Nga có kế hoạch đề xuất sáng kiến này tại tất cả các tổ chức quốc tế, các diễn đàn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như các cuộc họp do ASEAN tổ chức. Nga quan tâm đến sự ổn định ở Đông Nam Á. Mối quan hệ mạnh mẽ và đa dạng với các nước trong khu vực phát triển năng động này rất cần thiết cho nước Nga nhằm đảm bảo phát triển kinh tế khu vực Siberia và Viễn Đông. Nhưng việc duy trì sự ổn định này không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Ông Victor Sumsky, người đứng đầu Trung tâm ASEAN thuộc Học viện Ngoại giao Mátxcơva (MGIMO) cho biết: “Sự phát triển của khu vực Đông Nam Á phần lớn là kết quả của sự lớn mạnh của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc mạnh lên dẫn đến sự xuất hiện một số vấn đề, như quan hệ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong tương lai, có nhiều điều sẽ phụ thuộc vào các vấn đề này phát triển như thế nào. Bên cạnh đó, tình hình chính trị và kinh tế của Đông Nam Á đang phát triển trên nền tảng của những vấn đề nảy sinh trước đây, từ thời Chiến tranh Lạnh, như vấn đề hai miền Triều Tiên, vấn đề Đài Loan, sự xuất hiện của nhiều tranh chấp lãnh thổ song phương và đa phương, trong đó có tranh chấp các đảo ở Biển Đông đặc biệt căng thẳng trong những tuần gần đây. Đó là chưa đề cập đến những vấn đề của thế giới như buôn lậu ma túy, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, chống thiên tai…”

Vì vậy, nhiệm vụ thành lập một hệ thống an ninh khu vực càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Ở Đông Nam Á chưa có những cấu trúc an ninh tương tự như châu Âu. Hiện nay, an ninh ở khu vực này phần lớn được quyết định bởi các hiệp định song phương về hợp tác quân sự-chính trị mà Mỹ đã ký kết với một số nước trong khu vực từ thời “Chiến tranh Lạnh”. Đó là liên minh Mỹ-Nhật Bản, Mỹ-Hàn Quốc, Mỹ-Ôxtrâylia, liên minh Mỹ-Thái Lan và Mỹ-Philíppin. Gần đây, khi đối mặt với sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, Mỹ một mặt củng cố các liên minh này, mặt khác, mở rộng hợp tác quân sự với các nước khác, chẳng hạn với Việt Nam. Nhưng tất cả các liên minh đó đều mang dấu ấn của thời kỳ đối đầu trong lịch sử khu vực và lịch sử thế giới.

Thay cho hệ thống như vậy phải là một cấu trúc an ninh khu vực mới, dựa trên việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, không xâm lược, không đối đầu và áp dụng những hình thức hợp tác không nhằm chống lại nước thứ ba. Những nguyên tắc này phù hợp với cái gọi là “giải pháp ASEAN”, từng giúp các nước ASEAN sống với nhau trong hòa bình và hòa hợp hơn 40 năm qua.

  Theo Đài Tiếng nói nước Nga (Đêm 21/7)

 Viết Tuấn (gt)