Vào ngày 14 tháng 3,  Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) đã đưa ra phán quyết của mình trong vụ tranh chấp liên quan đến phân định biên giới biển giữa Bangladesh và Myanmar tại Vịnh Bengal. Toà án đã quyết định chọn đường cách đều được điều chỉnh làm đường biên giới giữa hai quốc gia. Phán quyết này có vẻ có lợi cho Bangladesh nhiều hơn là đường trung tuyến hay đường cách đều giữa đường biên giới của hai quốc gia do mỗi nước đề xuất. Tuy nhiên, phán quyết vẫn mang lại cho Myanmar hơn một nửa “khu vực có tranh chấp” so với Bangladesh.

Giống như thường lệ trong việc giải quyết tranh chấp biên giới biển quốc tế, không hoàn toàn có “kẻ thắng” hay “người thua” trong phán quyết của ITLOS. Bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh, TS. Dipu Moni đã tuyên bố đó là một chiến thắng cho đất nước bà, nhưng trái lại, Myanmar cũng có thể tuyên bố mình là “người chiến thắng” khi được hưởng phần chia ở khu vực lớn hơn nhiều do hòn đảo St. Martinn không có đủ cơ sở pháp lý  để được phân định ranh giới biển đầy đủ như trong lập luận của Bangladesh.

Nguồn gốc tranh chấp

Bangladesh và Myanmar từ lâu đã có tranh chấp biên giới một phần vịnh Bengal, là nơi giàu trữ lượng hydrocarbon. Trong năm 2008-2009, đã có một số va chạm trong khu vực này giữa hải quân của hai quốc gia, nhưng tình hình đã lắng xuống khi hai quốc gia láng giềng này chấp thuận đưa tranh chấp ra ITLOS. Đây là bước tiếntích cực khi cả Bangladesh và Myanmar đồng thuận đưa tranh chấp trên biển của mình tại vịnh Bengal ra cơ quan tài phán quốc tế.

Trường hợp của Bangladesh-Myanmar là vụ tranh chấp biên giới trên biển đầu tiên được đưa ra  ITLOS, tòa án được thành lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) nhằm giải quyết những vấn đề tranh cãi về mặt pháp lý trong tranh chấp biển. Trước đó, tòa án này chỉ giải quyết những vụ việc tương đối nhỏ, chủ yếu liên quan đến tranh chấp đánh bắt cá. Các nhà địa chính trị và luật sư quốc tế đã theo dỏi kỹ lưỡng vụ việc để xem ITLOS sẽ giải quyết vấn đề như thế nào và kết quả sẽ ra sao.

Ấn định Biên giới trên biển

Có nhiều tranh cãi về mặt kỹ thuật về việc tại sao Tòa án lại đưa ra quyết định của mình. Không chỉ vì ranh giới biển giờ đây được cho phép nhiều hơn do những vùng biển được cho phép rộng lớn hơn theo quy định của UNCLOS, mà những nguyên tắc về ấn định biên giới biển cũng trở nên phức tạp hơn. Cũng như là các vấn đề địa lý và các quan niệm về nguyên tắc cách đều, sự chú ý giờ tập trung vào “nguyên tắc công bằng”, có thể là kinh tế, vật chất hay xã hội.

Chẳng hạn, một bên trong tranh chấp có thể lập luận rằng đường ranh giới cần thiên về quan điểm của mình bởi vì ngư dân của họ đã có truyền thống đánh bắt ở phía bên kia của đường trung tuyến trong khi đó ngư dân bên tranh chấp kia lại không đánh bắt cá ở khu vực này. Mặc dù đã có nhiều tranh luận về mặt pháp lý, nhưng vẫn  chưa có một định nghĩa được chấp nhận nào  được đưa ra chỉ đơn giản thế nào là  “nguyên tắc công bằng”.

Quan điểm riêng của thẩm phán người Trung Quốc Zhigou Gao là một khía cạnh thú vị về phán quyết của ITLOS. Trong khi vị thẩm phán này không bỏ phiếu chống lại phán quyết, thì quan điểm riêng của ông lại chỉ ra những cách nhìn nhận hoàn toàn trùng với quan điểm của Trung Quốc trong tranh chấp tại Biển Đông và Hoa Đông.

Thứ nhất, thẩm phán Gao cho rằng phương pháp cách đều/các điều kiện liên quan hông phù hợp trong việc quyết định biên giới trên biển bởi vì nó không tính đến tính chất lõm của vịnh Bengal và  kết quả sẽ không công bằng. Quan điểm này đúng với những khác biệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong việc giải quyết tranh chấp biên giới biển tại Hoa Đông.

Thứ hai, ông cho rằng việc phân xử vụ đảo St. Martin tại điểm giao nhau ở điểm cuối về phía đất liền giữa hai quốc gia là không hoàn toàn chính xác. Theo ông thì đối với hòn đảo này, nên xem xét về  kích thước và khả năng duy trì đời sống kinh tế và đời sống dân cư thay vì xem nó như là một hòn đảo theo cơ chế của UNCLOS về hòn đảo được quyền có đầy đủ các vùng biển. Như vậy, dường như thẩm phán Gao đang bảo vệ cho quan điểm của Trung Quốc tại Biển Đông nơi mà nước này yêu sách các hòn đảo và cho rằng nó hoàn toàn là “những hòn đảo” theo quy định của UNCLOS, trong khi các quốc gia khác lại không cho như vậy.

Tác động đối với các tranh chấp khác.

Về khía cạnh chiến lược, phán quyết của ITLOS là một phát triển tích cực trong khu vực. Nó giải quyết nguồn gốc chủ yếu trong căng thẳng tại vịnh Bengal, và cho thấy rằng với ý chí chính trị, những tranh chấp biển có thể được giải quyết hòa bình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là khu vực sẽ đổ xô đưa những tranh chấp biển ra ITLOS.

Tranh chấp tại những khu vực biển khác nhau, đặt biệt tranh chấp tại Biển Đông là rất phức tạp, làm cản trở việc đưa các tranh chấp này ra tòa án quốc tế trong tương lai gần. Các bên tranh chấp  đều ngại đưa tranh chấp ra tòa với lý do đơn giản là họ e ngại rằng kết quả phán quyết có thể sẽ chống lại họ.

Phán quyết gần đây của ITLOS không nhất thiết tạo thành một tiền lệ cho các tranh chấp biên giới khác. Trong phân tích cuối cùng, việc giải quyết tranh chấp vốn mang bản chất chính trị và hai quốc gia có thể chấp nhận bất cứ biên giới nào mà họ muốn mà không cần có bất kỳ tác động nào của bên thứ ba.

Sam Bateman là cố vấn Chương trình An ninh Biển của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang. Ông nguyên là chuẩn đô đốc hải quân Úc, quan tâm đến các khía cạnh chiến lược và chính trị về tranh chấp biên giới biển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo RSIS

Trần Quang (gt)