Tham dự Hội thảo có khoảng 200 đại biểu, trong đó có khoảng 70 quan chức từ BNG, BQP, tổ chức nghiên cứu của Indonesia; các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế từ Mỹ, TQ, Nhật, ẤĐ, Australia, Indonesia, TL, Singapore và Việt Nam…; 18 đại biểu từ Tổ chức nghiên cứu ASEAN và khoảng hơn 40 nhà ngoại giao các nước tại Indonesia. Đáng chú ý, BTQP Indonesia Purnomo Yusgiantoro đã dự và khai mạc Hội thảo. TTK Bộ Điều phối các vấn đề Luât pháp, Chính trị và An ninh Indonesia phát biểu đề dẫn. Cựu Tư lệnh Hải quân Indonesia, Đô đốc Kent Sondakh đã phát biểu cảm ơn.

Hội thảo diễn ra trong 2 phiên chính với 15 bài tham luận và nhiều ý khiến tranh luận tập trung thảo luận các vấn đề: (1) An ninh năng lượng và tầm quan trọng của Biển Đông; (2) ASEAN từ DOC tới COC, từ sự kiện Scarborough Shoal nghĩ về vai trò của ASEAN và tranh chấp Biển Đông; (3) Vai trò của ASEAN trong giải quyết tranh chấp Biển Đông và triển vọng hợp tác ASEAN - TQ; (4) Sự gia tăng khẳng định và tăng cường hiện đại hóa quân sự của TQ; (5) Sự đối đầu Mỹ - Trung ở Biển Đông; (6) An ninh hàng hải và luật pháp quốc tế về tự do hàng hải; (7) vai trò của UNCLOS, luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp Biển Đông; (8) Sự can dự của các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ, Australia, NB, ẤĐ… trong giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Kết thúc Hội thảo, ông A.B Mahapatra, Giám đốc CASS đã thay mặt Ban Tổ chức thông qua Tuyên bố Hội thảo với nội dung sau:

1. Biển Đông là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới, có trữ lượng lớn dầu khí, giàu tài nguyên thiên nhiên, có tầm quan trọng chiến lược không chỉ với các quốc gia khu vực mà với các nước trên thế giới.

2. Tình hình tranh chấp Biển Đông trong những tháng gần đây trở nên căng thẳng, xuất phát từ những nhân tố sau: (1) Tranh chấp về dầu khí và tài nguyên thiên nhiên; (2) Tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và các vùng chồng lấn; (3) Biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và việc một số nước tăng cường hiện đại hoá quân sự để bảo vệ lợi ích quốc gia; (4) Sự chia rẽ của ASEAN trong bối cảnh Mỹ theo đuổi chính sách quay trở lại Châu Á, TQ nỗ lực trỗi dậy mạnh mẽ và sự phát triển kinh tế của các nước Đông Á trong đó có các nước ASEAN đã khiến nhu cầu năng lượng, quan hệ thương mại trở nên bức thiết.

3. Năm 2012, tranh chấp Biển Đông tiếp tục diễn biến căng thẳng với những biểu hiện sau: (1) Tranh chấp về ngoại giao và hải quân giữa TQ và PLP tại bãi Scarborough Shoal gây căng thẳng trong khu vực và việc đàm phán COC vốn đang gặp vướng mắc giữa ASEAN và TQ; (2) Lần đầu tiên trong 45 năm lịch sử, Hội nghị NT/ASEAN (AMM-45) không đưa ra được Tuyên bố chung do nhiều quan điểm khác nhau về tranh chấp Biển Đông; (3) TQ thành lập đặc khu hành chính Tam Sa, tổ chức hệ thống chính quyền, triển khai hành động quân sự tại khu vực này và mời thầu quốc tế các lô dầu khí nằm trong thềm lục địa của VN. Những hành động này đã vi phạm Luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, TAC (1976) mà TQ và ASEAN đều ký kết và phê chuẩn, đi ngược lại tinh thần DOC 2002 và Định hướng thực hiện DOC hướng tới COC giữa ASEAN và TQ.

4. Căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông đặt ra thách thức đối với vai trò trung tâm và động lực của ASEAN trong việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực. Hiện nay, ASEAN đang đối mặt với những thách thức sau: (1) Xác định phạm vi, mức độ, vai trò của nước Chủ tịch ASEAN trong tiến trình ra quyết định của Hiệp hội; (2) Xác định lại nguyên tắc đồng thuận của ASEAN trong một số vấn đề quan trọng; (3) Xem xét hình thành cơ chế nhóm nước có vai trò, ảnh hưởng trong ASEAN (troika) để dẫn dắt Hiệp hội thực hiện các mục tiêu đã đặt ra; (4) Xem xét sự can dự của các cường quốc ngoài khu vực (Mỹ, NB, Australia, Nga, EU, ẤĐ…) trong việc hình thành một cấu trúc an ninh mới để đảm bảo hoà bình, an ninh và phát triển ở Biển Đông nói riêng và ở CÁ -TBD nói chung bên cạnh các cơ chế đang tồn tại như ADMM + 8, EAS, ARF…

5. Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực chung của ASEAN và TQ trong đàm phán DOC, mong muốn COC sẽ được hoàn tất và có hiệu lực trong thời gian sớm nhất. Để có giải pháp cho tranh chấp Biển Đông, việc thống nhất nhận thức, quan điểm và hợp tác giữa ASEAN và TQ về việc giải quyết vấn đề dựa trên quan điểm đa phương, Luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, TAC, DOC và Nguyên tắc hướng dẫn thực hiện DOC…đóng vai trò quan trọng. ASEAN và TQ cần tạo sự tin tưởng lẫn nhau về sự “đảm bảo chiến lược”, thực thi đầy đủ, hiệu quả DOC, sớm đàm phán và cho ra đời COC, ủng hộ các nỗ lực chung của các nước trong và ngoài khu vực trong giải quyết vấn đề Biển Đông.

6. ASEAN cần có trách nhiệm và chủ động trong ngăn ngừa xung đột leo thang tại Biển Đông, thống nhất nhận thức rằng tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông là trách nhiệm chính trị lớn và lợi ích chiến lược của toàn Hiệp hội, nước Chủ tịch luân phiên phải có trách nhiệm ưu tiên thúc đẩy đàm phán và giải quyết tranh chấp này. Cần tiếp tục chủ động hoàn thiện các thành tố cần có của COC, đưa ra các sáng kiến mới, tạo dựng các thể chế, hình thức hợp tác hoà bình mới như sáng kiến của PLP năm 2011 về ZoPFF/C, Diễn đàn Hàng hải ASEAN, Đối thoại an ninh hàng hải Đông Á…; cần đạt được bước tiến lớn thông qua việc thiết lập cơ chế hợp tác tuần tra và giám sát hàng hải.

7. Sự hiện diện và can dự mang tính hợp tác của các cường quốc ngoài khu vực (Mỹ, Australia, NB, ẤĐ, Nga, EU…) là cần thiết và đóng vai trò quan trọng, các nước này có quyền, lợi ích và trách nhiệm trong việc duy trì hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực, phù hợp với lợi ích của tất cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, ASEAN cần tiếp tục giữ vai trò chủ động, trung tâm trong các cơ chế an ninh tại khu vực, cân bằng quan hệ giữa Mỹ và TQ, tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác của tất cả các bên để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra là xây dựng các cộng đồng Chính trị - an ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN.

8. Giải quyết tranh chấp Biển Đông là vấn đề phức tạp và lâu dài, đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế. Trước mắt, các bên liên quan cần kiềm chế, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, không thực hiện các hành động làm phức tạp tình hình…; tránh chạy đua vũ trang, tăng cường hợp tác và phối hợp quốc phòng vì lợi ích chung của khu vực; cần tuân thủ đầy đủ và hiệu quả DOC, hướng tới COC, có cách tiếp cận đa phương, trước hết cần đạt được thoả thuận về những vấn đề ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, chống cướp biển….; cần linh hoạt, từng bước thể chế hoá cơ chế hợp tác và giải quyết tranh chấp.

Theo CASS-India

Văn Cường (gt)