộp đơn bỏ thầu. Theo các phương tiện truyền thống Philíppin, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra kháng nghị đối với Philíppin về lô dầu khí số 3, 4 và số 5. Theo phóng viên “Thời báo Hoàn Cầu”, Bộ Năng lượng Philíppin có kế hoạch nâng sản lượng khai thác dầu khí tự nhiên của Philíppin lên 40% trong vòng 20 năm tới. 

Của cải của nhiều nước đến từ Biển Đông

Trong nhiều quốc gia xung quanh Biển Đông, Malaixia rõ ràng có giọng điệu mềm mỏng. Nhưng trên thực tế, Malaixia lại là một trong những nước thu được nhiều lợi ích nhất từ khai thác dầu khí tại Biển Đông. Theo phóng viên “Thời báo Hoàn Cầu”, tại Malaixia, hầu như toàn bộ nguồn dầu mỏ đều được khai thác từ biển. Malaixia đang khai thác gần 100 giếng dầu trên vùng biển Biển Đông, sản lượng dầu mỏ hàng năm đạt 30 triệu tấn. Năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu dầu khí của Malaixia đạt 23 tỷ USD, chiếm khoảng 11% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước của Malaixia, trong đó lợi nhuận ròng về dầu khí của Malaixia đạt 20,1 tỷ USD. Theo thông tin nội bộ của tập đoàn dầu khí Malaixia, lợi nhuận của tập đoàn này tăng trưởng mạnh là do một phần rất lớn bắt nguồn từ việc khai thác dầu khí tại Biển Đông. Tính đến cuối năm 2010, tập đoàn dầu khí Malaixia đã ký hơn 70 hợp đồng cùng khai thác với nhiều tập đoàn dầu khí quốc tế. Mỗi hợp đồng đều đàm phán hết sức cụ thể, thông thường tỉ lệ phân chia là 6:4 hoặc 7:3. Trước khi kỹ thuật thăm dò, khai thác dầu khí của Malaixia được hoàn thiện, đại bộ phận hợp đồng đều giao cho các tập đoàn nước ngoài khai thác, hiện nay tập đoàn dầu khí Malaixia đã bắt đầu nhận thầu các dự án trong nước và triển khai hoạt động nghiệp vụ tại nước ngoài. Không chỉ tại Malaixia, khai thác dầu khí tại Biển Đông cũng trở thành trụ cột kinh tế lớn nhất của Việt Nam, đồng thời biến Việt Nam từ một nước nghèo dầu mỏ thành một nước xuất khẩu dầu mỏ. Việt Nam là quốc gia tiến hành khai thác dầu khí sớm nhất tại Biển Đông. Năm 1975, Tập đoàn dầu khí Mobil của Mỹ đã phát hiện dầu mỏ tại vùng biển phía Nam Việt Nam. Đến thập niên 80 thế kỷ 20, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và Tập đoàn dầu khí Liên Xô thành lập Công ty liên doanh khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ. Mỏ Bạch Hổ đến nay vẫn là giếng dầu lớn nhất của Việt Nam, từng chiếm ½ sản lượng dầu thô của Việt Nam. Sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam đạt khoảng 400.000 thùng/ngày, lượng xuất khẩu đạt 53.000 thùng/ngày, trong đó ½ xuất khẩu sang Mỹ. Dầu khí tại Biển Đônglà trụ cột kinh tế lớn nhất của Việt Nam, tổng thu nhập của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam năm 2010 đạt 478.400 tỷ đồng, chiếm 24% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam. 

Khai thác biển sâu sẽ dẫn đến tranh chấp nhiều hơn 

Tại Malaixia, tất cả các nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí tự nhiên đều do Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaixia quản lý, tập đoàn này trực thuộc Phủ Thủ tướng, là đơn vị cấp ngang Bộ, không chịu quản lý bởi Bộ Năng lượng, trong đó Tổng giám đốc trực tiếp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Với hình thức Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaixia chứ không phải các bộ hoặc ủy ban trung ương quản lý ngành dầu mỏ Malaixia, mục đích là nhằm làm cho ngành dầu khí tách rời chính trị, không chịu tác động bởi cục diện chính trị, duy trì hoạt động khai thác dầu khí bình thường và phát triển mang tính liên tục, tránh vì nguyên nhân quan chức chính phủ thay đổi làm ảnh hưởng đến ngành dầu mỏ quốc gia. Nhưng trên thực tế, tại Malaixia đang lưu truyền một cách nói “kho dầu thông quốc khố, quốc khố thông đảng khố”. Các khoản ngân sách ban đầu của Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaixia chỉ có vài nhân vật chóp bu như Tổng giám đốc, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch đảng cầm quyền UMNO nắm giữ. Thu nhập của Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaixia là nguồn kinh phí quan trọng cho sự vận hành của Chính phủ và tranh cử của đảng cầm quyền. Tại Việt Nam , khai thác dầu khí tại Biển Đông đã sớm trở thành chiến lược quốc gia. Để gia tăng mức độ khai thác, Việt Nam đã sửa đổi “Luật Dầu khí”, khiến cho điều kiện để các tập đoàn dầu mỏ quốc tế tham gia bỏ thầu với giá hết sức ưu đãi, cổ phần trong và ngoài công ty liên doanh có thể chiếm 80%. Các tập đoàn dầu khí hàng đầu phương Tây như Exxon Mobil, BP, Total đều có lượng đầu tư lớn tại Việt Nam. Mặt khác, do khai thác dầu mỏ trên biển là một ngành yêu cầu đầu tư cao, kỹ thuật tiên tiến, xuất phát từ tính toán chính trị và kinh tế, các nước như Việt Nam, Malaixia, Philíppin khi mới bắt đầu đã đi theo con đường lôi kéo phương Tây “nhập hội”, thông qua phương thức đầu tư trực tiếp hoặc liên doanh gián tiếp, mời các tập đoàn dầu mỏ phương Tây khai thác tài nguyên dầu khí tại Biển Đông.

Theo số liệu được biết hiện nay có hơn 200 tập đoàn năng lượng phương Tây đã khoan hơn 1.000 giếng dầu tại khu vực Biển Đông, trong đó bao gồm hầu hết các tập đoàn lớn của Mỹ, EU, Nhật Bản. Những năm gần đây, đầu tư của Mỹ và Nhật Bản vào khai thác dầu khí tại Biển Đông đang không ngừng tăng lên. Là tập đoàn dầu mỏ lớn thứ 3 của Mỹ, quy mô vốn đầu tư của Conoco Phillips tại Việt Nam lên đến 1,5 tỷ USD, trong đó có cổ phiếu tại 3 dự án dầu khí dọc bờ biển Việt Nam, 3 dự án này đều nằm trong khu vực tranh chấp Biển Đông. Ngoài Mỹ, EU, Nhật Bản bắt đầu đặt chân vào khai thác dầu khí tại Biển Đông từ thập niên 80 thế kỷ trước, vài năm gần đây, Nhật Bản rơi vào suy thoái kinh tế, nhưng vẫn không làm cản trở bước tiến của các công ty dầu mỏ của Nhật Bản tiến quân vào Biển Đông. Tập đoàn dầu khí Nhật Bản có 64,5% cổ phiếu tại giếng dầu Đông Phương của Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội khảo sát dầu mỏ Đông Nam Á của Xinhgapo, Stephen Doyle, cho phóng viên “Thời báo Hoàn Cầu” biết khai thác dầu khí Biển Đông tiến ra biển sâu đã trở thành xu thế, trong khi kỹ thuật khai thác dầu khí biển sâu đã không còn là vấn đề lớn, ngày càng nhiều tập đoàn dầu khí phương Tây chuẩn bị tiến hành khai thác dầu khí biển sâu tại Biển Đông. Ngoài phương diện này, một số quốc gia xung quanh để thu hút đầu tư từ nước ngoài, đều có nhượng bộ rất lớn trong vấn đề phân chia lợi nhuận, điều này có sức hấp dẫn to lớn đối với các tập đoàn xuyên quốc gia. Nhưng Stephen Doyle lo ngại, bên cạnh việc khai thác dầu khí Biển Đông tiến ra biển sâu, tất yếu sẽ tiến vào những khu vực đang tồn tại tranh chấp chủ quyền, có thể khiến tình hình tranh chấp Biển Đông sẽ quyết liệt và nổi cộm hơn./.

Theo Thời báo Hoàn Cầu (ngày 22/3)

Lê Sơn (gt)