Tác giả cho rằng mặc dù đã có tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu trong 3 thập kỷ qua, cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa tạo được dấu ấn đáng kể nào trong nền ngoại giao toàn cầu. Mặc dù là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và đang là nước có đóng góp lớn cho lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, nhưng Trung Quốc chủ yếu chỉ hành động trong giới hạn hẹp nhất của các lợi ích quốc gia.

Tác giả nhấn mạnh bằng chứng dễ thấy nhất là những phát triển chính sách của Trung Quốc đối với Libi. Theo truyền thống, Trung Quốc ủng hộ tính bất khả xâm phạm của chủ quyền quốc gia và không ủng hộ những hành động có thể tác động đến quan hệ của Trung Quốc với các nước cung cấp cho Trung Quốc những thứ họ cần, chủ yếu là nguyên liệu. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không sử dụng quyền phủ quyết ở HĐBA để bảo vệ chế độ Libi. Jonathan Fenby cho rằng có thể Bắc Kinh không đặc biệt ưu ái Gaddafi hoặc tin vào ban lãnh đạo của ông, hoặc Trung Quốc đã nhận thấy những gì đã xảy ra ở Ai Cập và Tuynidi nên không muốn cam kết với Gaddafi để tránh mất lòng chính quyền kế nhiệm trong trường hợp Gaddafi buộc phải ra đi.

Bắc Kinh nhấn mạnh mọi hành động của HĐBA cần phù hợp với Hiến chương LHQ và các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành, tôn trọng quyền chủ quyền, độc lập, không chia cắt và toàn vẹn lãnh thổ của Libi, giải quyết cuộc khủng hoảng Libi thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình khác. Tuyên bố này tạo cho Trung Quốc cơ sở rộng rãi để phản đối nếu họ muốn và chỉ ngay sau đó, Trung Quốc lên tiếng lấy làm tiếc về cuộc tấn công quân sự chống lực lượng Gaddafi. Bằng cách giữ khoảng cách rõ ràng với chiến dịch oanh tạc, Trung Quốc có thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng và sẽ ủng hộ bên chiến thắng.

Trung Quốc cũng không phải thể hiện lập trường trong các vấn đề Ai Cập và Tuynidi vì các vấn đề này không được đưa ra HĐBA LHQ, nhưng cuộc nổi dậy ở Trung Đông, khu vực có tầm quan trọng chiến lược lớn, cũng đặt ra những thách thức đầy khó khăn đối với Trung Quốc. Sau khi cuộc nổi dậy bùng lên ở Ai Cập, các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc được lệnh chỉ sử dụng các thông tin từ hãng thông tấn quốc gia Tân Hoa Xã.

Trung Quốc luôn có những vấn đề quan trọng trong nước cần phải dè chừng. Việc họ luôn khẳng định tầm quan trọng của chủ quyền quốc gia và sự không can thiệp vào các vấn đề nội bộ rõ ràng có liên quan đến việc họ kiểm soát Tây Tạng và Tân Cương. Cuộc cách mạng Hoa nhài ở Trung Đông và Bắc Phi đã mở ra cuộc đàn áp lớn ở lục địa Trung Quốc nhằm ngăn ngừa bùng lên cuộc nổi dậy kiểu Hoa nhài ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Trái với những gì họ mô tả là hỗn loạn ở Trung Đông, các phương tiện truyền thông Trung Quốc trong mấy tuần qua liên tục nhấn mạnh nhu cầu ổn định theo trật tự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo Yale Global.

NT (gt)