Các nhà phân tích hiện nay cho rằng quan hệ đối đầu giữa Mỹ-Trung Quốc ở Đông Nam Á là mô hình thu nhỏ của cuộc Chiến tranh Lạnh. Giả thiết này là một thách thức không chỉ đối với Trung Quốc và Mỹ, mà còn đối với Indonesia.

Cuộc tranh cãi lâu nay về tuyên bố chủ quyền đối với các đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên quan Trung Quốc, Việt Nam, Brunei, Philippines và Malaysia ngày càng trở nên xấu đi, đặc biệt kể từ sau báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 1963 về trữ lượng tài nguyên giàu có ở Biển Đông. Không những vậy Biển Đông còn là tuyến đường hàng hải giao thương quốc tế quan trọng với giá trị khoảng 5,3 nghìn tỷ USD được vận chuyển qua đây hàng năm.

Trong khi Indonesia không phải là một quốc gia yêu sách, sự ổn định ở Biển Đông lại rất quan trọng cho nền kinh tế của Indonesia. Xung đột vũ trang trong khu vực sẽ gây trở ngại cho giao dịch thương mại của Indonesia và gây ra các bất cập liên quan tới vấn đề hậu cần và thuế vận chuyển.

Hiện nay Nhật Bản đang xem việc cung cấp viện trợ quân sự cho ASEAN là để chế ngự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Xu hướng chủ nghĩa dân tộc gần đây của Nhật Bảnvà sự cảnh giác về ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu làm cho chính sách ngoại giao và quân sự của Nhật Bảntrở nên xông xáo hơn. Mặc dù một cuộc xung đột vũ trang ở Biển Đông khó xảy ra nhưng diễn biến mới đây thật đáng lo ngại cho việc duy trì hòa bình và ổn định.

Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông năm 2002 đã cam kết đảm bảo các nguyên tắc của Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, tuy nhiên, Trung Quốc dường như chần chừ không muốn đi bước tiếp theo để ký một Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông là có lý do nhất định.

Thứ nhất, quy tắc đó có nghĩa Trung Quốc chấp nhận cam kết đa phương, trong khi đó Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương với từng quốc gia có yêu sách. Việc ký kết có thể có khả năng dẫn đến trọng tài quốc tế. Thứ hai, về mặt kỹ thuật, quy tắc đó sẽ có nghĩa là Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền vùng nước giới hạn trong đường chín đoạn, trái với bản đồ nộp cho UNCLOS năm 2009. Trung Quốc sẽ không có quyền tự do để tiếp tục hành động đơn phương ở Biển Đông. Cuối cùng, ký CoC có thể sẽ dẫn đến sự liên quan tới Mỹ, một cái gì đó Trung Quốc rõ ràng không muốn.

Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, tỏ ý không hài lòng với Mỹ sau Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Myanmar vừa qua, vì cho là đã can thiệp từ bên ngoài không cần thiết vào tranh chấp Biển Đông. Trung Quốc cũng tin rằng Việt Nam và Philippines đã trở nên ngày càng mạnh bạo hơn nhờ sự tham gia của Washington. Ngược lại, Washington cảm thấy đó là một lực lượng ổn định để ngăn chặn Trung Quốc “bắt nạt” các nước láng giềng ở Biển Đông.

Tương tự, sức mạnh đang lên của Trung Quốc đã biến quốc gia này trở thành đối tác kinh tế tốt nhất cho nhiều thành viên ASEAN (Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN nói chung). Có một lợi ích đáng kể về kinh tế và văn hóa khi làm ăn với Trung Quốc, vì vậy hoàn toàn dễ hiểu khi một số thành viên ASEAN do dự phản đối công khai Trung Quốc và ủng hộ Mỹ trong tranh chấp Biển Đông. Malaysia và Brunei là các ví dụ điển hình.

Indonesia có một mối quan hệ mạnh mẽ với Mỹ, nhưng đồng thời cũng đang phát triển một mối quan hệ song phương cùng có lợi với Trung Quốc. Do đó, Indonesia đang phải đối mặt với thách thức bắt nguồn từ cuộc đấu tay đôi giữa hai cường quốc. Làm thế nào Jakarta có thể đóng một vai trò tích cực trong vụ tranh chấp trong khi vẫn cân bằng các mối quan hệ song phương với Washington và Bắc Kinh? Bộ Ngoại giao Indonesia cần tiếp cận vấn đề bất đồng Biển Đông theo một cách khác; quyết định của một quốc gia trong quan hệ song phương hoặc đa phương không nhất thiết dẫn đến hoặc thắng hoặc thua giữa các quốc gia liên quan, mà có thể dẫn đến một giải pháp cùng thắng. Các bên ở Biển Đông cần phải tìm giải pháp thay đổi trọng tâm từ khiếu nại và ranh giới đến hợp tác và cùng phát triển.

Việc chia sẻ lợi ích theo cách đó sẽ làm giảm khả năng xung đột. Một điều chắc chắn rằng Indonesia hiện đang ở trong tình trạng khó xử và cần phải khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực ngoại giao thích hợp ở Biển Đông để mang lại lợi ích chính trị, kinh tế và văn hóa tối đa./.

Theo Jakarta Post

 

Duy Anh (gt)