Các kết luận tại hội thảo sẽ được trình lên cho một cuộc họp cao cấp của ASEAN, trước khi có khuyến nghị gửi cho các Ngoại trưởng ASEAN ở cuộc họp tháng 11/2011 tại Bali.

Trong cuộc hội thảo, các chuyên gia pháp lý của ASEAN trao đổi về đề xuất của Philippines với nội dung xây dựng “khu vực Biển Đông đang có tranh chấp thành một Khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác trong khuôn khổ luật pháp”. Phó Tổng thống Binay nhấn mạnh đề xuất trên đây của Philippines chỉ tập trung vào những khu vực biển có tranh chấp và chỉ tại những nơi này, các bên liên quan có thể thảo luận về khả năng hợp tác cùng khai thác tài nguyên. Những vùng biển không có tranh chấp chỉ chịu sự tài phán của quốc gia có chủ quyền.

Theo AFP, Philippines thừa nhận quần đảo Trường Sa là nơi có tranh chấp chủ quyền nhưng đồng thời, Manila nhấn mạnh rằng các khu lân cận như Reed Bank - còn gọi là Bãi Cỏ rong, nơi có trữ lượng lớn về dầu khí là những vùng không có tranh chấp và thuộc chủ quyền của Philippines, bởi vì những vùng này nằm trong khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Ông Carl Thayer, một chuyên gia về Đông Nam Á của trường Đại học New South Wales ở Australia nhận xét cuộc họp của các giới chức hàng hải ở Manila nằm trong khuôn khổ một kế hoạch phức tạp mà Trung Quốc và ASEAN đã đồng ý nhằm giải quyết các tuyên bố đòi chủ quyền đối chọi nhau tại Biển Đông. Ông Thayer nói: “Vậy là các chuyên gia pháp lý của ASEAN đang hội họp và vấn đề là điều gì sẽ là điểm khác biệt giữa một tuyên bố về ứng xử của các bên và một bộ quy tắc ứng xử mang tính cưỡng chế về pháp lý. Đa số các chuyên gia về luật pháp quốc tế cho rằng sẽ phải là một hiệp ước. Nhưng đó là một con đường quá xa để đi tới”.

Ông cho biết mặc dù Trung Quốc có thể không thích nói về một giải pháp đa phương cho vấn đề, nhưng họ đã đồng ý thảo luận với ASEAN về vấn đề này khi ký vào các hướng dẫn. Điều này cũng có thể mang tác dụng có lợi cho Trung Quốc bởi vì một số nước ASEAN, như CPC và Myanmar, có thiện cảm hơn với lập trường của Trung Quốc và có thể sẽ không muốn theo bất cứ chủ trương nào có thể bị coi là khiêu khích. “Vì thế họ đang tìm cách lôi kéo các nước ASEAN khác vào việc chung quyết chủ trương đó về mặt pháp lý và nếu nó trở thành một điểm xung đột với Trung Quốc thì sẽ rất khó cho Philippines đạt được một sự đồng thuận về điểm này”.

Theo BBC, hai nhà ngoại giao Philippines nói với hãng tin AP rằng Trung Quốc phản đối hội nghị này. Tuy nhiên, RFI lại nói rằng Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines chưa có phản ứng gì về cuộc hội thảo này.

Theo VOA, Philippines vẫn ủng hộ việc ASEAN có một lập trường cứng rắn hơn đối với những tuyên bố của TQ nhận chủ quyền trong khu vực có tranh chấp giàu tài nguyên dầu khí này.

Trước đó, ngày 19/9 tại Brussels, Bỉ, cũng diễn ra một hội nghị với chủ đề “An ninh hàng hải trên Biển Đông”, tổ chức ở Viện nghiên cứu châu Âu về các vấn đề châu Á (EIAS) với sự tham dự của khoảng 60 đại biểu, đại diện của EU, Bộ Ngoại giao Bỉ, đoàn ngoại giao và các viện nghiên cứu quốc tế hàng đầu tại Brussels. Đáng chú ý, hội thảo này do Đại sứ quán Việt Nam, PhilippinesIndonesia đồng tổ chức.

Các nước tham gia chủ trì Hội thảo (Việt Nam, Philippines và Indonesia) tập trung giới thiệu tình hình chung ở Biển Đông, cập nhật các diễn biến phức tạp gần đây và nỗ lực của ASEAN trong việc làm dịu căng thẳng, hướng đến giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đề nghị EU quan tâm và đóng góp nhiều hơn cho việc giải quyết các tranh chấp và bảo đảm an ninh hàng hải khu vực.

Trong phát biểu của mình, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ đã giới thiệu tình hình an ninh hàng hải ở Biển Đông trong thời gian qua, đặc biệt nêu bật nỗ lực của VN cùng các nước ASEAN trong việc làm giảm căng thẳng, không để tranh chấp trong khu vực Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ tốt đẹp giữa ASEAN với Trung Quốc, khẳng định chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế (Hiến chương Liên Hiệp Quốc, UNCLOS 1982, DOC). Việc bảo đảm hòa bình và an ninh hàng hải khu vực cần có sự tham gia của tất cả các đối tác trong và ngoài khu vực, là trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế. EU có thể đóng góp nhiều và cụ thể hơn cho việc giải quyết tranh chấp thông qua việc tiếp tục quan tâm đến tình hình khu vực, lên tiếng về vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm của các nước EU trong việc phân chia, quản lý lãnh hảỉ và thềm lục địa…

Hội thảo khẳng định EU có lợi ích trong việc bảo đảm an ninh hàng hải ở Đông Nam Á, theo đó, EU cần có chính sách tổng thể đối với Đông Nam Á trong đó có vai trò tham gia giải quyết tranh chấp thông qua việc: bày tỏ quan điểm của mình một cách thích hợp về Biển Đông tại các diễn đàn quốc tế như ARF, hay thông qua các kênh đối thoại với Trung Quốc bày tỏ quan điểm về yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc, ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp khu vực phù hợp luật pháp quốc tế.

Hai hội thảo này cho thấy Việt NamPhilippines vẫn đang tiếp tục kiếm tìm hỗ trợ về ngoại giao và pháp lý trong cuộc tranh chấp chủ quyền dai dẳng và phức tạp ở Biển Đông./.

Thanh Hà (gt)