Thứ nhất, cần từng bước khôi phục việc kiểm soát có hiệu quả đối với các đảo tranh chấp. Lực lượng hải giám Trung Quốc cần nhân cơ hội này để khôi phục việc tuần tra thường xuyên đối với các vùng biển tranh chấp như đảo Hoàng Nham. Ngành ngư chính cần khuyến khích ngư dân khôi phục hoạt động nghề cá truyền thống ở vùng biển tranh chấp Biển Đông. Việt Nam, Philippines đang ra sức khai thác trộm tài nguyên dầu khí của Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi Trung Quốc đưa ra chủ trương “chủ quyền thuộc ta” lại không có hành động gì trong một thời gian dài. Các công ty dầu khí Trung Quốc, nhất là 3 công ty dầu khí lớn cần sớm có bước đi thực chất trong việc khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông. Các bộ, ngành cần có sự hỗ trợ về chính sách và có sự bảo vệ hiệu quả. Thứ hai, cần sớm điều chỉnh bố trí lực lượng bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở BIển Đông, thay đổi cục diện hỗn loạn “bát long trị hải” (8 con rồng cùng thống trị biển), thành lập một cơ quan quản lý các sự vụ ở Biển Đông thống nhất và mạnh. Cần giao quyền quản lý lớn hơn cho tỉnh Hải Nam để phát huy tính tích cực của địa phương trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Sáp nhập lực lượng ngư chính, hải giám, thành lập lực lượng bảo vệ bờ biển dưới sự chỉ huy thống nhất và có khả năng phản ứng nhanh. Hải quân Trung Quốc cần chuẩn bị tốt để ứng phó với nguy cơ có thể leo thang, đảm bảo hình thành sự uy hiếp mạnh mẽ đối với các nước không biết điều, trong thời quan trọng có thể tiếp viện cho lực lượng bảo vệ bờ biển. Thứ ba, cần tổ chức tốt đấu tranh ngoại giao. Trong cuộc đọ sức ngoại giao về tranh chấp chủ quyền Biển Đông, Trung Quốc cần sử dụng tốt sách lược “hợp tung và liên hoành”, tranh thủ đa số các nước ven Biển Đông ủng hộ lập trường của Trung Quốc, cô lập triệt để những nước ngoan cố. Cần phải xác lập cả chữ tín và chữ uy, xây dựng hình tượng nước lớn “có thể nương tựa nhưng không cho phép gây sự”, vừa làm cho phần lớn các nước cảm thấy Trung Quốc đáng tin cậy, vừa khiến nước cá biệt nào đó phải cân nhắc khi gây phiền phức cho Trung Quốc. Tất nhiên, không nên manh động sử dụng vũ lực, vũ lực nên là sự lựa chọn cuối cùng và nên ra đòn sau. Việc cấp bách hiện nay là dùng đòn bẫy kinh tế, làm cho các nước dám thách thức lợi ích cốt lõi của Trung Quốc phải trả giá đắt về kinh tế và dân sinh. Thứ tư, cần cố gắng chiếm ưu thế về dư luận quốc tế. Trung Quốc có căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc chưa giải thích đầy đủ để dư luận trong nước và quốc tế hiểu vấn đề này. Trung Quốc cần sớm tổ chức lực lượng, luận chứng có hệ thống các chứng cứ pháp lý về chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông.

Theo Báo Bình luận Trung Quốc (ngày 24/4)

Quang Lê (gt)