Vụ rắc rối trên vùng biển Tanjung Berakit phía Bắc đảo Bintan và Batam giữa Inđônêxia và Malaixia xảy ra mới đây (13/8) đã được giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề biên giới trên biển thì vẫn còn lâu mới chấm dứt. Giới chuyên gia, những người làm luật và quan chức chính phủ hai nước nhanh chóng xác định rằng hai chính phủ cần đẩy mạnh các cuộc đàm phán về tranh chấp biên giới nhằm chấm dứt tình trạng đụng độ xảy ra thường xuyên. 


Trong khi chuẩn bị cho đàm phán, chính phủ hai nước cần xem xét ba chương trình nghị sự bổ sung tập trung vào việc phòng chống và quản lý xung đột trong tương lai. Những khuôn khổ này cần phải được hai nước bàn thảo, triển khai song song với các cuộc đàm phán để tiến tới giải quyết dứt khoát tình trạng biên giới trên biển giữa hai nước. 


Inđônêxia và Malaixia đang có những tranh chấp lãnh hải trên một số khu vực như eo biển Malắcca, biển Sulawesi, vùng biển phía Bắc đảo Bintan và Batam, nơi mới đây đã xảy ra các vụ việc đáng tiếc. 


Tranh cãi nổ ra khi lực lượng cảnh sát biển Malaixia bắt giữ ba cán bộ thanh tra của Bộ Nghề cá và các vấn đề về biển của Inđônêxia, sau khi phía Inđônêxia bắt giữ bảy ngư dân Malaixia vì có hành vi xâm nhập và đánh bắt cá trái phép trên lãnh hải Inđônêxia. 


Ngoại trưởng Inđônêxia Marty Natalegawa nói rằng vụ ba quan chức Inđônêxia bị bắt giữ và hành động ngăn chặn ngư dân Inđônêxia xảy ra trên vùng biển của nước này. 


Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra mâu thuẫn giữa hai nước. Năm 2009, tranh chấp tại vùng biển Ambalat đã leo thang tới mức có chạm trán nhỏ về hải quân. 


Tất cả những thực tế đó cho thấy sự cần thiết phải có những giải pháp khác nữa đối với công tác phòng chống và quản lý xung đột tại các khu vực biên giới có tranh chấp. 


Giải pháp thứ nhất, hai nước cần đạt được sự thống nhất liên quan đến các khu vực đang trong tình trạng bị tranh chấp kèm theo văn bản minh chứng. Điều này có thể đạt được trong lúc hai nước vẫn duy trì tuyên bố pháp lý đối với những khu vực chưa thể phân định ngã ngũ. Hy vọng rằng điều đó sẽ ngăn ngừa bất cứ sự rắc rối nào có thể dẫn đến khủng hoảng ở tầm quốc gia trong tương lai. 
Bước đi thứ hai là giáo dục những “thành phần tham gia” từ các bộ phận, lĩnh vực có liên quan như hải dương, cộng đồng địa phương, nhân viên công vụ và khu vực tư nhân. 


Mỗi chính phủ cần thiết kế một chương trình tuyên truyền rộng rãi về sự thống nhất đạt được đối với các khu vực tranh chấp lãnh hải chưa được giải quyết, cũng như tầm quan trọng của việc tôn trọng các khu vực biên giới có tranh chấp. Chương trình này cần được xây dựng chủ yếu cho chính quyền địa phương, những ngư dân mà cuộc sống của gia đình họ phụ thuộc vào nguồn lợi từ biển, và các nhân viên tuần tra biên giới. 


Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là hai nước cần tăng cường các cơ chế giải quyết những vi phạm, hiểu nhầm và đụng độ vũ trang tại các vùng tranh chấp biên giới trên biển trong tương lai. Hai nước cần phối hợp tuần tra chung tại các khu vực lãnh hải chưa được phân định, đồng thời giải quyết nhanh chóng bất cứ vấn đề nào phát sinh. 


Điều đó giúp mang lại sự phối hợp tốt hơn giữa các lực lượng tuần tra biên giới, các cơ quan đại diện ngoại giao (đại sứ quán, tổng lãnh sự) ở mỗi nước. Những phản ứng kịp thời có thể ngăn ngừa tâm lý phản đối mạnh của dư luận tại mỗi quốc gia./. 

 

Nguồn: The Jakarta Post; TTXVN