Hạ tuần tháng 1/2012, Trung Quốc đã cho xuất phát tàu đổ bộ 20.000 tấn là tàu chiến lớn nhất do Trung Quốc tự thiết kế và đóng đã được biên chế vào Hải quân nước này. Báo chí nhà nước cho biết, đây là tàu thủy quân đánh bộ mới lớp 071 có thể chở một lượng xe bọc thép, một số trực thăng hạng vừa, các tàu đệm khí (hover-craft) và 800 quân. Chiếc đầu tiên ra đời năm 2006 tên là Kunlunshan đã được triển khai ở Ấn Độ Dương. Trong 5 tháng cuối năm 2011, dự án đóng các tàu này đã được đẩy nhanh với việc chiếc thứ tư vừa ra khơi tháng 1/2012 do Công ty Đóng tàu Hudong ở Thượng Hải sản xuất. Dự kiến Hải quân Trung Quốc sẽ biên chế 8 tàu loại này. Các nhà bình luận quân sự và các tướng lĩnh hải quân đã về hưu cuả Trung Quốc cũng nói Trung Quốc đã bắt đầu thiết kế các tàu đổ bộ lớn hơn nữa so với các tàu này. Ông Christien Le Miere, nhà nghiên cứu hải quân thuộc Viện Chiến lược Quốc tế Luân Đôn nói: “Trang bị một hạm đội với các tàu đổ bộ tấn công lớn có thể rõ ràng là muốn thể hiện lực lượng”. Việc tập trung lực lượng hải quân của nước này được tiến hành trong bối cảnh căng thẳng đang lên cao ở Châu Á Thái Bình Dương, một khu vực địa chính trị quan trọng trong thập kỷ tới. Trước đây các nhà quân sự chỉ chú ý đến eo biển Đài Loan, còn nay thì cả Nhật và Trung Quốc đang đấu đầu nhau ở các đảo ở Đông Á, còn Phi-líp-pin, Việt Nam và các nước khác đang tranh chấp với Trung Quốc về một phần biển Đông nơi nghi là giàu về dầu và khí. Hải quân Mỹ thông báo cũng sẽ triển khai các tàu đổ bộ tấn công lớp Littoral Combat ở các “ngã tư hàng hải” trên vũ đài Châu Á Thái Bình Dương, đóng tại Singapore và có thể cả ở Phi-líp-pin. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình đang thăm Mỹ đã kêu gọi tăng cường hợp tác quân sự giữa các cường quốc Thái Bình Dương. Ông Tập là con của một tư lệnh chiến binh du kích nổi tiếng những năm 1930 đã gặp ông Obama và sau đó được đón tiếp đặc biệt ở Lầu Năm góc kể cả với 19 phát đại bác chào mừng. Tuy nhiên ông Panetta kêu gọi Trung Quốc giải thích rõ hơn về lý do có sự tập trung quân của Bắc Kinh. Trong lúc đó, các chuyên gia quân sự cho rằng Ngành đóng tàu để bán của Trung Quốc là bàn đạp để nước này nâng cao hơn nữa về độ lớn và tính sát thương của các loại tàu chiến của mình. Năm 2010, Trung Quốc vượt Hàn Quốc trở thành xưởng đóng tàu lớn nhất thế giới. Sau hơn hai thập kỷ tăng chi tiêu quân sự liên tục, ngành đóng tàu của Trung Quốc đã giúp Hải quân nước này từ chỗ trang bị lỗi thời chỉ tự vệ ven bờ trở thành lực lượng “Biển Xanh” và mở rộng được ảnh hưởng ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Các nhà chiến lược quân sự cho rằng, hiện tại thì hải quân Mỹ vẫn là lực lượng thống trị trên biển cả về số lượng, sức chiến đấu, vũ khí cũng như kinh nghiệm chiến trận, nên các tàu chiến Mỹ vấn hơn hẳn các tàu chiến cuả Trung Quốc và các lực lượng Hải quân các nước khác. Nhưng rõ ràng rằng dưới thời Obama với quyết định cắt giảm của Lầu Năm Góc 487 tỷ USD ngân sách trong 10 năm tới thì hải quân Mỹ sẽ đi xuống trong khi hạm đội của Trung Quốc tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng.

 Theo Báo “The Egyptian Gazette” (ngày 16/2)

Viết Tuấn (gt)