Hội nghị cấp cao nhiều lắm cũng chỉ có tính chất tượng trưng, nhưng Hội nghị cấp cao Đông Á tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 10 có ý nghĩa tượng trưng cực kỳ quan trọng. Hội nghị lần này chứng tỏ đứng trước một nước Trung Quốc đang nổi lên, Mỹ nhận thức được rằng cần phải liên kết được các dạng đồng minh không chính thức, Trung Quốc cũng nhận thức được rằng các nước láng giềng đã không hề tin vào lời cam kết trỗi dậy hòa bình của mình. Vì thế mà Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Ôxtrâylia và một số nước Đông Nam Á tham gia hội nghị đã biểu lộ một thông tin rằng khái niệm G-2 có phải đã trở thành hiện thực, đều có quan hệ lợi hại đối với tất cả mọi quốc gia hay không? 


Tại Hà Nội, cơ cấu đa cực ở Đông Á đã phát triển đến độ chín muồi. Hà Nội là nơi để cơ cấu đa cực hình thành một cách tất yếu. Trong số các nước Đông Á, Việt Nam là nước phản đối mạnh mẽ nhất việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông  và các đảo ở vùng biển này. Ý thức đồng thuận dân tộc và ký ức về chiến tranh không ai có thể sánh được với Việt Nam . Kinh tế Việt Nam đã đem lại triển vọng đầu tư rất lớn cho Nhật Bản và phương Tây. Trong quá trình vươn lên đuổi kịp các nước như Thái Lan và Malaixia, tới đây có thể Việt Nam sẽ ở thời kỳ tăng trưởng nhanh nhất của 20 năm. Vịnh Cam Ranh có thể sẽ là một bến cảng với cơ sở vật chất có thể sánh được với bến cảng khác ở Biển Đông. Đồng thời, xét từ trong lịch sử, Việt Nam có quan hệ mật thiết với Nga và Ấn Độ. Nga mong muốn phát huy vai trò ngày càng lớn trong các công việc ở Đông Á, trong khi đó Ấn Độ ý thức được thách thức của Trung Quốc đối với Niu Đêli lớn hơn Pakixtan nên gần đây đã định ra chiến lược “hướng Đông”. 


Trung Quốc có thể có lý do để nói rằng Việt Nam đã vượt quá mức thường lệ làm cho đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông trở thành một vấn đề nổi bật, nhưng việc này vốn không nên coi là một tiêu điểm. Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn bị buộc phải có những lời lẽ mang tính xoa dịu nhiều hơn. Thái độ hung hăng của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku đã dẫn đến tình cảm chống Nhật ở trong nước, cũng như sự chỉ trích nước Mỹ. Trung Quốc đã làm tăng thêm mối lo ngại của các nước khác về ý đồ của mình. Gần đây Trung Quốc còn tuyên bố chủ trương của nước này đối với vùng Casơmia và vùng biên giới phía Đông giữa Trung Quốc và Ấn Độ khiến Ấn Độ tức giận. 


Tuy nhiên, đã không có sự kiện nào cho thấy các nước ở khu vực này công khai liên kết với nhau chống lại Trung Quốc, mà đều muốn giữ quan hệ ổn định với Trung Quốc. Những nước này biết rõ kinh tế Trung Quốc tăng trưởng đem lại lợi ích thương mại, hy vọng Trung Quốc cũng giống như nước Mỹ trước đây tiếp tục đem lại động lực thúc đẩy kinh tế của họ phát triển. Bản thân Trung Quốc vẫn xây dựng quan hệ chiến lược với các nước khác ở lục địa châu Á, nhất là Mianma và Lào, đồng thời còn đang lôi kéo Thái Lan. Chính phủ các nước này đều biết rõ Mỹ không còn là nước lớn mạnh nhất, một số nước thậm chí còn phấn khởi trước sự thực này. Bởi nước Mỹ áp dụng tiêu chuẩn kép trong vấn đề kinh tế và thương mại, can thiệp vào công việc nước khác với danh nghĩa nhân quyền nên các nước Đông Á vẫn còn bực bội với Mỹ. Nhưng dù sao tâm trạng lo ngại của họ trước việc Trung Quốc làm cho các nước láng giềng trở thành nước phụ thuộc cũng đang tăng lên. 


Một số nước ở khu vực coi Trung Quốc là trở ngại cho tiến trình công nghiệp hóa của họ chứ không phải là nhà cung cấp kỹ thuật, vốn và thị trường. Các nước Ấn Độ và Inđônêxia cảm thấy lo lắng trước hiện trạng nhập khẩu các hàng thành phẩm của Trung Quốc nhưng chủ yếu lại xuất khẩu các loại nguyên vật liệu chưa qua chế biến. Họ sợ Trung Quốc có ý đồ lợi dụng đồng tiền của họ để cưỡng chiếm thị phần, gây tổn hại đến lợi ích của họ. 


Đông Nam Á như hiện nay là chiến trường cho một số nước lớn và nước trung bình tranh giành ảnh hưởng, cũng là nơi để Trung Quốc với phe của Ấn Độ và Malaixia đối đầu nhau. Khu vực Đông Nam Á có rất nhiều vấn đề và lợi ích, nhưng lợi ích trong các lĩnh vực kinh tế và chiến lược có lúc không thống nhất với nhau. Hiện thực này không phải là cục diện phân định rõ trắng đen, nhưng về căn bản, sự thực về việc đối phó với Trung Quốc vươn dậy và nước Mỹ dần dần suy thoái là vấn đề chung mà các nước trong khu vực cùng đối mặt. 

 

Hội nghị cấp cao Hà Nội năm 2010 có lẽ không thể đặt ngang hàng với Hội nghị Băngđung năm 1955 phát động thành Phong trào Không liên kết đối phó với thế giới gồm hai phe, nhưng Hội nghị Hà Nội quả thực đã dự báo sự nổi lên của cơ cấu đa cực trong các công việc của châu Á, Trung Quốc và Mỹ sẽ là người tham gia chủ yếu nhất trong cơ cấu này. Mặc dù vậy, đây vẫn chỉ là hai cực trong cơ cấu đa cực./.

Theo New York Times; TTXVN