Cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ - vốn ngăn Nhật Bản và Nga ký một hiệp ước hòa bình - vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện sau các cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại Tôkiô. Tuy nhiên, khi Ngoại trưởng Nga Lavrov rời Nhật Bản ngày 28/1, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh song phương.

Quan hệ Nga-Nhật đã bị phủ bóng đen bởi cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng liên quan tới 4 hòn đảo nằm ngoài khơi đảo Hokkaido ở miền Bắc Nhật Bản (Nga gọi là quần đảo Nam Kuril). Cả hai nước đều hiểu rõ những lợi ích kinh tế mà các đảo này và vùng biển quanh đó mang lại nếu chúng được phát triển toàn diện.

Trong cuộc gặp ngày 28/1, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov đã nghiên cứu ý tưởng hai nước hướng tới một lộ trình hợp tác nhằm mang lại lợi ích kinh tế cho cả Nga và Nhật Bản. Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết ông muốn lập ra một môi trường, trong đó Nhật Bản có thể tiến hành các hoạt động kinh tế ở trên và quanh các đảo nhưng phải hợp tác với Nga, chẳng hạn như trong lĩnh vực đánh bắt cá, du lịch và chăn nuôi, và Tôkiô không được đưa ra các "đòi hỏi pháp lý" đối với những hòn đảo này. 

Laurent Sinclair, nhà phân tích nghiên cứu độc lập về các vấn đề Thái Bình Dương, nhận định: "Ở mức độ nào đó, đây là một tiến bộ. Những gì chúng ta đang chứng kiến là đường lối ngoại giao mềm mỏng hơn của cả hai bên, được thúc đẩy bởi yếu tố kinh tế và điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả Nga và Nhật Bản. Dù không có kế hoạch hợp tác năng lượng, nhưng Tôkiô và Mátxcơva đang ở vị thế tốt và có đủ giải pháp chiến lược để giúp cho các nỗ lực kinh tế chung đơm hoa kết trái".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Gemba bày tỏ hy vọng Tôkiô và Mátxcơva bước vào kỷ nguyên hợp tác an ninh mới và cho rằng quan hệ Nga-Nhật nên được phát triển trong nhiều lĩnh vực, mở rộng sang cả lĩnh vực an ninh, quốc phòng cũng như kinh tế. Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Lavrov đồng ý rằng hai bên cần mở rộng quan hệ vì lợi ích tốt nhất của cả hai nước và để thích nghi với những thay đổi mạnh mẽ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Mátxcơva và Tôkiô cũng dự định ký thỏa thuận nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực nhập cảnh cho công dân của nhau nhằm thúc đẩy các hoạt động du lịch và đầu tư giữa hai nước. 

Nhà bình luận các vấn đề Nhật Bản, ông Koichi Ishikawa, nhận định: "Ông Gemba đã đi một nước cờ cao tay. Nhật Bản không muốn nhận bất kỳ sự thù địch không cần thiết nào từ Nga liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, ông Gemba và Nhật Bản cũng nhận ra rằng vấn đề này sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Trong thời gian đó, hai nước đều chấp nhận hợp tác để phát triển hơn nữa khu vực Viễn Đông giàu tài nguyên vì đó là điều tốt nhất đối với họ. Về mặt ngoại giao, việc nới lỏng các quy định về thị thực hoặc các biện pháp tương tự chỉ là vẻ bề ngoài. Cả hai nước đều có một mục đích kinh tế rõ ràng tại các đảo này". Theo nhà bình luận Ishikawa, mặc dù cả ông Gemba và ông Lavrov đều nói rằng họ muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nhưng sẽ chẳng bên nào dễ dàng nhượng bộ.

Theo Tân Hoa Xã

Thùy Anh (gt)