1_1262540573_south-china-sea-over-sunset.jpg

Chúng tôi, ký tên dưới đây, là các nhà phân tích, các học giả, nhà báo và những người làm công tác chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế. Với năng lực chuyên môn và các hoạt động khác nhau, chúng tôi đã tham gia vào việc thực hiện, cũng như nghiên cứu, giảng dạy và báo cáo về chính sách đối ngoại của Indonesia.

Chúng tôi đã theo dõi phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12/7 trong đó ủng hộ đa số 15 khiếu nại pháp lý của Philippines đệ trình chống lại Trung Quốc. Chúng tôi cũng quan tâm tới tuyên bố của Bộ Ngoại giao Indonesia sau phán quyết, trong đó kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng trong khu vực, và tôn trọng luật pháp quốc tế; kêu gọi các bên tiếp tục cam kết chung nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên cơ sở chấp thuận các nguyên tắc; tìm kiếm một khu vực hòa bình, tự do, và trung lập ở Đông Nam Á để củng cố cộng đồng chính trị và an ninh ASEAN. Cuối cùng, tuyên bố này đề nghị tất cả các quốc gia có yêu sách chủ quyền tiếp tục đàm phán hòa bình trên các vùng lãnh thổ chồng lấn của mình ở biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, trước thách thức và sự bác bỏ của Trung Quốc đối với thủ tục tố tụng và phán quyết của Tòa, chúng tôi cảm thấy bắt buộc phải đưa ra các quan điểm về phán quyết của Tòa như sau:

1. Phán quyết của Tòa là một bước tiến bộ cho một cộng đồng các quốc gia trân trọng các quy định và nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Chúng tôi chào đón và ủng hộ phán quyết đã làm sáng tỏ các khía cạnh khác nhau của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), tạo nền tảng cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và quản lý căng thẳng ở Biển Đông. Chúng tôi đồng thời lưu ý sự xác nhận của phán quyết đối với lập trường từ trước tới nay của Indonesia rằng “Đường 9 đoạn” (và việc coi "quyền lịch sử” để khẳng định yêu sách biển) là trái với UNCLOS 1982.

2. Chúng tôi bày tỏ quan ngại trước các tuyên bố của quan chức Trung Quốc rằng phán quyết Tòa Trọng tài là không có giá trị, không có cơ sở và không có hiệu lực và rằng Trung Quốc sẽ xem xét lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Theo quan điểm của chúng tôi, việc phản bác luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982 và các thủ tục tố tụng trong khi ngang ngược gia tăng căng thẳng khu vực không phải là cách ứng xử có trách nhiệm của đối tác chiến lược của Indonesia, một thành viên đáng tôn trọng của cộng đồng khu vực mà chúng tôi luôn mong đợi.

3. Chúng tôi muốn nhắc nhở tất cả các bên về tầm quan trọng của ASEAN, đặc biệt là Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) ở Đông Nam Á về từ bỏ các mối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, mà tất cả các thành viên ASEAN và các đối tác của ASEAN, gồm cả Trung Quốc, Mỹ đã ký kết. TAC là một trong những nền tảng chiến lược để quản lý hòa bình và ổn định trong khu vực, bao gồm khuôn khổ hợp tác ASEAN-Trung Quốc nhằm hoàn thành một ràng buộc pháp lý về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) dựa trên Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.

4. Chúng tôi nhận thấy sự mờ nhạt của ASEAN trong việc giải quyết các xung đột ở Biển Đông, điều này có thể tồi tệ hơn khi phán quyết của Tòa không khích lệ được niềm tin vào vai trò trung tâm của ASEAN. Truyền thông gần đây đưa tin về việc Trung Quốc không làm được gì khi gây áp lực với các nước ASEAN đưa ra quan điểm chung của khu vực. Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng về dài hạn ASEAN sẽ chứng tỏ là một cơ cấu khu vực tốt nhất để duy trì và tăng cường các không gian chiến lược cần thiết nhằm giải quyết một cách hòa bình các xung đột như một điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào.

5. Chúng tôi cho rằng phát huy vai trò lãnh đạo của Indonesia là chìa khóa để khôi phục vị trí trung tâm của ASEAN trong quản lý Biển Đông. Vì vậy, chúng tôi ủng hộ quan điểm chung về gìn giữ hòa bình trong phản ứng của Bộ Ngoại giao Indonesia trước phán quyết của Tòa đồng thời chúng tôi thỉnh cầu Tổng thống Jokowi ủng hộ hoàn toàn và vận hành toàn bộ chính sách đối ngoại để đóng vai trò lãnh đạo ASEAN một cách tích cực chủ động, nhất quán và hiệu quả hơn trong xử lý vấn đề Biển Đông.

6. Cương vị lãnh đạo ASEAN của Indonesia được tái thiết trong quản lý Biển Đông hoàn toàn phù hợp và thúc đẩy chiến lược “Trục biển toàn cầu” của Tổng thống Jokowi. Bởi vậy, chúng tôi kiến nghị rằng chính phủ Indonesia nên cân nhắc các bước đi nhanh chóng, thiết thực và chủ động để có hiệu quả. Tuy nhiên, các biện pháp thực tế để hồi sinh vị trí trung tâm của ASEAN không thể được thực hiện nếu không có một cam kết của tất cả bên về việc sẽ kiềm chế và giảm căng thẳng trước phán quyết của Tòa.

7. Bởi thế, Indonesia cần làm rõ rằng mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc cũng như tổng thể mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc không nên bị nhấn chìm vào vấn đề Biển Đông. Hơn nữa, Indonesia nên đưa ra và xem xét các hoạt động hợp tác thiết thực giữa ASEAN và Trung Quốc trong các lĩnh vực an ninh hàng hải và thực thi pháp luật, an toàn trên biển, bảo vệ tài nguyên và hệ sinh thái biển trong khu vực.

Chúng ta không nên quên rằng chính sách ngoại giao “độc lập và tích cực” không có nghĩa là Indonesia đứng tách ra bên ngoài để đứng nhìn một cuộc khủng hoảng chiến lược đang diễn ra. Trên thực tế, yếu tố “tích cực” từ chính sách “độc lập và tích cực” đòi hỏi chúng ta cần đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và cống hiến cho hòa bình khu vực. Vì vậy chúng tôi chân thành mong muốn và hy vọng rằng Chính phủ Indonesia sẽ xem xét một cách nghiêm túc bản kiến nghị liên quan vấn đề Biển Đông này.

Theo New Mandala

Vũ Hiền (gt)