Đầu tháng này, các tàu chiến của Trung Quốc đã lặng lẽ đi qua eo biển Sunda giữa đảo Java và Sumatra của Indonesia để tiến vào Ấn Độ Dương tổ chức tập trận. Đây là lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc sử dụng tuyến hàng hải này. Sau đó, họ đã quay trở về qua eo biển Lombok gần Bali và eo biển Makassar ngoài khơi Borneo. Thực tế cho thấy Trung Quốc đang tìm cách cạnh tranh quyền lực ở Thái Bình Dương nơi mà Mỹ chiếm vị trí thống trị hàng chục năm qua. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc triển khai chiến lược hiện đại hóa và phát triển hải quân vươn xa ra "biển xanh". Hải quân Trung Quốc ngày nay đã có thể hiện diện và tác chiến ở những khu vực cách xa bờ biển. Theo chuyên gia về an ninh châu Á Rory Medcalf thuộc viện Lowy, hải trình đến Ấn Độ Dương để tập trận là một bằng chứng mới nhất về việc Trung Quốc thử nghiệm khả năng vươn xa trên biển. Ông Medcalf nói: "Trung Quốc muốn truyền đi một thông điệp rõ ràng rằng họ có toàn quyền sử dụng các tuyến hàng hải quốc tế. Trong 5 năm nữa, sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc bên ngoài Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ trở thành một động thái rất bình thường".

Ảnh hưởng của Hải quân Trung Quốc ở Thái Bình Dương khiến nhiều nước phải lo ngại và tìm cách tăng cường tiềm lực quân sự. Không phải ngẫu nhiên mà tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với Nhật Bản ở biển Hoa Đông và với các quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông ngày càng căng thẳng. Đồng minh của Mỹ ở khu vực mong muốn Washington can dự sâu hơn để tạo ra đối trọng với Trung Quốc ở châu Á. Và đây cũng là thông điệp mà ông Kerry sẽ nhận được trong suốt chuyến công du khu vực bắt đầu từ ngày 13/2. Ông Kerry gánh vác một sứ mệnh quan trọng: chuẩn bị cho chuyến thăm châu Á của Tổng thống Barack Obama vào tháng 4 tới.

Gần đây, Hải quân Trung Quốc đã "bắn" đi tín hiệu rằng họ có ý định hiện diện nhiều hơn ở bên ngoài "chuỗi đảo thứ nhất". Đây được coi là đường ranh giới ngăn chia Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông với Thái Bình Dương. Mùa Hè năm 2013, lần đầu tiên tàu Hải quân Trung Quốc đã đi qua eo biển Soya giữa Nhật Bản và Nga. Sau đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tuyên bố rằng nước này đã hiện thực hóa giấc mơ "phá tan sự phong tỏa ở chuỗi đảo thứ nhất". Đô đốc Timothy Keating - từng chỉ huy lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương giờ đã nghỉ hưu, miêu tả việc tàu chiến Trung Quốc đi qua các eo biển của Indonesia là một bước phát triển lớn, thể hiện tham vọng vươn ra "biển xanh". 

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn muốn vẽ lại bản đồ không phận. Căng thẳng leo thang ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên vùng biển tranh chấp xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Năm 2013, Mỹ cảnh báo rằng tàu chiến Trung Quốc đã hoạt động bên trong Vùng Đặc quyền Kinh tế rộng 200 hải lý của mình. Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh tiết lộ rằng Trung Quốc đang đóng tàu sân bay đầu tiên ở cảng Đại Liên. Một biểu hiện nữa thể hiện sự tự tin của Trung Quốc được Mỹ hoan nghênh: mùa Hè này, Hải quân Trung Quốc sẽ tham dự cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC 2014 ở Haiwaii. Trung Quốc cũng cử lực lượng tham dự cuộc tập trận "Hổ mang vàng" vào tháng này ở Thái Lan. Nhà phân tích cấp cao Gary Li thuộc hãng nghiên cứu hàng hải IHS cho rằng việc triển khai 2 tàu khu trục và 1 tàu đổ bộ thế hệ mới mang theo quân, trực thăng, xe thiết giáp... đã giúp Hải quân Trung Quốc có thể triển khai hoạt động một cách linh hoạt hơn. Đây được coi là xương sống cho kế hoạch cạnh tranh quyền lực và ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.

Trong khi nhiều người lên tiếng chỉ trích việc lập ra ADIZ, ông Li Guoqiang thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc lại cho rằng đó là cách mà Bắc Kinh thể hiện phản ứng đối với Washington. Ông Li nói: "Mỹ đang thúc đẩy chiến lược tái cân bằng ở châu Á nhằm chống lại Trung Quốc. Trung Quốc coi đó là mối đe dọa và việc thiết lập ADIZ chính là một cách đáp trả hợp pháp". Theo đánh giá của giới chuyên gia, chuyến đi của Ngoại trưởng Kerry là rất quan trọng và được mong chờ. Một số ý kiến cho rằng ông không quan tâm đến châu Á bằng người tiền nhiệm Hillary Clinton. Và đây chính là dịp để ông Kerry xóa tan mọi hoài nghi trong dư luận cũng như chính giới các nước châu Á. 

Theo "Thời báo Tài chính"

Hương Trà (gt)