Tuy nhiên, tình trạng nguyên trạng không dễ dàng hiện nay chỉ có thể được duy trì trong chừng mực các bên liên quan cùng thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin một cách nghiêm túc thông qua các diễn đàn đa phương trong khi duy trì biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu đối với Trung Quốc và với một cam kết không sử dụng vũ lực.

Đương nhiên, Trung Quốc quyết tâm loại bỏ can thiệp của các cường quốc ngoài khu vực, đặc biệt là Mỹ, ưu tiên đàm phán song phương với các bên tranh chấp yếu hơn trong khu vực mà nước này có thể dễ dàng chiếm ưu thế. Tuy nhiên, các cường quốc ngoài khu vực, viện dẫn Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS), cụ thể là quyền tự do hàng hải và qua lại vô hại, để làm căn cứ cho sự dính líu của mình.

Do các tranh chấp ở Biển Đông xuất phát từ các yêu sách chồng lấn đối với Vùng đặc quyền kinh tế, không phải biển cả nên UNCLOS không hoàn toàn liên quan. Tuy nhiên, một thỏa thuận quốc tế có thể đưa ra một số định hướng cho việc giải quyết các tranh chấp này đó là Hiệp ước hòa bình San Francisco (HUHB), có hiệu lực từ năm 1952 và chính thức kết thúc chiến tranh thế giới II ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Hiệp Ước Hòa Bình (HƯHB), Nhật Bản từ bỏ yêu sách chủ quyền của họ đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, song không trao 2 quần đảo này cho bất cứ quốc gia nào. Kết quả là, về mặt pháp lý, các đảo này vẫn nằm dưới quyền bảo trợ tập thể của 48 quốc gia thành viên HƯHB, kể cả hai bên tranh chấp đảo là Philippines và Việt Nam.

Trung Quốc, cho tới năm thứ 3 dưới sự cầm quyền của Mao Trạch Đông, thậm chí vẫn không được mời tham gia vào hội nghị hòa bình. Mặc dù những người cộng sản của Mao Trạch Đông đã chiến thắng rõ ràng trong cuộc nội chiến và duy trì kiểm soát đối với Trung Quốc đại lục, song những người tổ chức hội nghị đã không nhất trí được việc chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Bắc Kinh của Mao Trạch Đông hay chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Bắc của Tưởng Giới Thạch là thực sự đại diện Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc phủ nhận sự ràng buộc của Hiệp ước.

Tuy nhiên, Hiệp ước này áp dụng một cách gián tiếp đối với Trung Quốc thông qua Hiệp ước hòa bình song phương giữa Trung Hoa Dân Quốc và Nhật Bản năm 1952, chỉ được ký kết vài giờ trước khi HƯHB có hiệu lực và khẳng định lại các điều khoản của HƯHB, đặc biệt việc Nhật Bản từ bỏ Đài Loan. Quả thật, HƯHB đòi hỏi Hiệp ước Trung Hoa Dân Quốc – Nhật Bản phải phù hợp với nó, theo đó, ngăn cản Nhật Bản trong Hiệp ước với Trung hoa Dân quốc, giao bất cứ quyền hoạc danh nghĩa bổ sung nào cho bất cứ quốc gia nào khác trừ các nước thành viên HƯHB. Bởi vậy, Nhật Bản không thể công nhận Đài Loan như một phần của lãnh thổ Trung Quốc.

Chắc chắn là tự bản thân HƯHB không ràng buộc về mặt pháp lý đối với Trung Quốc. Nhưng đối với Nhật Bản, Trung Quốc rõ ràng thừa kế Trung Hoa Dân Quốc đối với Đài Loan như đã thể hiện trong Tuyên bố chung Trung - Nhật năm 1972 và trên cơ sở đó, 6 năm sau Hiệp ước Hòa bình và hữu nghị song phương đã được ký kết. Khi Nhật Bản chuyển từ công nhận ngoại giao đối với Trung hoa Dân quốc sang công nhân Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nhật Bản công nhận Cộng hòa nhân dân Trung hoa Trung Quốc là “chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc”.

Do Nhật Bản không công nhận Trung Quốc như là một quốc gia mới- công nhận quốc tế đối với nhà nước Trung Quốc đã tồn tại liên tục từ khi chính phủ Trung hoa dân quốc xuất hiện năm 1912- Trung Quốc đã chấp nhận một cách hữu hiệu các quyền và nghĩa vụ của chính phủ trước đây.

Hơn nữa, Nhật Bản đã không công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc với lý do làm như vậy sẽ vi phạm nghĩa vụ của mình theo HƯHB. Trong khi Nhật Bản hoàn toàn “hiểu” và “tôn trọng” một cách đầy đủ tuyên bố của Trung Quốc về việc Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể chia cắt, nó không thừa nhận yêu sách theo quy định luật pháp quốc tế. Hai nước chỉ đơn giản là đồng ý là không đồng ý về tình trạng pháp lý của Đài Loan. Nói cách khác, Nhật Bản từ bỏ Đài Loan mà không giao lại nó cho ai.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn im lặng về ý nghĩa của HƯHB đối với các yêu sách của mình ở Biển Đông. Điều này có thể chỉ đơn giản là phản ánh sự thiếu thốn các kinh nghiệm pháp lý quốc tế trong lĩnh vực này hoặc trạng thái đứt đoạn hoặc theo định hướng trong cộng đồng chính sách của Trung Quốc. Nó cũng có thể bắt nguồn từ các mối quan ngại là việc sử dụng lý luận pháp lý theo HUHB, vốn mâu thuẫn với lập trường của Trung Quốc đối với Đài Loan, để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hôm nay có thể làm giảm uy tín và làm suy yếu vị thế của mình.

Nếu không được kiểm soát, Trung Quốc có thể sử dụng các tranh chấp Biển Đông để đạt được quyền bá chủ hữu hiệu đối với các bên tranh chấp yếu hơn. Tất cả các bên tranh chấp, bao gồm cả Trung Quốc, có thể trích dẫn các mối quan hệ về địa lý và lịch sử để củng cố yêu sách của mình, song không ai trong số họ có danh nghĩa pháp lý vững chắc theo HƯHB.

Mỹ và các cường quốc ngoài khu vực khác nên tận dụng lợi thế của thực tế này, viện dẫn quyền bảo trợ tập thể đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với HƯHB và quốc tế hóa các tiến trình ngoại giao song phương giữa Trung Quốc và các nước tranh chấp trong khu vực. Các bên tham gia HƯHB thậm chí có thể tổ chức một hội nghị để thảo luận vấn đề này. Trường hợp Hội nghị này có thể loại được Trung Quốc thì chỉ riêng việc thảo luận cũng sẽ thay đổi người chơi.

Bài viết của Giáo sư Masahiro Matsumura thuộc Đại học St Andrew.

Thùy Anh (gt)