Báo chí Hồng Công ngày 5/8 đưa tin Chính phủ Mỹ ngày 3/8 đưa ra thông cáo nói rằng nước này “lo ngại về sự gia tăng căng thẳng ở khu vực Biển Đông và đang theo dõi sát sao tình hình”. Phó phát ngôn viên Patrick Ventrell trực tiếp đề cập “việc Trung Quốc nâng cấp đơn vị hành chính ở thành phố Tam Sa làm gia tăng cẳng thẳng khu vực Biển Đông”. Phản ứng trước tuyên bố trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng Mỹ đang gây chuyện thị phi và phát đi tín hiệu sai lầm; trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Côn Sinh đã khẩn cấp triệu Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc tới để phản đối về thông cáo của Mỹ. Ông Trương Côn Sinh hối thúc Mỹ lập tức sửa chữa cách làm sai lầm, thiết thực tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, hãy làm những việc thực sự có lợi cho sự ổn định và phồn vinh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

“Nhân dân Nhật báo" cũng có bài viết chỉ trích gay gắt thông cáo trên của Mỹ, nói rằng Mỹ không thể che đậy âm mưu đằng sau những tuyên bố về Biển Đông, Mỹ một mặt nói rằng không có dã tâm lãnh thổ trong vấn đề Biển Đông, không đứng về phía nào trong tranh chấp Biển Đông, song mặt khác lại "đặc biệt" đẩy cho Trung Quốc trách nhiệm trong việc gây ra tình hình căng thẳng ở khu vực, cách làm này thể hiện rõ Mỹ đứng về phía nào, mang tính hù dọa và uy hiếp Trung Quốc. Bài báo quy kết Mỹ đứng đằng sau xúi bẩy các nước xung quanh khiến căng thẳng Biển Đông leo thang để thực hiện dã tâm bá chủ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

“Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” (Hồng Công) dẫn lời các chuyên gia quân sự nói rằng Mỹ đang tìm cách củng cố sự đoàn kết trong nội bộ các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để khiến Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn trong việc hăm dọa và cưỡng ép các nước láng giềng.

Hôm 3/8 vừa qua, tại cuộc họp báo chung ở Oasinhtơn với người đồng cấp Nhật Bản Satoshi Morimoto, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã bày tỏ lo ngại về những căng thẳng gia tăng tại các vùng nước tranh chấp ở Biển Đông. Ông Panetta nêu rõ:

Điều cuối cùng mà chúng tôi mong muốn là có một cuộc đối đầu trực tiếp về mặt pháp lý trong vấn đề Biển Đông. Vấn đề này cần được giải quyết một cách hòa bình, và các vấn đề pháp lý cần được giải quyết theo một bộ quy tắc ứng xử. Mỹ sẽ làm bất kể điều gì có thể cùng với Nhật Bản và các nước khác để đảm bảo rằng đó là cách tiếp cận mà chúng tôi sẽ áp dụng”.

Giáo sư Thời Ân Hồng, một chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ thuộc Đại học Nhân dân (Trung Quốc), cho rằng những cáo buộc mới nhất của Mỹ nhằm vào Trung Quốc cho thấy Oasinhtơn đang quan tâm sát sao hơn đến những động thái quốc phòng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Giáo sư Thời Ân Hồng nhận định: “Việc Mỹ đưa ra hai thông điệp có nội dung tương tự nhau như vậy là điều không bình thường”.

Phát biểu trên tờ “Văn Hối” ngày 5/8, chuyên gia nổi tiếng nghiên cứu các vấn đề quân sự và vấn đề Mỹ của Trung Quốc Hồng Nguyên cho biết kẻ đứng sau “thúc đẩy” leo thang căng thẳng ở Biển Đông hiện nay chính là Mỹ, nay nước này đưa ra thông báo nói rằng “quan ngại” về tình hình Biển Đông quả là hành động “vừa ăn cướp vừa la làng”, ý đồ là nhằm mượn vấn đề Biển Đông để “bắt cóc" các nước ASEAN, biến tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước xung quanh thành “vụ việc Mỹ cần phải can thiệp”, tiến tới đạt được mục đích kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Theo chuyên gia Hồng Nguyên, Mỹ một mực nhấn mạnh không có dã tâm lãnh thổ trong tranh chấp Biển Đông, song nó không có nghĩa là Mỹ không có nhu cầu lợi ích tại khu vực này. Chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ cần tìm kiếm một số điểm trụ chân ở châu Á-Thái Bình Dương, thực chất của nó là tiến hành thống trị thực dân kiểu mới ở các nước này. Mỹ hiện nay đã phát triển tới giai đoạn bá quyền tiền bạc, không cần thiết và cũng không có hứng thú thông qua vũ lực chiếm lĩnh lãnh thổ để duy trì lợi ích của mình, đây là điểm khác biệt lớn đối với các nước theo chủ nghĩa thực dân cũ với chính sách thống trị thực dân dựa vào chiếm lĩnh lãnh thổ.

Hồng Nguyên cho biết, trong một thời gian dài, để duy trì vị trí bá quyền thế giới, Mỹ dồn dập tung ra các loại biện pháp kiềm chế Trung Quốc. Ví dụ, để tạo ra tình trạng căng thẳng ở khu vực Đông Á, Mỹ giương cao ngọn cờ “dân chủ”, “dân quyền” để lôi kéo các nước Đông Á đứng về phía mình; cổ vũ “chủ nghĩa đa phương” trong vấn đề Biển Đông, bám lấy lý do vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông, một vấn đề vốn không tồn tại.

Hồng Nguyên cho rằng, sự gia tăng căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông gần đây có quan hệ trực tiếp với Mỹ, và lúc này Mỹ lại đưa ra tuyên bố trên để với thân phận “người ngoài cuộc”, thể hiện một thái độ trung lập tiến hành điều đình giữa các bên, đây là hành động hết sức mỉa mai. Trong vấn đề Biển Đông, những người tinh tường đều thấy rõ Mỹ luôn suy xét trên cơ sở lợi ích của mình, có tính toán riêng của mình. Cách làm thông lệ của Mỹ là dựa vào sức mạnh kinh tế và sức mạnh quốc gia kích động các nước châu Á-Thái Bình Dương bao vây hành động trong vấn đề Biển Đông, ý đồ nhằm lôi kéo nhiều nước, thậm chí là toàn bộ ASEAN đứng về một phía đối kháng Trung Quốc, thậm chí là xung đột gay gắt, để từ đó đạt được mục đích “đục nước béo cò”. Căng thẳng ở Biển Đông, thậm chí tương lai có thể xảy ra chiến tranh, là do Mỹ dựng lên, Mỹ phải chịu trách nhiệm hàng đầu.

Theo Hồng Nguyên, Trung Quốc cần nhận thức rõ sự phức tạp của tranh chấp chủ quyền Biển Đông, các nước xung quanh đều có chủ trương của mình đối với lãnh thổ và lợi ích hải dương ở Biển Đông, Mỹ nhúng tay vào vấn đề Biển Đông là có ý đồ thúc đẩy phức tạp hóa và quốc tế hóa tranh chấp ở vùng biển này. Đứng trước dã tâm của Mỹ, Trung Quốc cần kiên quyết đấu tranh, thiết thực duy trì hòa bình và ổn định môi trường xung quanh.

Tuy nhiên, Giáo sư Giả Khánh Quốc, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế thuộc trường Đại học Peking (Hồng Công) cho rằng thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ không phải là nỗ lực can thiệp của Oasinhtơn. Chuyên gia này nhận định rằng sẽ là không khôn ngoan nếu diễn giải quá nhiều thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Theo ông, đó là một thông điệp ngoại giao chứ không phải là “một nỗ lực can dự vào những tranh chấp”.

Tổng hợp

Quốc Trung (gt)