Kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thực hiện các bước để thay đổi chính sách châu Á-Thái Bình Dương, hiện được gọi là chiến lược tái cân bằng. Chiến lược này bao gồm ít nhất 2 lĩnh vực: một là điều chỉnh sức mạnh từ góc độ toàn cầu, thu hẹp lực lượng Mỹ được triển khai tại châu Âu và chuyển sang châu Á; hai là phân bổ sức mạnh tại châu Á để đạt được một sự phân phối sức mạnh cân bằng của Mỹ trong khu vực bằng cách rút quân khỏi Afghanistan và Iraq để chuyển sang các khu vực khác ở châu Á, như Đông Nam Á. 

Đằng sau chính sách trên là hai mục tiêu về chiến lược và kinh tế. Trong mục tiêu chiến lược lại có 2 ý định: 

Một là để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, luôn bị coi là một nguy cơ đối với sự thống trị toàn cầu của Mỹ. Mặc dù Washington nhận thức rõ ràng về khoảng cách sức mạnh với Bắc Kinh, nhưng đà tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc vẫn khiến họ bất an. Theo các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 1993 chỉ bằng chưa đầy 7% tổng GDP của Mỹ, nhưng đã lần lượt tăng lên 13%, 36% và 53% vào các năm 2001, 2009 và 2012. Quan trọng hơn, các triển vọng phát triển tương lai của Trung Quốc khá hứa hẹn do chính phủ Trung Quốc có một chiến lược, thời gian biểu và lộ trình phát triển rõ ràng. Trong chuyến thăm Trung Quốc, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ ra rằng Mỹ tin rằng người dân Trung Quốc có khả năng thúc đẩy tiến trình quan hệ nước lớn lên tầm cao mới.

Hai là để đảm bảo hiệu quả những cam kết an ninh với các đồng minh châu Á của Mỹ. Sau Chiến tranh Lạnh, nhất là trong thế kỷ 21, hệ thống liên minh của Mỹ đã vấp phải một cuộc khủng hoảng lòng tin hết lần này đến lần khác, chủ yếu do không có một nguy cơ bên ngoài lớn, sự khác biệt chính sách giữa Mỹ với các đồng minh, khao khát được tự chủ hơn của các đồng minh và sự suy giảm sức mạnh tương đối của Mỹ. Trong bối cảnh đó, Mỹ cần một chính sách rõ ràng, chứng tỏ rằng cam kết an ninh của Mỹ đối với các đồng minh châu Á tiếp tục có giá trị và đáng tin cậy.

Mục tiêu kinh tế của Mỹ cũng có hai ý định: 

Một là đáp ứng các nhu cầu của nền kinh tế Mỹ đang phục hồi. Theo các số liệu thống kê của WB, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương năm 2012 đạt 7,5%, trong khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 2,2%. Tỷ lệ đóng góp của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thế giới đạt trên 40%, còn nếu tính toàn bộ châu Á, tỷ lệ này đạt trên 50%. Khu vực này đã trở thành động cơ năng động và quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế thế giới.

Ngược lại, tình hình kinh tế Mỹ nói chung vẫn chưa đáng lạc quan. Mặc dù kinh tế Mỹ đang dần phục hồi và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế quý 3/2013 đạt 3,6%, cao hơn nhiều so với dự báo của thị trường, nhưng tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn ở mức trên 7%. Các điều kiện kinh tế tại Mỹ có quan hệ trực tiếp tới đời sống hàng ngày của người dân, do đó chạm vào dây thần kinh nhạy cảm nhất của chính phủ Mỹ. Kết quả thăm dò mới nhất của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy 81% số người được hỏi tin rằng bảo vệ việc làm cho người Mỹ nên là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Obama; 65% số người được hỏi thất vọng với chính sách kinh tế của ông Obama; tỷ lệ ủng hộ ông Obama giảm xuống 41%, mức thấp nhất kể từ đầu nhiệm kỳ 2 của ông tới này. Vì thế, việc đưa kinh tế Mỹ ra khỏi khó khăn càng sớm càng tốt, nhất là giảm tỷ lệ thất nghiệp, đang trở thành vấn đề gai góc đối với chính quyền Obama, nhất là khi các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2014 đang tới gần.

Sự phục hồi kinh tế Mỹ có quan hệ chặt chẽ với châu Á bởi vì 25% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ là sang châu Á, trong khi 30% kim ngạch nhập khẩu là từ châu lục này. Việc xuất khẩu sang châu Á đang cung cấp việc làm cho hơn 1 triệu người Mỹ. Hai là đảm bảo nền kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn nằm trong tầm chi phối của Mỹ. Rõ ràng, chiến lược tái cân bằng của Mỹ có 2 mục tiêu và ảnh hưởng của chiến lược đó đối với các quan hệ Mỹ-Trung nên được phân tích từ 2 phía: một là ván bài sức mạnh chiến lược giữa hai nước đang tăng lên và sự cạnh tranh có thể khốc liệt hơn; hai là ván bài này đang cung cấp một cơ hội để Trung Quốc và Mỹ mở rộng hợp tác.

Theo China Focus

Trần Quang (gt)