Việc giải quyết vấn đề này không thể “phá thành ngay trong một trận”, không thể nóng vội và không thể sử dụng vũ lực, mà phải phục tùng cục diện lớn hòa bình, hợp tác và phát triển của Trung Quốc. Nếu không sẽ vì cái nhỏ mà mất cái lớn, phá hoại cục diện phát triển hòa bình tốt đẹp không dễ mà có, thậm chí cản trở tiến trình lịch sử phát triển hòa bình của Trung Quốc, được không bằng mất. Đối với vấn đề này cần phải nhận thức một cách tỉnh táo, cần chuẩn bị lâu dài và gian khổ, phải tìm kiếm và chờ đợi thời cơ, lượng sức mà làm. Vấn đề quan trọng nhất mà hiện nay Trung Quốc phải thực hiện là cải cách, phát triển và giữ ổn định trong nội bộ, các việc khác cần phục tùng đại cục này. Trung Quốc cần nắm chắc thời kỳ cơ hội chiến lược phát triển hòa bình, đồng tâm đồng lòng tập trung xây dựng và phát triển. Nếu điều kiện chưa chín muồi mà vội vàng thực hiện, làm xấu đi quan hệ với láng giềng, chỉ tạo cơ hội tốt cho thế lực bên ngoài nhúng tay vào tranh chấp. Tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với láng giềng khó có thể giải quyết được trong thời gian ngắn, trong đó có một trở ngại quan trọng là việc Mỹ giữ vai trò mang tính cốt lõi trong các vấn đề này. Nếu như chỉ riêng Trung Quốc và các nước láng giềng thì việc đàm phán hoặc sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp sẽ không có vấn đề gì lớn. Sở dĩ các nước dám đối kháng với Trung Quốc là do họ có thể dựa vào Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Do đó khi giải quyết tranh chấp biển, Trung Quốc cần xem xét ở góc độ lâu dài, đại cục và tầm cao chiến lược, xử lý thận trọng, đặc biệt cần chú ý xử lý tốt quan hệ với Mỹ, khiến Mỹ giữ trung lập, không can thiệp vào tranh chấp, không gây ra đối đầu Trung - Mỹ. Trung - Mỹ hòa thì thế giới hòa bình, Trung - Mỹ ổn định thì thế giới ổn định, Trung -Mỹ đánh nhau thì thế giới loạn.

Những vấn đề tạm thời chưa giải quyết được thì để sau này giải quyết, có thể thực hiện gác tranh chấp, cùng khai thác. Việc tranh chấp biển giữa Trung Quốc với láng giềng hiện nay trở thành vấn đề điểm nóng lớn, có nguyên nhân do thế lực bên ngoài can thiệp, kích động mâu thuẫn, nhưng cũng có nguyên nhân do trong nội bộ có một số người vội vàng, liều lĩnh, thiếu tầm nhìn chiến lược lâu dài và không đánh giá đầy đủ về mọi khó khăn; đồng thời một số tập đoàn lợi ích nào đó đã không quan tâm tới lợi ích lâu dài và đại cục quốc gia, thổi phồng tranh chấp biển và tính nghiêm trọng của vấn đề. Đối với vấn đề này cần phải bình tĩnh phân tích, nắm chắc mâu thuẫn chính, kết hợp giữa việc bảo vệ chủ quyền và giữ ổn định, áp dụng các biện pháp chủ động, chuẩn bị tốt, xây dựng quy hoạch chiến lược, tránh làm xấu tình hình, vì cái nhỏ mà để mất cái lớn. Trung Quốc tiếp giáp với rất nhiều nước, nếu không giải quyết thỏa đáng tranh chấp biên giới lãnh thổ với láng giềng thì đây sẽ là một nguy cơ lớn đối với sự phát triển hòa bình, lâu dài và ổn định của Trung Quốc. Trước đây do tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc đã từng xảy ra chiến tranh với Ấn Độ, Nga và VN. Mặc dù những cuộc chiến tranh này có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, nhưng lại không thể giải quyết được tranh chấp lãnh thổ, hơn nữa còn để lại những vết thương lâu dài trong lòng nhân dân hai nước. Thực tế đã chứng minh, giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác và phát triển mới có thể xây dựng một thế giới hòa bình lâu dài và cùng phát triển, mới có thể giải quyết tốt hơn các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại cũng như trong hiện tại.

Theo Thời báo học tập - Trường Đảng TW Trung Quốc (ngày 9/4)

Lê Sơn (gt)