Theo bình luận của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ lợi ích trên biển trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập chậm chạp với khu vực và toàn cầu, Myanmar tìm mọi cách để tăng cường sức mạnh của hải quân. Và họ đã triệt để tận dụng các mối quan hệ song phương cũng như đa phương trong suốt một năm vừa qua để đạt tới mục tiêu mang lại "luồng gió mới" cho lực lượng hải quân. 

Đầu tháng 9 vừa qua, Phó Đô đốc Thura Thet Swe - Tư lệnh Hải quân Myanmar - đã tham dự cuộc họp với tư lệnh hải quân các nước thành viên ASEAN khác tại Philippines để thảo luận biện pháp phối hợp hoạt động và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải. Trước đó một tuần, bộ trưởng quốc phòng hai nước Mỹ và Myanmar đã có cuộc gặp song phương đầu tiên trong hơn 20 năm qua. Trung tướng Wai Lwin đã gặp người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) tại Brunei.

Trong năm 2013, Myanmar cũng chính thức tham gia tập trận chung với hải quân Ấn Độ nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía New Delhi cho công cuộc củng cố sức mạnh trên biển. Chuyến thăm Ấn Độ của Phó Đô đốc Thura Thet Swe hồi cuối tháng 7 vừa qua cũng đã mang lại cho Myanmar những hợp đồng đầy tham vọng: đóng tàu tuần tra xa bờ và huấn luyện binh sỹ. Phía Myanmar cũng đề nghị Ấn Độ giúp đào tạo cách thức vận hành các loại máy bay trực thăng, trong đó có cả trực thăng tấn công. Trước đó, Ấn Độ đã cung cấp cho Myanmar 4 máy bay tuần tra biển và một số tàu pháo. Để cân bằng mối quan hệ với hai cường quốc láng giềng, Myanmar đón nhiều tàu Trung Quốc ghé thăm cảng, trong đó có một tàu bệnh viện.

Từng bị cô lập trong quá khứ, bắt đầu từ năm 2011, Myanmar đã quyết định mở cửa với thế giới bằng việc giải tán Hội đồng Hòa bình và Phát triển (SPDC) - cơ cấu quyền lực tối cao của chính quyền quân sự. Năm 1988, giới tướng lĩnh Myanmar đã tiến hành đảo chính và thiết lập chính quyền quân sự. Tuy nhiên, ngay sau cuộc đảo chính quân sự, lệnh cấm vận và các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đối với Myanmar. Chỉ đến khi nước này tổ chức tổng tuyển cử và bắt đầu tiến trình chuyển giao từ chính quyền quân sự sang dân sự vào năm 2010, thì lệnh cấm vận mới được dỡ bỏ.

Việc phát hiện ra những mỏ dầu khí ở khu vực biển thuộc vịnh Bengal đã châm ngòi cho tranh chấp chủ quyền giữa Myanmar và Bangladesh. Năm 2012, Tòa án Quốc tế về luật biển đã đưa ra phán quyết mang tính bước ngoặt giúp giải quyết những tranh chấp này. Giờ đây, Naypyidaw đang tìm mọi cách để bảo vệ lợi ích quốc gia dọc bờ biển dài gần 2000 km, và trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình. Rõ ràng, Myanmar có tiềm năng rất lớn trong phát triển kinh tế biển, đặc biệt là về công nghiệp khai thác dầu khí. Tương lai tiến trình phát triển ở Myanmar sẽ phụ thuộc nhiều vào chiến lược hướng ra biển của nước này. Vì vậy, lực lượng hải quân được trang bị đầy đủ và hiện đại là điều kiện cần thiết, đảm bảo môi trường an ninh cho tiến trình phát triển kinh tế biển của Myanmar. 

Được thành lập từ năm 1940, hải quân Myanmar chỉ là kẻ "chầu rìa" trong Thế chiến Thứ II. Sau khi Myanmar giành được độc lập từ Anh vào năm 1948, hải quân nước này vẫn chỉ có một vài tàu nhỏ tác chiến ven bờ do Mỹ và các nước châu Âu chế tạo. Năm 1988, Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật pháp Quốc gia (SLORC) - tiền thân của SPDC, đã mua tàu tuần tra của Trung Quốc, và khuyến khích hoạt động tự nghiên cứu, chế tạo ở trong nước. Trong suốt thập niên 1980 và 1990, Trung Quốc là nước cung cấp hàng hóa chủ yếu của Myanmar để đổi lấy cửa ngõ chiến lược thông ra Ấn Độ Dương. 

Theo báo cáo Cán cân Quân sự năm 2013 của IISS, hải quân Myanmar hiện có 16.000 quân. Tuy nhiên, trong các chiến dịch chống nổi dậy trước đó, hải quân mới chỉ đóng vai trò hỗ trợ và thiếu hẳn khả năng tác chiến xa bờ. Khi Đô đốc Nyan Htun - người tiền nhiệm của Phó Đô đốc Thura Thet Swe, được bổ nhiệm làm Phó Tổng thống vào tháng 8/2012, nhiều người cho rằng ông đã được Thống tướng Than Shwe - cựu Chủ tịch SPDC, nâng đỡ. Tuy nhiên, những kinh nghiệm về hợp tác khu vực cộng với nền tảng kiến thức có được từ Mỹ mới là điều kiện quan trọng giúp ông Nyan Htun có được vị trí ngày hôm nay để thúc đẩy kế hoạch phát triển hải quân.

Trong năm qua, hải quân Myanmar đã triển khai một chiến dịch ngoại giao với điểm đến là hầu hết các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ... Họ không giấu giếm ý định vươn ra biển lớn bằng sức mạnh hải quân. Ngày 21/6 vừa qua, tạp chí "Jane’s Defence" cho biết một nhóm nhỏ thủy thủ của hải quân Myanmar đã bắt đầu khóa huấn luyện tác chiến trên tàu ngầm ở Pakistan. Động thái này chứng tỏ Myanmar đang triển khai những bước đi khá cụ thể để trang bị tàu ngầm cho hải quân. Mặc dù hiện vẫn là mục tiêu dài hạn, nhưng không thể phủ nhận một thực tế là tàu ngầm sẽ giúp hải quân Myanmar tăng cường khả năng đánh chặn để bảo vệ vùng biển thuộc chủ quyền của nước này. 

Theo IISS

Thuỳ Anh (gt)