Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có chuyến thăm Trung Quốc từ 4 đến 6/9, đây là chuyến thăm Bắc Kinh cuối cùng trong nhiệm kỳ của bà. Hillary từng tuyên bố, cho dù Tổng thống nhiệm kỳ tới là ai, bà cũng vẫn sẽ không làm Ngoại trưởng nữa. Hoài Sướng, chuyên gia phân tích chiến lược của Ủy ban Quỹ Năng lượng Trung Hoa cho biết, với thân phận cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ, lại từng là đối thủ quyết liệt tranh cử Tổng thống với Obama, bà Hillary rõ ràng là một Ngoại trưởng mạnh mẽ, bà đã dẹp bỏ tình trạng mấy đời Tổng thống Mỹ trong lĩnh vực ngoại giao luôn phải dựa vào Cố vấn An ninh Quốc gia và các trợ lý an ninh khác của Tổng thống. Bộ Ngoại giao Mỹ mà bà Hillary lãnh đạo cũng đã trở thành cơ quan có sức hành động và sức ảnh hưởng mạnh nhất. 

“Sức mạnh thông minh” thay đổi hình thái bá quyền

Bà Hillary đã để lại rất nhiều di sản cho ngoại giao và chiến lược của Mỹ, trong đó có hai “di sản” lớn để lại ấn tượng sâu sắc nhất: 

1. Khi mới lên làm Ngoại trưởng, bà đã tiếp nhận khái niệm “sức mạnh thông minh” do “Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Vấn đề Quốc tế” đưa ra. Trong bối cảnh sức mạnh tổng thể của nước Mỹ đang suy yếu, lấy “sức mạnh thông minh” làm hạt nhân hướng đạo, từng bước thúc đẩy sự chuyển đổi hình thái bá quyền của Mỹ trên toàn cầu. 

2. Ra sức tuyên truyền và thúc đẩy sự chuyển dịch trọng tâm chiến lược của Mỹ sang phía Đông. Tháng 10/2011, bà Hillary đã viết bài “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ” đăng trên trên tạp chí “Chính sách đối ngoại”, trong đó có đoạn khá dài nói về xu thế tương lai quan hệ Trung – Mỹ và sự quan tâm của Mỹ đối với khu vực Thái Bình Dương. Bài viết có ảnh hưởng lớn đối với sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ, khiến mọi người không khỏi liên tưởng tới bức “điện văn tám nghìn từ” của tác giả nổi tiếng George Frost Kennan trong lịch sử. 

Cùng với sự điều chỉnh đội ngũ an ninh trong Chính phủ Mỹ, “các nhóm lợi ích chiến tranh phi thông thường” do các tướng lĩnh lục quân làm chủ (vốn chiếm ưu thế trong cuộc chiến chống khủng bố) dần bị rút khỏi hạt nhân của đội ngũ an ninh Mỹ, “các nhóm lợi ích chiến tranh thông thường” do các tướng lĩnh hải quân và không quân làm chủ giành lại quyền kiểm soát đối với chiến lược an ninh quốc gia, đồng thời đưa ra chiến lược quân sự “chiến tranh nhất thể hóa hải quân – không quân” với trọng điểm nhằm vào Trung Quốc. Do đó, hai di sản ngoại giao lớn của bà Hillary có thể nói là một tiêu chí và là bộ phận cấu thành của sự chuyển hướng chiến lược của Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, hai di sản này có thực sự gia tăng vị trí lãnh đạo của Mỹ trên thế giới như bà Hillary mong đợi hay không? 

Xét từ sự chuyển dịch hình thái bá quyền, việc lấy “sức mạnh thông minh” làm hướng đạo rõ ràng sẽ trở thành tiêu chuẩn lâu dài của sự điều chỉnh chiến lược toàn cầu của Mỹ. Theo đó, hình thái bá quyền của Mỹ trong tương lai sẽ có những điều chỉnh như sau: 

- Mỹ trở thành tư bản đầu tư mạo hiểm có quy mô lớn nhất thế giới, lợi dụng đồng đôla Mỹ, nợ Mỹ và đòn bẩy tiền tệ nhanh chóng thu hút tiền bạc của thế giới; 

- Mỹ trở thành khâu cuối của chuỗi cung ứng của cải và lợi nhuận doanh nghiệp toàn cầu; 

- Mỹ là lực lượng tấn công quân sự mạnh nhất thế giới và là nhà bao cung ứng quốc phòng lớn nhất; 

- Mỹ sẽ trở thành nước xuất khẩu tài nguyên mới nổi; 

- Mỹ sẽ xây dựng một hệ thống liên minh toàn cầu hoàn toàn mới, đa phương linh hoạt và theo kiểu móc nối nhiệm vụ. 

Chuyển dịch chiến lược sang phía Đông khiến Trung Quốc cảnh giác 

Mỹ tuy chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và tương đối suy thoái, song suy thoái này chỉ là dùng để so sánh với chính bản thân Mỹ mà thôi. Xét trên phạm vi toàn cầu, Mỹ vẫn là quốc gia lớn mạnh nhất, không có một nước nào trong khoảng thời gian ngắn có thể vượt Mỹ. Hơn nữa, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, chênh lệch sức mạnh giữa Mỹ với các nước đồng minh chủ yếu của Mỹ đang được nới rộng, các nước đồng minh cũng càng phải dựa vào Mỹ, điều này về tổng thể đã làm gia tăng sự bá quyền toàn cầu của Mỹ. Do đó, Mỹ cần tiến hành điều chỉnh về mặt hình thái bá quyền chứ không phải tiến hành thu hẹp bá quyền. Xét từ điểm này, việc bà Hillary đưa ra khái niệm “sức mạnh thông minh” rõ ràng đã thành công, điều này chắc chắn sẽ được người kế nhiệm kế tục. 

Xét từ góc độ Mỹ “chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang phía Đông”, Trung Quốc không có năng lực và cũng không muốn cạnh tranh toàn diện với Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương. Là một bên có sức mạnh khá yếu, trong quá trình sức mạnh Trung – Mỹ từng bước tiếp cận nhau, mối đe dọa từ Trung Quốc đối với Mỹ lớn hơn mối đe dọa từ Mỹ đối với Trung Quốc. Do đó, thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, không để hai nước trượt vào những khó khăn trong vấn đề an ninh là công việc mà Bộ Ngoại giao Mỹ cần làm. 

Trong bối cảnh này, một mặt bà Hillary đã phối hợp với “chiến tranh nhất thể hóa hải quân – không quân” đưa ra “sự chuyển dịch trọng tâm chiến lược về phía Đông”, điều này rõ ràng đã khiến Trung Quốc cực kỳ cảnh giác. Là bộ phận có chức năng hoạt động ngoại giao nhằm cân bằng các hoạt động của phía quân đội, song Bộ Ngoại giao Mỹ do bà Hillary đứng đầu lại không tạo ra được hiệu quả của sự cân bằng, ngược lại, còn làm gia tăng nghi ngờ Trung – Mỹ về mặt chiến lược. 

Mặt khác, đối mặt với các ngôn từ và hành động của Mỹ nhằm vào Trung Quốc trong các vấn đề Biển Đông, Điếu Ngư/Senkaku và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc đã áp dụng hình thức “không tiếp chiêu” để hóa giải, điều này dường như đã khiến các nỗ lực ngoại giao của Mỹ ở mức độ rất lớn trở thành vô nghĩa. 

Người kế nhiệm đối mặt với áp lực điều chỉnh cơ cấu 

Cơ quan chiến lược hiện nay của Mỹ vẫn lấy Chiến tranh Lạnh làm cơ sở, vốn được xây dựng để chống lại Liên Xô. Trong nhiệm kỳ vừa qua của Tổng thống Obama, các ông Robert Gates, David Howell Petraeus và Martin Dempsey đã thay đổi một cách sâu sắc công năng và mô hình vận hành trước đây của Bộ Quốc phòng, Cục Tình báo Trung ương và Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân. 

Bà Hillary, người nổi tiếng về sự đối phó cứng rắn với khủng bố, cũng là người duy nhất được chính phủ Mỹ ủy quyền tiến hành điều chỉnh cơ quan ngoại giao, xây dựng trong cơ quan này bộ phận tác chiến liên ngành chuyên ứng phó với khủng bố, đồng thời đã phát huy tác dụng rất lớn trong các hành động “thanh trừ” các phần tử khủng bố. Có thể nói, chức năng quân sự của Bộ Ngoại giao Mỹ đang không ngừng được tăng cường. 

Sau khi bà Hillary, một Ngoại trưởng vô cùng mạnh mẽ, về hưu, người kế nhiệm chắc chắn cũng sẽ phải đối mặt với áp lực và nhiệm vụ điều chỉnh cơ quan. Cơ quan chiến lược tổng thể của Mỹ có khả năng sẽ hoàn tất điều chỉnh trong nhiệm kỳ Tổng thống tới, nó sẽ thích ứng hơn với môi trường quốc tế hậu Chiến tranh Lạnh. Trong bối cảnh này, người kế nhiệm bà Hillary cũng cần phải kế thừa di sản “sức mạnh thông minh” rất thành công của bà Hillary để sửa chữa và hoàn thiện di sản “chuyển dịch trong tâm chiến lược sang phía Đông” chưa được thành công nhiều.

Theo Tín báo, Hồng Công

Văn Cường (gt)