Lý do mà tình hình trong vùng Biển Đông lại đột nhiên trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây: Trung Quốc đã thực hiện ba hành động khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng: (1) Các tàu tuần tiễu Trung Quốc ra lệnh cho một tàu thăm dò địa chấn Philíppin phải rời vùng biển quanh khu vực “bãi Cỏ Rong” (Reed Bank); (2) Đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong khu vực Biển Đông; (3) các tàu hải giám Trung Quốc tiến lại gần một tàu thăm dò dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và cố tình cắt đứt dây cáp chìm dùng để vẽ bản đồ khu vực, đồng thời ra lệnh tàu VN phải rời khu vực này.

Các hành động của Trung Quốc khiến Philíppin và Việt Nam lên tiếng phản đối. Trung Quốc phản ứng lại bằng cách tuyên bố nước này vẫn chỉ thực hiện các thẩm quyền “bình thường” của mình khi “quản lý” vùng biển mà Trung Quốc cho là thuộc lãnh hải của mình.

Triển vọng của tình hình: Tình hình có thể tồi tệ hơn nếu Trung Quốc tiếp tục hung hãn khẳng định chủ quyền bằng cách sử dụng vũ lực chống lại các tàu thăm dò không có vũ trang. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn sử dụng các tàu hải giám dân sự thay vì dùng chiến hạm. Philíppin hoặc Việt Nam có thể sẽ phái tàu bảo vệ đi kèm các tàu của mình. Điều này sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.

Giải pháp cho Việt Nam: Trước tiên, Việt Nam phải tiếp tục phản đối các hành động của Trung Quốc và công khai hóa vấn đề này. Đồng thời, Việt Nam phải hối thúc Trung Quốc mở một cuộc họp cấp cao với giới lãnh đạo Bắc Kinh để tìm phương cách ngăn những vụ việc tương tự có thể tiếp tục xảy ra hoặc ngăn chặn đừng để cuộc tranh chấp leo thang. Thứ hai là Việt Nam phải tìm kiếm sự hậu thuẫn từ phía In-đô-nê-xi-a, Chủ tịch hiện thời của ASEAN để quốc gia này lãnh đạo các thành viên ASEAN hình thành một lập trường thống nhất đối với Trung Quốc trong những phiên họp diễn ra trong năm nay. Thứ ba là Việt Nam phải vận động những quốc gia hàng hải khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia để họ hậu thuẫn về mặt ngoại giao. Thứ tư là Việt Nam phải yêu cầu mở các cuộc hội đàm với các quốc gia hàng hải thân hữu để bàn về vấn đề duy trì chủ quyền đối với Vùng Đặc quyền Kinh tế của những nước này. Thứ năm là Việt Nam phải cải thiện tàu bè để tạo thuận lợi cho việc thông tin, liên lạc giữa các tàu thăm dò dầu khí và các nhà chức trách trong lĩnh vực hải quân và không quân nhằm hộ tống bằng tàu tuần tra và yểm trợ bằng không quân cho các tàu dò tìm dầu khí của Việt Nam nếu như những tàu này bị tàu hải giám Trung Quốc đe dọa.

Liệu VN có thể được ASEAN giúp đỡ để giải quyết tình hình hay không? Năm 2010, ASEAN và Trung Quốc đã xét duyệt Nhóm Công tác Hỗn hợp để thực thi bản ‘Tuyên bố cách ứng xử của các bên ở biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC). Mặc dù DOC đã được Trung Quốc và ASEAN ký hồi năm 2002, tuy nhiên văn kiện này chưa bao giờ được thi hành. ASEAN đang hối thúc Trung Quốc tạo thêm điều kiện để bản quy tắc hành xử có hiệu lực hơn. Tất cả những vấn đề này vẫn không có tiến triển và chỉ dậm chân tại chỗ. Việt Nam phải cùng với Philíppin và những quốc gia duyên hải khác hối thúc Trung Quốc thực hiện thêm các biện pháp để vấn đề này tiến triển. Điều mà ASEAN có thể làm là cố tìm ra được những động thái hành xử mà các bên liên quan có thể chấp nhận được và đưa ra những biện pháp để xây dựng niềm tin. Cuộc xung đột về lãnh thổ và chủ quyền chỉ có thể được giải quyết bởi các quốc gia có liên quan trực tiếp hoặc với sự đồng ý của những nước này và nhờ quốc tế làm trọng tài phân xử.

Về vai trò của Mỹ, ông nói rằng Mỹ không theo phe nào trong vấn đề xung đột chủ quyền lãnh thổ nên Mỹ sẽ không trực tiếp can dự vào vấn đề song phương giữa Trung Quốc với Việt Nam. Mỹ sẽ bảo vệ quyền an toàn và tự do hàng hải trong hải phận quốc tế nhưng những hành động của Trung Quốc không đe dọa những khu vực này. Mỹ cũng sẽ chống lại bất kỳ nước nào khác muốn thiết lập quyền bá chủ tại Biển Đông.

Việt Nam không thể thật sự trông mong Mỹ giúp đỡ. Việt Nam không phải là nước ký hiệp ước đồng minh với Mỹ như là Philíppin, cũng không phải là đối tác chiến lược với Mỹ như Xinh-ga-po. Mặc dù Việt Nam đã bắn tiếng muốn đẩy mạnh công cuộc hợp tác quốc phòng với Mỹ, tuy nhiên Mỹ quan ngại sẽ bị ‘lừa phỉnh’ trong cuộc tranh chấp song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc. Việt Nam đang phải trả giá vì đã nhượng bộ và chiều ý Trung Quốc trong thời gian quá dài, trong khi đó lại do dự và miễn cưỡng trong việc phát triển mối quan hệ quốc phòng với Mỹ. Nếu những mối quan hệ này đã được phát triển từ khoảng một thập niên qua thì nay Việt Nam đã ở vị trí tốt hơn để hợp tác với Mỹ trong vấn đề này.

Trong trường hợp bùng nổ chiến tranh, liệu Việt Nam sẽ trông cậy vào đâu để tiến hành chiến tranh và để được giúp đỡ?

Trước tiên Việt Nam chỉ có thể trông cậy vào chính mình để bảo vệ quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, ASEAN và cộng đồng quốc tế sẽ ngay lập tức chú ý tới Biển Đông nếu bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào xảy ra. Hai bên trong cuộc xung đột sẽ chịu áp lực rất lớn để ngừng giao tranh. Nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực, uy tín nước này sẽ bị phương hại, đồng thời ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh sẽ bị suy giảm. Ngoài ra, các quốc gia chính trong khu vực sẽ xích lại gần hơn với Mỹ và các đồng minh của nước này.

Người dân Việt Nam nghĩ gì về cách giải quyết vấn đề Biển Đông và biên giới của chính phủ nước này? Biển Đông là vấn đề rất nhạy cảm ở Việt Nam. Kể từ cuối năm 2007, tinh thần dân tộc chống Trung Quốc của người dân Việt Nam bùng phát khi Trung Quốc thành lập huyện Tam Sa bao trùm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Quyền lợi thương mại của người dân và các ngành nghề ở Việt Nam liên quan tới việc đánh bắt hải sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số bộ phận trong giới trí thức ủng hộ chủ trương cho rằng chính phủ phải tỏ ra cứng rắn hơn trong việc đáp ứng các đòi hỏi của Trung Quốc. Tinh thần chống Trung Quốc cũng xuất hiện trong một số bộ phận của giới truyền thông và các blogger. Tuy nhiên những việc làm của họ đã bị chính quyền kiểm soát. Công luận nay rõ ràng đang tạo áp lực và đòi chính quyền phải có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Về việc người dân Việt Nam nghĩ gì về việc Chính Phủ Việt Nam quan hệ với Trung Quốc, ông Thayer nhận định

Việt Nam và Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ hồi năm 1991, chính phủ và đảng Cộng sản hai nước đã phát triển mối quan hệ sâu rộng. Đường biên giới trên đất liền đã được phân định và đã biến đổi từ khu vực đối đầu thành khu vực hợp tác. Thương mại giữa biên giới hai nước đã phát triển mạnh. Vịnh Bắc Bộ đã được phân ranh và hai nước đã hợp tác với nhau trong vấn đề ngư nghiệp. Từ xa xưa, người dân Việt Nam đã nhận thức rằng Trung Quốc là quốc gia láng giềng và dù muốn hay không thì họ vẫn phải chấp nhận thực tế đó”.

Tuy nhiên, hiện nay có một số vấn đề khiến nhiều người lo ngại như mức thâm hụt thương mại so với Trung Quốc của Việt Nam lên tới 13 tỷ USD, Trung Quốc hiện đại hóa quân đội, công nhân Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp vào Việt Nam, việc đầu tư của Trung Quốc ví dụ như trong vấn đề bô-xít và môi trường, hoặc việc Trung Quốc sách nhiễu ngư dân người Việt. Khó có thể khái quát suy nghĩ của người dân Việt Nam về cách chính phủ nước này quan hệ với Trung Quốc vì ở Việt Nam không có các cuộc thăm dò công luận, truyền thông bị kiểm duyệt và những cuộc biểu tình chống Trung Quốc bị ngăn cấm.

Mặc dù vậy, ông Carl Thayer cho rằng một bộ phận lớn trong giới có học và những người hoạt động trong các ngành nghề liên quan tới đánh bắt hải sản muốn thấy chính phủ cương quyết hơn trong việc đối phó với Trung Quốc. Một số người trong hàng ngũ trí thức ở Việt Nam muốn hải quân Việt Nam được tăng cường thêm sức mạnh để có thể bảo vệ chủ quyền. Chính phủ Việt Nam đã phần nào đáp ứng đòi hỏi của người dân qua việc cho phép giới đăng tải thêm thông tin về quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước cần phải được giải quyết một cách khéo léo theo phương cách ngoại giao và không để bị ảnh hưởng bởi những xúc cảm nhất thời.  

Theo Scribd

Vũ HIền (gt)