Quan hệ các nước ở khu vực Biển Đông những tuần qua trở nên rất căng thẳng trước hành động và tham vọng của Trung Quốc trong yêu sách đường 9 đoạn gây nhiều tranh cãi. Cả Việt Nam và Philippnes đang phải đối mặt với sự hung hăng của Bắc Kinh, điều này khiến cho khả năng xảy ra khủng hoảng và xung đột tại Biển Đông là rất lớn. Quan điểm của các bên trong tranh chấp hiện nay là khá cứng nhắc và khả năng các bên cùng ngồi xuống đàm phán và thoả hiệp là tương đối thấp, thực tế thì Philippines - quốc gia đồng minh của Mỹ - đã có những hành động làm tăng khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng, cũng như khả năng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.

Vụ va chạm xảy ra khi Trung Quốc đưa dàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam thời gian vừa qua đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Sự việc xảy ra chỉ đúng một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barrack Obama có chuyến thăm các nước ở khu vực, Trung Quốc đã tính toán rất kỹ khi đặt dàn khoan ở vị trí nằm gần với bờ biển Việt Nam hơn là đảo Hải Nam của Trung Quốc, và nằm cách 14 dặm tính từ hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp. Trung Quốc đã điều các tàu tuần duyên để hộ tống dàn khoan này; bên cạnh đó là một đội tàu gồm cả tàu của lực lượng Hải quân Trung Quốc. Sau khi Hà Nội đưa ra tuyên bố phản đối hành động vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam, thì Trung Quốc lại tiếp tục nâng số lượng tàu hộ tống lên hơn 100 chiếc. Hành động nghiêm trọng gần đây nhất là việc các tàu Trung Quốc ngăn chặn và đâm chìm tàu cá Việt Nam gây đe doạ tính mạng của các thuyền viên trên tàu.  Theo báo cáo thì đã có 4 tàu của Việt Nam đã bị tấn công, và hiện nay tại khu vực dàn khoan Trung Quốc đã triển khai hơn 113 tàu để đe dọa khoảng 60 tàu của Việt Nam đang thực thi các hoạt động chấp pháp ngăn chặn hành vi trái phép của Trung Quốc tại vùng EEZ của Việt Nam.

Giữa Trung Quốc và Phillippines cũng xảy ra các vụ việc nghiêm trọng tương tự. Sau khi Trung Quốc chiếm được bãi Hoàng Nham (Scarborough  Shoal) vào năm 2012, Bắc Kinh dường như đang nhắm đến bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) - đây là một bãi cạn nhỏ nằm cách Philippines khoảng 105 hải lý và cả hai bên đều có yêu sách chủ quyền đối với bãi cạn này. Để củng cố chủ quyền của mình, năm 1999 Philippines đã đánh đắm một chiếc tàu vận tải hải quân cũ mang tên Sierra Madre tại đây và duy trì một phi đội thuỷ thủ trên con tàu này kể từ đó. Sự kiện gần đây nhất là việc Philippines bắt giữ một nhóm ngư dân người Trung Quốc trên tàu trở đầy rùa biển quý có nguy cơ tuyệt chủng ở vị trí cách bờ biển Phillipines khoảng 70 dặm và gần bãi Trăng Khuyết.

Đối với người ngoài cuộc, những lời hăm dọa, hay những đe doạ xung đột về các bãi đá, dàn khoan, ngư dân hay như rùa biển có vẻ là những việc bình thường. Thế nhưng đây lại là những vấn đề có tính chất hết sức nghiêm trọng - những điều nghe có vẻ là bình thường này được dùng để che đi các mối quan tâm sâu sắc về vấn đề lịch sử, quyền lực, tham vọng và chủ quyền quốc gia.

Vấn đề đặt ra ở đây là phải đánh giá xem các quốc gia nhìn nhận các vấn đề trên như thế nào và họ đã hành xử thế nào trước đây để từ đó có thể dự đoán được họ sẽ hành động như thế nào tương lai. Đây thực sự không phải là một vấn đề đơn giản.

Tham vọng của Trung Quốc và hành động quyết đoán

Điểm chung đối với tất cả các tranh chấp ở Biển Đông là Trung Quốc. Bắc Kinh là nguyên nhân chính gây căng thẳng và khủng hoảng trong các tranh chấp này. Tuyên bố đường 9 đoạn bao trọn hầu hết vùng biển là điều gây nhiều tranh cãi, nó thể hiện tham vọng và sự ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông. Tháng Tư vừa qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel cho rằng yêu sách này của Trung Quốc không hề có "bất cứ một cơ sở nào dựa trên luật pháp quốc tế để có thể khẳng định chủ quyền." Trung Quốc đưa ra yêu sách đường 9 đoạn dựa trên những giải thích về quyền lịch sử đối với các vùng biển này, tuy nhiên theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã định nghĩa vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), các thực thể đảo và quy chế đối với đảo - thì không công nhận yêu sách dựa trên quyền lịch sử. Hơn nữa, các triều đại khác nhau của Trung Quốc tại thời điểm khác nhau thì kiểm soát các hòn đảo khác nhau ở khu vực Biển Đông, Trung Quốc chưa bao giờ kiểm soát tất cả các đảo cùng một lúc.

Cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Biển Đông từng không phải một vấn đề lớn của Bắc Kinh thời gian đầu, khi Mao Trạch Đông thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa năm 1949. Và nó cũng chưa là vấn đề lớn của Bắc Kinh khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền vào thập niên 70, tại thời điểm này Biển Đông là vấn đề quan trọng được đặt trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, khi đó Đặng Tiểu Bình đã đặt ra định hướng để kiềm chế và tránh đối đầu. Do đánh giá sức mạnh Trung Quốc vào thời điểm này còn tương đối yếu và Trung Quốc rất cần có được môi trường hoà bình để phát triển kinh tế, do đó, Đặng Tiều Bình chủ trương theo đuổi chính sách gạt tranh chấp để khai thác chung.

Khi nền kinh tế của Trung Quốc đã trở nên thịnh vượng và mạnh mẽ hơn thì những tính toán của họ cũng thay đổi. Sự phát triển kinh tế của nước này đã vượt xa ra khỏi khả năng khai thác nguồn tài nguyên khai thác trong nước, kinh tế Trung Quốc phát triển đến mức cần phải có những nguồn lương thực và năng luợng mới - điều mà họ có thể tìm thấy được ở Biển Đông. Đồng thời, sức mạnh kinh tế, chính trị, và quân sự của Trung Quốc đã phát triển theo cấp số nhân, vượt trội so với các bên tranh chấp khác. Do nền kinh tế của các bên tranh chấp có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc, khiến cho họ dễ bị tác động trước sức ép kinh tế từ Bắc Kinh, bên cạnh đó ảnh hưởng chính trị và sức mạnh quân sự của họ yếu thế hơn hẳn so với Trung Quốc.

Nhiều người trong giới tinh hoa của Trung Quốc đã nhận ra sự thay đổi phân bổ quyền lực thế giới và tin rằng Trung Quốc cần phải hành động quyết đoán hơn để theo đuổi lợi ích của mình trong Biển Đông. Rõ rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bị thuyết phục trước các tập đoàn vốn nhà nước như CNOOC và SINOPEC dưới sự tiếp tay của phe diều hâu trong PLA, để Trung Quốc từ bỏ chủ chương của Đặng Tiểu Bình trong việc kiềm chế và hoà giải, thay vào đó là tìm cách thay đổi hiện trạng tại Biển Đông theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Những tính toán trong chiến lược của Trung Quốc nhằm tăng cường kiểm soát ở Biển Đông là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc luôn nói và hành động khác nhau, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói về một chiến lược kiềm chế và phòng thủ nhưng thực tế họ lại hành động ngày càng quyết đoán hơn. Bắc Kinh luôn biện hộ cho hành động của mình là mang tính phản ứng trước những tấn công từ bên ngoài. Tuy nhiên thực tế thì hành động của Trung Quốc lại gây leo thang căng thẳng, họ sử dụng sức mạnh áp đảo để củng cố tuyên bố và tăng cường vị thế của mình .

Cách tiếp cận có thể được gọi là phản ứng mang tính quyết đoán này được Bắc Kinh dùng để nguỵ biện cho các hành động của mình là hành động mang tính phòng thủ, đổ lỗi cho các bên tranh chấp khác là những kẻ gây rắc rối. Trước những gì đang diễn ra, luận điệu của Bắc Kinh cho rằng các tuyên bố chủ quyền và hành động của các bên tranh chấp gây ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia của Trung Quốc - họ ví nó như việc có quân đội nước ngoài thiết lập căn cứ quân sự ở bờ biển Florida của Mỹ.  Như một học giả Trung Quốc nói với tôi rằng: "đây là lãnh thổ của chúng tôi và chúng tôi có mọi quyền để sử dụng bất kỳ cách thức cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực, để buộc họ rời khỏi khu vực này.”

Tuy nhiên thì Trung Quốc cũng không muốn để xảy ra chiến tranh. Chiến thuật sử dụng tàu đánh bắt và tàu bảo vệ bờ biển, quấy rối, đâm vào tàu nước ngoài nhằm tránh xảy ra cuộc nổ súng - đây là tính toán của Trung Quốc nhằm kiểm soát vấn đề ở dưới mức độ căng thẳng mà có thể gây ra một cuộc xung đột toàn diện. Bắc Kinh thậm chí cố gắng huyễn hoặc các hành động nguy hiểm của mình là phòng thủ và đổ lỗi cho bên kia. Chỉ một ngày sau khi tàu Trung Quốc cố tình đâm và đánh chìm một tàu cá Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại đổ lỗi và cho rằng Việt Nam "ngay lập tức ngừng tất cả các hoạt động phá hoại và tổn hại" đồng thời Thứ trưởng Ngoại giao nước này còn nói rằng các nước không nên nghi ngờ quyết tâm và ý chí của Trung Quốc trong việc bảo vệ hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông. Bắc Kinh đã gửi đi một thông điệp rõ ràng đó là: các bên tranh chấp cần phải hoàn toàn nhất trí với các tuyên bố của Trung Quốc, và bất kỳ hành vi bạo lực nào xảy ra là kết quả của sự phản kháng và họ sẽ hoàn toàn phải trách nhiệm.

Những quan ngại và phản đối từ Malina và Hà Nội

Các nhà lãnh đạo ở cả Philippines và Việt Nam đều cảm thấy họ như đang đi trên dây, giữa một bên là yêu cầu cần phải duy trì mối quan hệ tích cực với Bắc Kinh trước những ảnh hưởng từ nền mạnh mẽ của nước này, khoảng cách gần về địa lý, cũng sức mạnh quân sự vượt trội của họ, và bên kia là nghĩa vụ của họ đối với đất nước trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Một chủ đề thường xuyên được nêu ra ở cả hai nước đó là vấn đề Crimea, mặc dù điều này không hoàn toàn giống nhau cho lắm. Tuy nhiên giới tinh hoa ở cả Manila và Việt Nam đều thấy được sự tương đồng giữa họ với Ukraine - một quốc gia nhỏ bị kéo vào một cuộc tranh chấp lãnh thổ nghiêm trọng với một nước hàng xóm có vị trí (tương đối) quan trọng về kinh tế và có sức mạnh quân sự vượt trội. Sự can thiệp của Nga kéo theo việc sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình dường như đã khiến cho các nhà lãnh đạo ở khu vực Đông Nam Á thấy rằng sự phụ thuộc kinh tế và khả năng quân sự yếu kém là một trách nhiệm địa chính trị, và rằng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là bất khả xâm phạm trong thế kỷ XXI.

Các nước này lo ngại rằng Nga đã tạo ra tiền lệ để Trung Quốc có thể dùng vũ lực kiểm soát vùng tranh chấp. Trước tình hình này, các bên tranh chấp đã tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời củng cố sức mạnh quân sự để làm giảm phần nào lợi thế trong tương quan lực lượng với Trung Quốc. Những năm gần đây, Việt Nam đã mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga, máy bay tuần tra trên biển từ Canada, và tàu hộ tống Sigma từ Hà Lan. Tương tự, Philippines cũng đã công bố kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng và mua 3 tàu tuần tra lớp Hamilton từ lực lượng Cảnh sát biển Mỹ, cùng với 12 máy bay chiến đấu FA- 50 mới từ Hàn Quốc. Cả hai nước đã có những bước củng cố hợp tác quốc phòng với Mỹ. Trong những năm gần đây quan hệ giữa Hà Nội và Washington cũng đã trở nên gần gũi hơn, trong khi đó Manila cũng đã ký với Washington Hiệp định Hợp tác Quốc phòng nâng cao nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Philippines.

Cả Việt Nam và Philippines sẽ không đứng yên trước việc Trung Quốc từng bước làm suy yếu quyền kiểm soát tại những nơi họ tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, họ cũng không muốn xảy ra chiến tranh với Trung Quốc - chiến lược của họ hiện nay, một mặt tập trung đấu tranh chống lại những hành động của Trung Quốc nhằm làm suy yếu yêu sách chủ quyền của các nước ở Biển Đông, mặt khác họ cần thêm thời gian để củng cố sức mạnh của mình, giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời hi vọng cộng đồng quốc tế sẽ can thiệp vào vấn đề tranh chấp. Malina đã đưa vấn đề tranh chấp với Trung Quốc ra toà trọng tài quốc tế, quyết định phân xử sẽ được đưa ra vào khoảng cuối năm 2015. Thêm vào đó, cả hai nước đã hướng trọng tâm đến ASEAN để tăng thêm đối trọng trong các đàm phán với Bắc Kinh, nhằm xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông  mang tính ràng buộc về pháp lý - thoả thuận này có thể sẽ không gây ảnh hưởng đến những tranh chấp hiện nay, tuy nhiên nó sẽ giúp làm giảm đáng kể những căng thẳng như những gì đã diễn ra thời gian gần đây.

Tương lai u ám phía trước

Các tranh chấp này sẽ khiến tương lai khu vực khó mà có được hòa bình và ổn định lâu dài. Các bên tranh chấp đều không thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào để có thể cùng ngồi xuống và đàm phán, do đó trong tương lai khả năng về việc leo thang và cuộc khủng hoảng ở khu vực vẫn ở mức cao.

Rõ ràng cách tiếp cận của Trung Quốc trong tranh chấp đặc biệt có vấn đề, có thể thấy được qua việc nước này từ chối thỏa hiệp, và tiếp tục để căng thẳng leo thang, cũng như chủ chương nhằm thay đổi hiện trạng (dù là từng bước) được xem là những nguyên nhân gây nên căng thẳng liên tục hiện nay ở Biển Đông. Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là việc chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp cận leo thang căng thẳng. Có vẻ như Bắc Kinh cho rằng việc leo thang căng thẳng có thể được dùng như một công cụ với sự hỗ trợ của khả năng dự báo và kiểm soát tuyệt đối. Qua điều này có thể thẩy rằng các chiến lược gia và các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc còn quá mơ hồ trước các vấn đề địa chính trị của cường quốc lớn, và thực sự họ đã không học được bài học từ các nhà lãnh đạo Mỹ và Nga trong thời gian Chiến tranh lạnh rằng: leo thang căng thẳng là một vũ khí rất nguy hiểm, và rằng kẻ thù sẽ đáp trả với cách không thể lường trước được, và căng thẳng sẽ nhanh tróng vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Có một vấn đề đặt ra ngay trước mắt đó là Trung Quốc sẽ phản ứng với việc Philippines bắt giữ ngư dân của mình như thế nào. Bắc Kinh chắc chắn sẽ có những phản ứng đáp trả, và một lần nữa sẽ tìm cách trừng phạt Manila, đồng thời tiếp tục củng cố yêu sách của mình. Một lựa chọn có thể Trung Quốc sẽ dùng đó là bắt giữ ngư dân Philippines đang hoạt động trong vùng biển mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Một phản ứng khác có khả năng xảy ra hơn và mang tính chất khiêu khích hơn đó là xua đuổi các thuỷ thủ Philippines hiện đang đóng quân trên con tàu bị đánh đắm ở bãi Cỏ Mây. Trung Quốc đã nhiều lần ngăn cẳn những nỗ lực tiếp tế nhu yếu phẩm cho các thủy thủ trên con tàu này của Philippines, và có thể Trung Quốc sẽ tìm cách thắt chặt phong tỏa trên tàu để buộc các thủy thủ phải rút lui. Khả năng về việc nổ súng có thể sẽ xảy ra cũng như khả năng Trung Quốc sử dụng tàu để đâm và và đánh chìm con tàu Sierra Madre cũng sẽ rất cao và mạng sống của các thuỷ thủ sẽ bị đe doạ.

Nếu không có một sự can dự rõ ràng hơn thì Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục có các hành động gây hấn. Bắc Kinh nguỵ biện những vấn đề này có liên quan trực tiếp đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, và sự kiện hướng về ngày lễ kỷ niệm 100 năm ngày phong trào cách mạng ngày 4/5 (khi đó chính phủ cầm quyền bị lật đổ bởi cuộc tổng nổi dậy trước những cáo buộc cho rằng Bắc Kinh đã quá mềm yếu trước sự bóc lột từ bên ngoài) đã khiến cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm nhận được mối liên hệ giữa sự suy giảm sức mạnh bên ngoài và những bất ổn trong nước. Trước việc tăng trưởng kinh tế đang có phần giảm sút những năm gần đây, Bắc Kinh nhận thấy rằng các hành động mang tính gây hấn như hiện nay có thể là một phương thuốc hữu hiệu, giúp Bắc Kinh khuấy động chủ nghĩa dân tộc trong nước để củng cố quyền lực của Đảng cộng sản Trung Hoa.

Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực đối với Philippines, dù là bằng cách nào đi chăng nữa thì họ cũng sẽ biện hộ rằng đây là hành động mang tính phòng thủ và đáp trả, và Mỹ có khả năng sẽ can dự vào cuộc khủng hoảng – cả về ngoại giao và khả năng về quân sự. Mỹ sẽ không nhượng bộ trước các hành động như vậy, mặc dù mức độ tin cậy trong việc Mỹ sẵn lòng can thiệp vào các vấn đề ở nước ngoài đã gây nhiều hoài nghi sau khi nước này quyết định không can thiệp quân sự vào vấn đề Crimea, cũng như với việc chính quyền Assad vượt giới hạn đỏ, sử dụng vũ khí hoá học ở Syria. Mặc dù Washington sẽ cố gắng làm giảm leo thang khủng hoảng và ngăn chặn việc sử dụng vũ lực, tuy nhiên thì Washington cũng sẽ hành động theo cam kết và giải quyết cả hai vấn đề gồm ngăn chặn xảy ra chiến tranh và bảo vệ đồng minh của mình.

Mặc dù bản thân Mỹ không phải là bên có yêu sách trong các tranh chấp này, tuy nhiên thì Mỹ có lợi ích rất lớn trong việc giải quyết tranh chấp một cách hoà bình. Nếu xung đột xảy ra ở Biển Đông thì sẽ là một thảm hoạ cho thương mại khu vực và đặc biệt là quan hệ Mỹ - Trung, cả hai điều này đều mang tầm quan trọng đối với Mỹ. Do đó, Mỹ có thể tăng cường răn đe Bắc Kinh bằng cách khiến cho nước này phải trả một cái giá đắt nếu có các hành động gây hấn - các đề xuất khả thi bao gồm việc Mỹ tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự với các bên có yêu sách khác ở Biển Đông, hỗ trợ họ xây dựng khả năng quân sự và tăng cường các cơ chế cho việc luyện tập và diễn tập đa phương. Thêm vào đó Washington có thể đóng vai trò là người đứng giữa làm điều phối và giúp chỉ ra những cơ hội có thể làm giảm leo thang, đồng thời xây dựng một lộ trình để tiến tới một giải pháp hoà bình cho vấn đề tranh chấp. Đối thoại Kinh tế và Chiến lược sắp tới là một cơ hội quan trọng để Bắc Kinh và Washington có cơ hội trao đổi trực tiếp với nhau về các vấn đề và các mối đe dọa mà hai bên cùng quan tâm và cùng nhau tìm ra giải pháp nhằm ngăn chặn khủng hoảng.

Quan hệ giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp khác ở Biển Đông đang rơi vào chiều hướng dễ xảy ra va chạm, nhiệm vụ của Mỹ là phải thể hiện vai trò lãnh đạo bằng cách ngăn chặn và giải quyết sớm các khủng hoảng có thể đẩy cả khu vực vào cuộc xung đột. Nếu các bên tranh chấp không tránh các hành động hung hăng và nhìn nhận việc giảm leo thang là một công cụ mang tính chiến lược hữu ích, thì không sớm thì muộn Bắc Kinh cũng sẽ đưa ra tính toán sai lầm và gây leo thang vuợt qua giới hạn đỏ dẫn đến khủng hoảng và  xung đột. Khi mà các quốc gia với những lợi ích khác nhau và không muốn đàm phán với nhau, sẵn sàng sử dụng vũ lực và không chấp giải pháp nào khác ngoài việc phải có được sự khuất phục của đối phương là điều hết sức nguy hiểm – và đây là cách chiến tranh sẽ nổ ra.

 

Bài viết của Abraham M. Denmark, Phó Chủ tịch vấn đề An ninh và Chính trị tại Văn phòng Quốc gia Nghiên cứu châu Á, được đăng trên trang mạng National Interest. 

Tiến Thịnh (dịch và gt)