land_reclamation.jpg

 

Truyền thông Mỹ ngày 20/5 đưa tin, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 20/5 tại Jakarta (Indonesia), Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken khẳng định chiến dịch bồi lấp các bãi đá, đảo chìm và rạn san hô của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp thuộc Biển Đông đã và đang gây phương hại tới tự do và ổn định khu vực, và có nguy cơ kích động căng thẳng, thậm chí có khả năng dẫn tới xung đột. Ông Blinken cho rằng việc Trung Quốc xây dựng, bồi lấp các hòn đảo nhân tạo thành những vùng lãnh thổ có chủ quyền, vẽ lại các ranh giới của nước này trên biển đang làm xói mòn sự tin tưởng trong khu vực, tác động đến niềm tin của giới đầu tư. Cách hành xử này của Trung Quốc có nguy cơ tạo ra một tiền lệ là: các nước lớn được tự do lấn át các nước nhỏ hơn, gây căng thẳng, bất ổn, thậm chí có thể dẫn tới xung đột. Ông Blinken nhấn mạnh nhu cầu quản lý và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ chồng lấn bằng con đường ngoại giao, cho biết Washington không đứng về bên nào trong cuộc xung đột nhưng "mạnh mẽ phản đối những hành động thúc đẩy yêu sách chủ quyền bằng vũ lực hoặc hăm dọa".

Tờ "Nhật báo phố Wall" ngày 19/5 dẫn lời Phó Tổng tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, nữ Đô đốc Michelle Howard, yêu cầu Trung Quốc giải thích các hoạt động bồi lấp xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Trả lời phỏng vấn báo giới, bà Howard cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á nếu các nước này chọn giải pháp đoàn kết với nhau chống Trung Quốc. Bà nói: "Tôi nghĩ đã tới lúc Trung Quốc nên thảo luận về ý nghĩa của các hoạt động cải tạo đất của họ. Từ quan điểm riêng của tôi, không ai có thể nói là họ làm như vậy để xây một khu nghỉ mát trên đó. Vì thế, ai đó cần giải thích vì sao họ lại có những hoạt động đó". Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện chưa bình luận về phát biểu của nữ Đô đốc Michelle Howard. 

Trong một diễn biến khác, bà Howrad cho biết tàu USS Fort Worth của Hải quân Mỹ và tàu chiến Trung Quốc ngày 19/5 đã "đối mặt" nhau ở Biển Đông. Tại đó, cả hai bên đều áp dụng quy tắc đã thỏa thuận về việc xử lý những vụ đối đầu không định trước trên biển. Tàu USS Fort Worth của Mỹ có mặt tại vùng Biển Đông có tranh chấp trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter mới đây đề xuất một số giải pháp, trong đó có việc điều máy bay trinh sát và tàu chiến của Mỹ vào không phận và hải phận 12 hải lý cách các bãi đá và rạn san hộ thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đang bồi lấp thành các đảo nhân tạo.

Trong khi đó, truyền thông Mỹ dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen kêu gọi Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc cấp tốc hoàn tất một hiệp định để tháo ngòi cho các căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông. Ông Ng Eng Hen cho rằng, với số lượng tàu ngầm ngày càng nhiều trong khu vực, có thể nói "một tai nạn đang sắp xảy ra" ở Biển Đông. Phó Đô đốc Lai Chung Han của Singapore cũng lên tiếng đề nghị các nước trong khu vực có thể khởi sự một khung sườn để quản lý các hoạt động tàu ngầm trong vùng, bằng cách trao đổi thông tin về những giàn khoan dầu và lịch trình đi lại của các tàu chở hàng lớn. Một kinh nghiệm mà ông Lai Chung Han đưa ra là ASEAN có thể dựa vào kinh nghiệm của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thiết lập Văn phòng liên lạc quốc tế để tàu ngầm có đường thoát và giải cứu trong các trường hợp khẩn cấp.

Duy Anh (tổng hợp)