Tháng trước, các tranh chấp chủ quyền song phương lại gia tăng sau khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ trên Biển Hoa Đông và yêu cầu các máy bay nước ngoài phải cung cấp nhận dạng khi bay qua khu vực. ADIZ mới của Trung Quốc - bao gồm cả một số khu vực mà Hàn Quốc và Nhật Bản đang kiểm soát - đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Seoul, Tokyo và Washington.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-Seok nói: "Chúng tôi sẽ phối hợp với các nước liên quan để đẩy lui và ngăn chặn các cuộc đối đầu quân sự không mong muốn, nhằm đảm bảo an toàn cho các máy bay bay qua khu vực. Vùng Nhận dạng Phòng không mới (của Hàn Quốc) hoàn toàn phù hợp với luật hàng không quốc tế và hiệp ước an ninh".

Ông Kim cho biết Seoul đã thông báo với các láng giềng cũng như các nước liên quan về kế hoạch mở rộng ADIZ - lần đầu tiên kể từ khi được thiết lập trong 62 năm qua. Vùng phòng không của Hàn Quốc vốn do Không quân Mỹ thiết lập năm 1951 trong Chiến tranh Triều Tiên. Theo tuyên bố, không phận mới sẽ được mở rộng thêm 66.480 km2 - tương đương 2/3 diện tích Hàn Quốc - về phía ngoài khơi bờ biển phía Nam. Trong một tuyên bố riêng, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định việc mở rộng không phận này không áp đặt bất kỳ hạn chế nào đối với hoạt động hàng không thương mại. Diện tích Vùng Nhận dạng Phòng không mới của Hàn Quốc cũng chồng lấn một phần với không phận Nhật Bản. Hiện Trung Quốc và Nhật Bản chưa đưa ra bất kỳ bình luận cụ thể nào về động thái mới này của Hàn Quốc.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định quyết định này của Seoul không hề xâm phạm chủ quyền các quốc gia láng giềng. Ông Jang Hyuk, người phụ trách chính sách của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, nói: "Chúng tôi tin rằng quyết định của Hàn Quốc sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ với Trung Quốc và với Nhật Bản. Seoul sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo và thúc đẩy hòa bình cũng như hợp tác tại khu vực Đông Bắc Á. Chúng tôi đã giải thích quan điểm của mình với các nước liên quan và tất cả các bên đều nhất trí rằng điều này hoàn toàn phù hợp với các quy tắc quốc tế và không phải là một hành động quá đáng". Quan chức này khẳng định ưu tiên hàng đầu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc là phối hợp với các nước láng giềng để ngăn chặn đối đầu quân sự.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki xác nhận Seoul đã tham vấn Washington về vấn đề này, đồng thời cho biết các quan chức Mỹ "đánh giá cao những nỗ lực (của Hàn Quốc) nhằm thực hiện quyết định này một cách có trách nhiệm" thông qua việc thông báo trước cho các nước láng giềng về kế hoạch mở rộng Vùng Nhận dạng Phòng không. Bà nói: "Chúng tôi đánh giá cao cam kết (của Hàn Quốc) trong việc triển khai điều chỉnh phạm vi Vùng Nhận dạng Phòng không và tôn trọng các thông lệ quốc tế cũng như tự do hàng không. Cách hành xử này giúp khu vực tránh được các hiểu lầm và đe dọa tới an toàn hàng không dân sự. Mỹ đã và sẽ luôn duy trì tham vấn đồng minh cũng như các đối tác trong khu vực nhằm đảm bảo mọi hoạt động đều hướng tới mục tiêu ổn định, phù hợp với các thông lệ quốc tế và tránh được các diễn biến không mong muốn".

Những căng thẳng mới nhất xung quanh Vùng Nhận dạng Phòng không của Trung Quốc đã phủ bóng đen lên chuyến công du tới ba nước trong khu vực hồi tuần trước của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Biden cảnh báo Trung Quốc không nên có những động thái nhằm gia tăng căng thẳng khu vực, đồng thời khẳng định hòa bình và ổn định tại châu Á là các mục tiêu mà Mỹ luôn hướng tới. Theo một quan chức Mỹ cấp cao, trong các cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Phó Tổng thống Biden cho biết ông hoàn toàn "hiểu" các hành động của Seoul, kể cả kế hoạch mở rộng Vùng Nhận dạng Phòng không. 

Boo Hyung-wook, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, nói: "Do vị trí địa lý của Hàn Quốc gần với Nhật Bản, Vùng Nhận dạng Phòng không mà Trung Quốc thiết lập không thể không chồng lấn một phần với không phận của Hàn Quốc, và đây chính là nguyên nhân dẫn tới tất cả các rắc rối hiện nay giữa hai nước. Giờ là lúc ba nước (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) cần ngồi vào bàn đàm phán để tránh xảy ra kịch bản tồi tệ nhất", mặc dù "ít có khả năng" các tranh cãi hiện nay có thể dẫn tới xung đột quân sự thực sự. 

Theo AFP

Văn Cường (gt)