Phát biểu trước quốc hội Indonesia ngày 3/10, ông Tập Cận Bình đã đề xuất thiết lập một Hiệp ước Láng giềng Hữu hảo, Hữu nghị và Hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN. Theo bình luận của Ruan Zongze, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, mục đích của hiệp ước này là “nhằm củng cố mối quan hệ hòa bình với các nước ASEAN… và để loại bỏ bất cứ nghi ngờ nào của họ với Trung Quốc”. 

Ngoài ra, Chủ tịch nước Trung Quốc cũng hội đàm với các nhà lãnh đạo của Indonesia và Malaysia, nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Mỗi tuyên bố về đối tác chiến lược toàn diện đều bao gồm điều khoản về hợp tác quốc phòng và an ninh. Chẳng hạn, khi ông Tập Cận Bình và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono hội đàm ngày 2/10, hai bên đã nhất trí “thắt chặt trao đổi thông tin và điều phối an ninh thông qua tham vấn quốc phòng và đối thoại hải quân…”. Một ngày sau đó, hai bên đã ra tuyên bố chung về “Phương hướng Tương lai của Đối tác Chiến lược Toàn diện Trung Quốc-Indonesia”. Văn kiện này bao gồm cam kết thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương bằng việc thực hiện diễn tập và huấn luyện quân sự chung, hợp tác an ninh hàng hải, công nghiệp quốc phòng và những lĩnh vực an ninh phi truyền thống, như tham vấn về chống khủng bố.

Tại Malaysia, ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Najib Razak đã hội đàm ngày 4/10. Trong cuộc gặp, ông Tập Cận Bình đã thúc đẩy một đề xuất 5 điểm bao gồm sử dụng hiệu quả “cơ chế tham vấn quốc phòng và an ninh”, “tăng cường trao đổi giữa quân đội hai nước, củng cố hợp tác giữa lực lượng hành pháp, và cùng tham gia chống khủng bố và tội phạm xuyên biên giới”. Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo thông báo sẽ nâng quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tại một cuộc họp báo, ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Chúng tôi đã nhất trí thắt chặt quan hệ đối tác trong hợp tác hải quân, tập trận chung để chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và tăng cường an ninh”.

Sau chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình, đến lượt Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc-ASEAN lần thứ 16 tại Brunei. Ông Lý Khắc Cường đã đề xuất hợp tác trong 7 lĩnh vực như thảo luận tích cực về việc kí kết một Hiệp ước Láng giềng Hữu hảo, Hữu nghị và Hợp tác; thúc đẩy hợp tác hàng hải và trao đổi trong lĩnh vực an ninh. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 8 một ngày sau đó, Thủ tướng Trung Quốc đã thúc đẩy một “ý niệm an ninh mới” kết hợp giữa an ninh toàn diện, an ninh chung, an ninh hợp tác và đối thoại thẳng thắn. 

Việc Trung Quốc nâng cấp quan hệ với Indonesia và Malaysia lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của hợp tác kinh tế và sự tương tác ngày càng gia tăng giữa các nước này. Phương diện quốc phòng và an ninh trong mối quan hệ mới thể hiện sự tiếp nối hơn là thay đổi. Bởi “ý niệm an ninh mới” của Trung Quốc đã được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1997. Cả Indonesia và Malaysia đều khởi đầu thận trọng trong việc phát triển quan hệ quốc phòng với Trung Quốc. Năm tới, Indonesia sẽ chủ trì một cuộc diễn tập hải quân chung với các nước thành viên ASEAN và các đối tác đối thoại.

Tuy nhiên, đề xuất về Hiệp ước Láng giềng Hữu hảo, Hữu nghị và Hợp tác của Trung Quốc sẽ cần phải được nghiên cứu thận trọng. Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN hiện tại đang mở với tất cả cường quốc bên ngoài tham gia, trong khi hiệp ước Trung Quốc đề xuất dường như lại mang tính loại trừ, tạo ra một vòng tròn bao quanh Trung Quốc và Đông Nam Á.

Bài viết của Giáo sư Carl Thayer đăng trên trang mạng “The Diplomat” 

Thùy Anh (gt)