Trên thực tế, quan hệ Nga-Việt rất mật thiết. Cuối tháng 7/2012, trong thời gian thăm Nga, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã ngỏ ý sẵn sàng tạo cho Nga cơ hội xây dựng trạm bảo dưỡng kỹ thuật hậu cần tại cảng Cam Ranh. Vị trí chiến lược của vịnh Cam Ranh vô cùng quan trọng, Mỹ đã sớm để mắt đến quân cảng này, nhưng nay, thông tin Việt Nam muốn tạo điều kiện cho Nga sử dụng đã khiến Mátxcơva vui mừng. 

Nga là nước cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự lớn nhất của Việt Nam. Từ năm 1950-2010, tổng kim ngạch thương mại vũ khí Nga-Việt đạt 23,6 tỷ USD, chiếm gần 90% tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Việt Nam. Ngoài ra, Nga không ngừng cung cấp máy bay chiến đấu, tàu ngầm cho Ấn Độ, Malaixia. Ngay cả một nước như Burây - vốn có truyền thống nhập khẩu vũ khí từ Anh, Pháp, Mỹ - cũng bắt đầu lựa chọn vũ khí của Nga. Trong hệ thống phòng không của Xinhgapo, hệ thống tên lửa đánh chặn tầm thấp hoàn toàn được nhập từ Nga. Đến nay, vũ khí do Nga chế tạo đã trở thành “nhu cầu nóng” của thị trường Đông Nam Á.

Động thái của Nga tại Biển Đông không chỉ dừng lại ở đó, Nga đã và đang từng bước thâm nhập vào lĩnh vực kinh tế, năng lượng. Ngay từ năm 1981, Tập đoàn dầu khí Nga Zarubezhneft đã cùng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt-Xô. Đây chính là xí nghiệp liên doanh mở ra ngành công nghiệp dầu mỏ của Việt Nam. Tháng 4/2012, Tập đoàn Công nghiệp Khí tự nhiên Nga (Gazprom) đã ký hiệp định với phía Việt Nam, cùng thăm dò khai thác lô 05-2 và 05-3 nằm bên trong phạm vi khu vực đường đứt khúc 9 đoạn.

Trên bình diện chiến lược, Nga nhận thấy Trung-Mỹ đối đầu đã đem lại cơ hội cho Nga. Trong nội bộ Nga nhiều người thấy rằng quan hệ Mỹ-Trung-Nga hiện nay giống như quan hệ Mỹ-Xô-Trung ngày xưa. Có điều, Trung Quốc bây giờ thay thế Liên Xô khi đó, trở thành mối đe dọa hàng đầu trong mắt của người Mỹ hiện nay. Trong bài phát biểu gần đây, một học giả Nga cho rằng Mỹ bắt đầu chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á, liên kết với một số nước như Philíppin và Việt Nam, thực hiện chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Trong cuộc chơi Mỹ-Trung, Nga nên lựa chọn sách lược “tọa sơn quan hổ đấu”, đồng thời lợi dụng cơ hội này nhanh chóng xây dựng liên minh Âu-Á, vì lợi ích địa chính trị, tăng cường quan hệ đồng minh với Ấn Độ, Việt Nam. Các nhà chiến lược Nga thấy rõ cuộc chơi Mỹ-Trung hiện nay đem lại cơ hội chiến lược cho Nga, do vậy Nga đang nỗ lực thực hiện tối đa hóa lợi ích của bản thân.

Tác giả bài viết cho rằng Trung-Nga có cùng một mục tiêu là ngăn chặn sự quay trở lại châu Á của Mỹ, hai nước không nhiều thì ít đều cần hỗ trợ lẫn nhau, tăng cường năng lực đối phó với Mỹ và đồng minh của Mỹ. Hai nước làm thế nào để hóa giải bất đồng, tìm kiếm điểm tương đồng, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược mật thiết hơn sẽ là vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay. Trung Quốc cần tiếp tục tăng cường hợp tác với Nga trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, năng lượng và an ninh khu vực Đông Bắc Á. Tuy nhiên, trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cũng cần gây áp lực nhất định đối với Nga khi có cơ hội thích hợp và cần kiên trì chiến lược đã định, sử dụng chiến thuật và ngoại giao đa phương linh hoạt. 

Khang Lâm là chuyên viên Viện Nghiên cứu biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)

Theo Hoàn Cầu Thời báo

Quốc Trung (gt)