Tóm tắt

Thành quả của quá trình đàm phán về biên giới biển giữa Indonesia và Philippines - 2 quốc gia thành viên ASEAN - có ý nghĩa rất quan trọng. Các cuộc đàm phán giữa hai bên được bắt đầu từ tháng 6/1994 và đã bị đình trệ cho đến tận năm 2003.

Việc kết thúc thành công quá trình đàm phán đến trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông đang có những dấu hiệu tăng nhiệt bởi sự tồn tại của các yêu sách mâu thuẫn. Việc kết thúc quá trình đàm phán giữa Jakarta và Manila sẽ giúp các quốc gia có yêu sách tại đây rút ra được những bài học có giá trị cho các vùng biển đang có tranh chấp tại Biển Đông.

Câu chuyện đàm phán giữa Indonesia và Philippines bắt đầu như thế nào?

Vào tháng 12/2003, tôi được giao nhiệm vụ tái khởi động cuộc đàm phán đã bị đình trệ tới gần một thập kỷ về biên giới biển với phía Philippines. Tôi làm việc với những người đồng cấp bên phía Philippines cho tới năm 2010 trước khi tới Brussels, sau đó người kế nhiệm vị trí của tôi đã tiếp tục cuộc đàm phán cho tới khi nó hoàn thành và thỏa thuận được ký kết vào ngày 23/5/2014.

Để thực hiện các cuộc đàm phán về biên giới biển, các bên cần phải có sự nhẫn nại lớn và quyết tâm rõ ràng. Đó là một khoảng thời gian dài. Đàm phán với Philippines có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi Indonesia và Philippines là 2 trong số các quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới, là những nước khởi xướng các nguyên tắc pháp lý dành cho các quốc gia quần đảo, và là thành viên của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Hiệp ước Paris năm 1898 đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến Tây Ban Nha – Mỹ quy định Philippines được hưởng phạm vi ranh giới hình chữ nhật, tuy nhiên Hiệp ước này không giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Philippines và các nước láng giềng. Indonesia không chấp nhận phạm vi ranh giới hình chữ nhật trong Hiệp ước Paris bởi nước này cho rằng nó không phù hợp với UNCLOS 1982, văn bản pháp lý mà cả Indonesia và Philippines đều đã ký kết.

Đây là một vấn đề phức tạp cho cả hai quốc gia bởi Indonesia bác bỏ yêu sách của Philippines. Cho dù những người đồng cấp của tôi bên phía Philippines hiểu được lý lẽ cho sự phản đối từ phía Indonesia, tuy nhiên, cũng có những áp lực đáng kể từ trong nước buộc họ phải giữ được Hiệp ước Paris trên bàn đàm phán. Cuối cùng, phía Philippines đã thay đổi lập trường của họ theo hướng phù hợp với UNCLOS 1982 và do đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đàm phán về biên giới biển. Việc Philippines thay đổi lập trường theo hướng phù hợp với UNCLOS 1982 có thể được xem như một thực tiễn quốc gia đáng ngợi khen trong luật pháp quốc tế.

Đàm phán về Sáng kiến Tam giác San hô (CTI)

Khi các cuộc đàm phán về biên giới biển bắt đầu giữa Indonesia và Philippines cũng như giữa Indonesia và Malaysia, vào năm 2007 tôi có cơ hội tham gia vào Sáng kiến Tam giác San hô (CTI) – một chương trình hợp tác đa phương gồm 6 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Philippines, Papua New Guinea, Timor-Leste và Quần đảo Salomon.

Trong số các quốc gia này, vào thời điểm năm 2007, giữa Indonesia, Malaysia, Philippines và Timor-Leste chưa có các đường biên giới biển. Tuy nhiên các quốc gia này vẫn có thể hợp tác cùng với nhau, thậm chí họ còn lập ra được một Ban Thư ký có nhiệm vụ giải quyết các mối đe dọa khẩn cấp tới các nguồn tài nguyên biển và ven biển của một trong những khu vực có tài nguyên phong phú và có sự đa dạng sinh học vào bậc nhất trên thế giới.

Trên một mặt trận khác, tại vùng biển tấp nập nhất thế giới – eo biển Malacca và Singapore – 3 quốc gia ven biển là Indonesia, Malaysia và Singapore đã hợp tác tại khu vực mà hầu như không có đường biên giới biển nào cả, tất cả cùng hướng tới một lợi ích to lớn hơn.

Hai bài học cho các quốc gia có tranh chấp tại Biển Đông

Hai bài học có giá trị có thể rút ra từ quá trình đàm phán giữa Indonesia và Philippines về phân định biên giới biển.

Thứ nhất, cho dù có muốn hay không, các bạn cũng nên chấp nhận thực tế rằng UNCLOS 1982 là văn bản luật hiện hành có vai trò chủ đạo trong việc phân định biên giới biển. Đây là thực tế cho dù lịch sử của bạn có ghi gì đi chăng nữa, ngay cả khi những ghi chép lịch sử của bạn đã có từ cách đây 115 năm. Nếu như một phạm vi ranh giới hình chữ nhật có tuổi đời hơn 1 thế kỷ cuối cùng cũng phải sửa đổi để phù hợp với UNCLOS 1982, thì không có lý do mà một đường đứt đoạn được vẽ ra từ những năm 1940 lại không phải tuân thủ theo UNCLOS.

Cho dù có sự khác biệt về hình dáng giữa phạm vi ranh giới hình chữ nhật trong Hiệp ước Paris mà Philippines dùng trong tranh chấp với Indonesia và đường chín đoạn mà Trung Quốc đang sử dụng để yêu sách tại Biển Đông, tuy nhiên cả hai yêu sách này đều có điểm tương đồng: cả hai đều là những yêu sách đơn phương, không dựa trên luật pháp quốc tế. Đường biên giới biển đầu tiên trong lịch sử giữa Indonesia và Philippines đánh dấu sự xuất hiện của một thực tiễn quốc gia mới trong phân định biển, cụ thể đó là những yêu sách đơn phương xuất hiện trong một vài tấm bản đồ nào đó sẽ buộc phải thay đổi để phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành.

Thứ hai, để có thể hợp tác cùng nhau, các bên có yêu sách cần phải hướng tới những mục tiêu lớn hơn tại những khu vực biển chưa tồn tại đường biên giới.

Mục tiêu lớn hơn của việc thành lập CTI đó là bảo vệ môi trường; và tại eo biển Malacca đó là an ninh biển. Đây là những mối quan tâm chung của thế giới, các quốc gia cần phải thúc đẩy và bảo vệ dù cho tại khu vực biển đó có tồn tại đường biên giới hay không. Đây là những thực tiễn quốc gia rõ ràng và đáng ngợi khen của các quốc gia tại Đông Nam Á. Đây cũng là những minh chứng cụ thể cho thấy rằng chúng ta, các quốc gia Đông Nam Á, là những người thực sự tuân thủ theo luật pháp quốc tế.

Do đó, các vụ việc căng thẳng leo thang gần đây tại Biển Đông đã đi ngược lại với những chuẩn mực của khu vực. Những vụ việc này là điều bất thường đối với thực tiễn quốc gia tại Đông Nam Á và cần phải được xử lý.

Tất cả các bên có yêu sách tại Biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc – quốc gia cũng là thành viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đều có trách nhiệm về mặt đạo đức, chính trị và pháp lý trong việc thiết lập hòa bình và ổn định trên thế giới, và họ đều có thể hợp tác với nhau một cách hòa bình.

Châu Á rất có thể sẽ trở thành khu vực tiên phong của thế giới trong việc ngăn ngừa xung đột và quản lý tranh chấp tại những khu vực chưa phân định được đường biên giới. Nhiệm vụ này có thể được thực hiện bằng việc đặt lợi ích của tất cả và những mối quan tâm chung của thế giới, ví dụ như an ninh và ổn định của khu vực lên trên lợi ích quốc gia đơn thuần. Liệu chúng ta đã sẵn sàng hay chưa?

Arif Havas Oegroseno là Đại sứ của Indonesia tại Bỉ, Luxembourg và EU. Ông cũng là Chủ tịch Hội nghị các quốc gia thành viên UNCLOS lần thứ 20. Bài viết được đăng tải trên RSIS Commentaries.

Quang Vũ (dịch)