Thứ nhất, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - với tư cách là một khối - không phải là bên tuyên bố chủ quyền hay phản đối tuyên bố chủ quyền trong các tranh chấp trên Biển Đông. Các nước có tuyên bố chủ quyền gồm bốn thành viên của ASEAN là Brunây, Malaixia, Philíppin, Việt Nam, cùng với Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan. Chính vì vậy, ASEAN không ủng hộ hay phản đối tuyên bố của bốn nước thành viên, đồng thời không tham gia bất cứ hoạt động tranh chấp nào giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, ASEAN mong muốn duy trì hòa bình trong khu vực, thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, cam kết biện pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp và mong muốn đảm bảo rằng tất cả các bên liên quan tuân thủ nghiêm túc luật quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS).

Thứ hai, việc ASEAN mong muốn hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) như một công cụ pháp lý để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông trong tương lai gần không phải là một nỗ lực kết thân với Trung Quốc hay ủng hộ bốn nước thành viên, mà là nhằm tạo dựng một khuôn khổ pháp lý đảm bảo trật tự, chống xung đột bùng phát hay leo thang, quản lý xung đột, xây dựng lòng tin và môi trường hòa bình tại Biển Đông theo tinh thần của UNCLOS. Do đó, những nỗ lực xây dựng COC cần tránh bất cứ định kiến nào liên quan đến các tuyên bố chủ quyền cũng như quyền chủ quyền của các bên ở Biển Đông.

Thực tế, việc xây dựng và hoàn thiện COC, như ASEAN và Trung Quốc nhất trí, sẽ mất thời gian. Đó là lý do tại sao cùng lúc Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nêu rằng các Biện pháp xây dựng lòng tin (CBM) và các hoạt động hợp tác khác cũng cần được đàm phán trước khi được triển khai nhằm tạo dựng môi trường xây dựng cho tiến trình đàm phán về COC. Các CBM bao gồm: tiến hành đối thoại giữa các quan chức quốc phòng và quân sự; đảm bảo đối xử công bằng và nhân đạo đối với những người đang gặp nguy hiểm hay thảm họa; thông báo trước trên cơ sở tự giác với các bên liên quan về các cuộc diễn tập quân sự chung hoặc kết hợp; cung cấp thông tin liên quan trên cơ sở tự giác. Trong khi đó, một số hoạt động hợp tác được xác định là bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an toàn về hàng hải và truyền thông trên biển, các hoạt động tìm kiếm cứu nạn và chống tội phạm xuyên quốc gia…

Tác giả kết luận các quốc gia, vùng lãnh thổ có tranh chấp từ hai bên (ASEAN và Trung Quốc) vẫn chưa triển khai DOC. Do đó, hai bên cần hành động để sửa chữa sai sót. Giờ đây, ASEAN và Trung Quốc phải thực thi các nguyên tắc, tiến hành các hoạt động theo tinh thần của DOC cùng lúc với việc chuẩn bị cho COC.

Theo The Jakarta Post

Văn Cường (gt)