Theo tác giả này, Biển Đông lại nổi sóng, Mỹ đã tỏ rõ nghiêng về Việt Nam và Philíppin, các nước này đã phá bỏ cam kết đàm phán “một chọi một” vốn có. Tuy nhiên, điều này có thể khiến Bắc Kinh bớt kiêng dè, hâm nóng lại tư tưởng “vứt bỏ ảo tưởng, mạnh dạn đấu tranh” của Mao Trạch Đông, giang tay bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và quyền lợi biển của Trung Quốc ở Biển Đông.

Khi Việt Nam tiến hành diễn tập bắn đạn thật, Mỹ đã có thái độ phê bình, không ít người cho rằng Mỹ sẽ giữ vai trò trung lập, song chỉ mấy ngày sau đó, Mỹ và Việt Nam đã đưa ra tuyên bố chung rằng cần bảo đảm an ninh, ổn định, hòa bình và tự do đi lại ở Biển Đông. Tuyên bố chung này rõ ràng nhằm cảnh cáo Trung Quốc. Điều đáng nói là Việt Nam trong lúc này đang ra sức tẩy trừ chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống từ thời chiến tranh. Điều này chứng minh rằng giữa quốc gia với quốc gia chỉ có quan hệ lợi ích, không có kẻ thù vĩnh viễn. Bên cạnh đó, Đại sứ Mỹ tại Philíppin từ lâu đã nói rằng Mỹ sẽ ủng hộ tất cả việc làm của Philíppin. Trong trò chơi này, Mỹ còn lợi dụng nhiều nước khác để bao vây Trung Quốc.

Vậy trong cuộc tranh chấp này, Trung Quốc ở châu Á còn bạn bè nữa không? Hiện có 5 nước ASEAN là Việt Nam, Ma-lai-xi-a, Philíppin, Brunây và In-đô-nê-xi-a có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Trong số 5 nước còn lại, ngoại trừ Xinh-ga-po, các nước như Thái Lan, Campuchia, Lào và Mianma sẽ giữ quan hệ tốt với Trung Quốc. Ngoài ra, Nhật Bản tuy có lập trường chung với Mỹ, song cũng không dám làm quá. Các nước khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ… sẽ giữ thái độ trung lập. Có thể thấy rằng Trung Quốc vẫn còn có bạn bè xung quanh, không sợ bị bao vây, cô lập.

Trong tình hình nhạy cảm và phức tạp này, Trung Quốc cũng cần buộc chặt với Nga. Trong chuyến thăm Nga vừa qua của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, hai bên đã ký “Tuyên bố chung Trung-Nga liên quan tình hình quốc tế hiện nay và các vấn đề quốc tế lớn”, thể hiện lập trường nhất trí đối với các vấn đề nóng trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề duy nhất mà hai bên không đề cập đó là Biển Đông. Theo tác giả, Nga không dễ dàng gì bỏ rơi Việt Nam.

Xét từ lịch sử, quan hệ giữa Việt Nam với Nga tốt hơn với Trung Quốc rất nhiều. Là một nước nhỏ, để sinh tồn, Việt Nam luôn tìm kiếm một nước lớn để kiềm chế nước láng giềng Trung Quốc. Nga hiện ở Việt Nam cũng có những lợi ích quan trọng, Việt Nam là khách hàng quan trọng mua vũ khí của Nga, Nga-Việt cũng đang liên doanh khai thác dầu khí ở Biển Đông… Tất nhiên, lợi ích của Nga ở Trung Quốc lớn hơn nhiều, kim ngạch thương mại hai nước sau 10 năm đạt 200 tỷ USD. Hai nước cũng cần tới sự ủng hộ của nhau trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Trong cơn phong ba lần này ở Biển Đông, Trung Quốc kiên trì lập trường giải quyết hòa bình. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là Trung Quốc buông tay, cũng không hoàn toàn có nghĩa là Trung Quốc từ bỏ biện pháp cứng rắn.

Có chuyên gia quân sự Bắc Kinh chỉ ra rằng Trung Quốc cần có “5 sự tồn tại” ở Biển Đông. Một là tồn tại về chính quyền; hai là về pháp luật; ba là về quân sự, nơi nào có điều kiện đóng quân thì đóng quân, nơi nào không có điều kiện đóng quân thì dựng bia chủ quyền, treo cờ Trung Quốc; bốn là về kinh tế, cần tiến hành khảo sát khoa học, thăm dò dầu khí và khai thác du lịch ở Biển Đông; năm là về dư luận, báo chí và cư dân mạng cần thông qua các kênh tuyên truyền chủ quyền của Trung Quốc.

Tác giả kết luận mục đích cuối cùng của Trung Quốc trong cuộc đấu tranh ở Biển Đông chỉ có một, đó là thu về lãnh thổ đã mất. Sách lược hay nhất là chuyển hóa đấu võ thành đấu văn, tăng cường sự tồn tại của Trung Quốc, ép chặt không gian của các nước xâm phạm.  

 Theo Văn hối

 Tuấn Anh (gt)