Bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh muốn giải quyết các cuộc tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán song phương, các nước thành viên ASEAN đã tìm cách đoàn kết để dựa vào sức mạnh tập thể nhằm chống lại nước láng giềng có nhiều thế lực này.

Biển Đông là vùng biển có tầm quan trọng chiến lược vì 1/3 tàu bè trên thế giới di chuyển qua vùng biển này. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc - quốc gia vốn đòi chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông - đã bị cáo buộc tìm cách ngăn chặn Việt Nam và Philíppin thăm dò dầu khí ở vùng biển mà hai quốc gia này cùng với Đài Loan, Brunây và Malaixia cũng tuyên bố chủ quyền.

Ông Nguyễn Văn Hiến - Phó Đô đốc Hải quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam - nói tại buổi khai mạc: “Một thực tế rõ ràng là trong khu vực của chúng ta tồn tại những tuyên bố chủ quyền chồng lấn đối với một số vùng biển, đảo trên Biển Đông. Nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế đang đe dọa đến hòa bình, sự ổn định của khu vực biển Đông nếu chúng ta không có nhận thức chung đúng đắn và quyết tâm tìm ra một giải pháp hòa bình và giải quyết xung đột hiệu quả”.

Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam viện dẫn bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các văn bản hướng dẫn thực hiện bản tuyên bố này mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ở Bali (In-đô-nê-xi-a) tuần trước như là cơ sở để giải quyết các tranh chấp.

Cùng chung quan điểm với người đồng nhiệm Việt Nam, Tư lệnh Hải quân Ma-lai-xi-a cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tự do hàng hải trong vùng biển này. Ông nói: “Tôi muốn hối thúc Trung Quốc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia ven Biển Đông”.

Theo giới quan sát, nhân cuộc họp ngày 27/7, các thành viên ASEAN đã thể hiện nỗ lực tìm kiếm một biện pháp cụ thể, cùng nhau đoàn kết và dựa vào sức mạnh tập thể để phòng ngừa Trung Quốc. Tại hội nghị, Phó Đô đốc Alexander Pama - Tư lệnh Hải quân Philíppin - đã kêu gọi hải quân các nước Đông Nam Á hợp tác chặt chẽ hơn với nhau, đặc biệt về vấn đề Biển Đông. Ông nói: “Thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào vùng biển trong khu vực của chúng ta. Một ASEAN vững chắc sẽ góp phần mang lại giải pháp hòa bình cho Biển Đông”. Ông nói rằng hội nghị ở Hà Nội lần này là cuộc họp chính thức đầu tiên quy tụ các Tư lệnh Hải quân của tất cả 10 nước ASEAN và mục đích của diễn đàn này là nhằm củng cố hợp tác giữa các lực lượng hải quân ASEAN.

Phó Đô đốc Phạm Ngọc Minh, Phó Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam, cho biết mục đích của hội nghị lần này là nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và xác định tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các lực lượng hải quân của các quốc gia thành viên ASEAN trong nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và phát triển khu vực.

Tại hội nghị lần này, một trong những đề xuất được các nước đưa ra là tăng cường hoạt động chung. Chuẩn Đô đốc Xinhgapo Chee Peng và Phó Đô đốc In-đô-nê-xi-a Marsetio đã đề nghị thiết lập hệ thống trao đổi và chia sẻ thông tin giữa hải quân các nước Đông Nam Á. Trong khi đó, Việt Nam bày tỏ mong muốn hải quân các nước ASEAN diễn tập chung. Theo Đô đốc Sri Abdul Aziz - Tư lệnh Hải quân Malaixia - các hoạt động tuần tra chung cần được mở rộng từ việc bảo vệ môi trường môi trường, chống cướp biển, cho đến bảo vệ chủ quyền. Phát biểu với giới báo chí sau hội nghị ở Hà Nội, ông đã kêu gọi Trung Quốc “tôn trọng chủ quyền” và sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác trong khu vực.

Lê Quang (gt)