Việc tổ chức cuộc đột kích để tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, vi phạm chủ quyền của Pakixtan, là cách mà tổ hợp quân sự-an ninh Mỹ làm tăng uy tín của Obama trong các cuộc thăm dò dư luận. Cuộc đột kích này đã thành công trong việc làm tăng tỷ lệ ủng hộ Obama. Nhưng mục đích thực sự của cuộc đột kích là nhằm vào Pakixtan và chứng tỏ rằng Mỹ đang suy tính việc xâm lược Pakixtan để bắt Ixlamabát phải trả giá cho việc đã chứa chấp bin Laden gần một học viện quân sự. Quan điểm của Mỹ là chỉ có thể chiến thắng Taliban nếu NATO mở rộng cuộc chiến sang Pakixtan, nơi Taliban dường như đã có những thiên đường an toàn được Chính phủ Pakixtan bảo vệ. Chính phủ Pakixtan đang nhận tiền của Mỹ, nhưng không làm theo ý của Oasinhtơn.

Pakixtan hiểu được thông điệp đe dọa này và quay sang Trung Quốc. Bắc Kinh đang xây dựng một cảng cho Pakixtan tại Gwadar, gần đường vào eo biển Hormuz. Cảng này có thể trở thành một căn cứ hải quân của Trung Quốc trên biển Arập. Trong một bài giảng gần đây tại Học viện Quốc phòng Pakixtan, Đại sứ Pakixtan tại Mỹ Husain Haqqani đã hỏi các sĩ quan về nguy cơ lớn nhất đối với Pakixtan. Đa số học viên sĩ quan nói rằng Mỹ, chứ không phải là Ấn Độ, là nguy cơ lớn nhất đối với Pakixtan.

Trung Quốc, quan ngại về Ấn Độ, một cường quốc châu Á đang trỗi dậy khác, đang muốn liên minh với Pakixtan. Hơn nữa, Trung Quốc không muốn có người Mỹ ở cửa ngõ biên giới của họ, cũng như khả năng Pakixtan trở thành một chiến trường nữa của Mỹ. Vì thế, Trung Quốc đã bày tỏ sự tức giận đối với việc Mỹ đe dọa Pakixtan, "khuyên" Oasinhtơn tôn trọng chủ quyền của Pakixtan, và nói thêm rằng bất kỳ cuộc tấn công Pakixtan nào cũng sẽ bị coi là cuộc tấn công vào Trung Quốc. Báo chí Mỹ dường như không đưa tin gì về "tối hậu thư" của Trung Quốc, nhưng thông điệp đó được đưa rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Ấn Độ, quốc gia đang quan ngại về việc Trung Quốc có thể đang giúp Pakixtan tăng cường khả năng quốc phòng.

Tối hậu thư của Trung Quốc là quan trọng bởi vì nó tương đương với mức tối hậu thư hồi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất và thứ hai. Với mức độ cam kết này của Trung Quốc đối với Pakixtan, Mỹ đang tìm cách để thoát khỏi cuộc đối đầu và lừa để Ấn Độ "thế chỗ". Mỹ đang tìm cách "nịnh bợ" Ấn Độ bằng những cách lộ liễu nhất, kể cả việc hy sinh việc làm của người Mỹ. Gần đây, hai nước đã có những thỏa thuận bán vũ khí lớn, hợp tác quân sự và tập trận chung. Oasinhtơn tính toán rằng Ấn Độ đã bị thực dân Anh lừa hàng thế kỷ, thì cũng dễ bị lừa làm theo ý của Oasinhtơn. Đến lúc Ấn Độ và Trung Quốc nhận ra là họ đang bị Mỹ xúi giục phá hủy lẫn nhau, thì sẽ là quá muộn để rút lui.

Nếu Trung Quốc và Ấn Độ bị loại, sẽ chỉ còn lại Nga, hiện đã bị các căn cứ tên lửa của Mỹ bao vây và bị NATO cô lập khỏi châu Âu. Đa số các thanh niên Nga, dễ bị đánh lừa, khâm phục sự tự do tại Mỹ và căm ghét nhà nước Nga độc tài. Những người Nga "quốc tế hóa" này sẽ đứng về phía Oasinhtơn và góp phần buộc Mátxcơva phải đầu hàng. Đến lúc đó, Mỹ có thể tập trung sức mạnh quân sự của họ vào Nam Mỹ. Tổng thống Vênêxuêla Hugo Chavez sẽ bị lật đổ và Mỹ thu phục nốt được khu vực này.

Cách duy nhất có thể chặn đứng Đế quốc Mỹ là Trung Quốc và Nga nhận thức được mối hiểm nghèo của họ và thành lập một liên minh không thể phá vỡ, cam kết với Ấn Độ, tách Đức ra khỏi NATO và bảo vệ Iran. Nếu không, Đế quốc Mỹ sẽ chi phối toàn bộ thế giới và đồng USD sẽ trở thành đồng tiền duy nhất.

  Theo Globalresearch

 Vũ Hiền (gt)