law(1).jpg

Việc Washington đang thúc đẩy nỗ lực duy trì tự do hàng hải tại tuyến đường biển có tầm quan trọng chiến lược này trong khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn khu vực trên đã làm cho Seoul phải đau đầu vì họ phải tìm cách duy trì các mối quan hệ chặt chẽ với cả hai cường quốc trên.

Giáo sư chính trị quốc tế Hwang Jae-ho thuộc Trường đại học Hankuk nói: “Tranh chấp trên Biển Đông đã đặt ra một tình huống khó xử cho Seoul. Họ phải thực hiện một bước đi vừa cẩn trọng vừa khôn khéo để đảm bảo các lợi ích ngoại giao của mình”.
Vào tháng 1/2013, Manila đã khởi kiện Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài Thường trực về tính hợp pháp của “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tuyên bố. Nhiều nhà quan sát nhận định rằng nếu tòa án trên tuyên án có lợi cho Manila, mà khả năng này là rất cao, thì Seoul sẽ phải chịu nhiều sức ép phải phản đối sự ngang ngược của Bắc Kinh và điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào các nỗ lực của Hàn Quốc trong việc tăng cường các mối quan hệ với Trung Quốc - một đối tác cực kỳ quan trọng trong các lĩnh vực thương mại, du lịch cũng như phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Một phán quyết có lợi cho Philippines sẽ làm mất hiệu lực các cơ sở pháp lý của tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển này, qua đó củng cố lập trường của Mỹ rằng tất cả các nước phải được quyền tự do tiếp cận vùng biển trên.

Nhà nghiên cứu Lee Ki-beom thuộc Viện nghiên cứu chính sách Asan có trụ sở tại Seoul nói: “Nếu phán quyết cho rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào trong tuyên bố về đường 9 đoạn thì một phần rộng lớn của Biển Đông có thể được coi là khu vực biển xa, nơi mà các tàu chiến của Mỹ, Nhật Bản hay Philippines có thể tự do đi lại... Nói một cách đơn giản, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các bãi đá và vùng nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều thấp sẽ không có cơ sở pháp lý khi có phán quyết có lợi cho Manila”.

Ở trong tình thế phải đi trên dây, Seoul đã áp dụng một lập trường thận trọng đối với các tranh chấp trên biển. Tuy nhiên, Washington đã thúc ép Seoul phải lên tiếng để bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông, nơi có tới 90% lượng năng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc phải đi qua. Phát biểu tại một diễn đàn tổ chức tháng 6/2015, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel nói: “Theo ý kiến của tôi, việc Hàn Quốc, cũng giống như Mỹ, không phải là một bên tuyên bố chủ quyền là lý do để Seoul lên tiếng vì không phải là họ lên tiếng để bảo vệ lợi ích của chính mình mà là để ủng hộ các nguyên tắc chung của toàn thế giới và việc thượng tôn pháp luật”.

Trong bối cảnh Seoul đang phải chịu sức ép ngày càng gia tăng phải nói rõ lập trường của mình, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã phát biểu tại một cuộc hội thảo liên quan đến ASEAN tổ chức tháng 11/2015 rằng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phải được duy trì, đồng thời lên tiếng phản đối việc quân sự hóa vùng biển này.

Nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ xuất hiện thêm những lời kêu gọi Seoul phải hành động nhiều hơn nữa nhằm giữ cho tuyến đường biển này được rộng mở, qua đó bảo vệ những lợi ích của chính nước này. Theo họ, một cách tiếp cận nhẹ nhàng có thể sẽ là đúng đắn vào lúc này để có thể duy trì những mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Trong một bức thư điện tử gửi cho hãng thông tấn Yonhap, chuyên gia địa chính trị hàng đầu Robert D. Kaplan đã viết: “Chính sách giữ cân bằng giữa hai cường quốc của Hàn Quốc là đúng đắn. Nhưng sẽ tới thời điểm khi mà họ phải bày tỏ riêng với Trung Quốc rằng việc Trung Quốc thống trị Biển Đông là không có lợi cho Seoul”.

Về phần mình, Phó Giáo sư Michael Raska của Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratman thuộc Trường đại học công nghệ Singapore thì tiên đoán rằng Seoul thậm chí có thể sẽ cần phải đưa các loại vũ khí quân sự tới vùng biển tranh chấp chứ không phải chỉ đưa ra những tuyên bố ngoại giao kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những tranh chấp này.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Seoul cần phải hành động một cách cẩn trọng để tránh việc sa lầy một cách không cần thiết vào mâu thuẫn địa chính trị đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Giáo sư chính trị học Lee Dong-ryul thuộc Trường đại học nữ Dongduk cho rằng cuộc tranh chấp ở Biển Đông là một phần của mối mâu thuẫn địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, và Hàn Quốc cần phải tránh việc bị lôi kéo vào vấn đề trên, đồng thời chỉ ra rằng hai cường quốc này cũng có thể mong muốn làm giảm tình trạng căng thẳng hiện nay.

Trong khi đó, nhiều học giả Mỹ coi vụ kiện Trung Quốc của Philippines không phải là vấn đề lựa chọn giữa hai bên yêu sách chủ quyền mà là vấn đề “thượng tôn pháp luật”. John J. Hamre, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, phát biểu tại một diễn đàn tổ chức ở Seoul hồi tháng trước: “Tôi cho rằng đây là vấn đề liệu chúng ta có thể tin tưởng vào ngoại giao và luật pháp quốc tế hay không, và liệu chúng ta có ủng hộ lời phán quyết của một tòa án được thành lập một cách chính đáng hay không cho dù phán quyết này có thế nào đi chăng nữa”.

Theo “Yonhap” (ngày 10/5)

Mỹ Anh (gt)