9bf6a0a095f4a0cb0e5afefc350a-grande(2).jpg

Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông trong những năm qua đã trở thành một vấn đề nhạy cảm và thu hút nhiều sự chú ý kể từ khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố khu vực này là “lợi ích cốt lõi” của họ. Bất đồng giữa Trung Quốc, Đài Loan và một số nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở nên gay gắt đến nỗi các cường quốc phương Tây và một số nước lớn trong khu vực cũng bị cuốn vào. Mặc dù tất cả đều phản đối những yêu sách quá mức của Trung Quốc, song sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc khiến tất cả đều không thể và không dám đối đầu trực diện với nước này. Tình trạng bế tắc hiện nay có khả năng sẽ còn kéo dài ngay cả khi tầm quan trọng của Biển Đông đối với kinh tế Trung Quốc đã suy giảm, và “cùng khai thác” dường như là cách duy nhất để các nước nhỏ có tuyên bố chủ quyền có thể giành được lợi ích nhất định từ tình cảnh khó khăn bị Trung Quốc chi phối toàn diện như hiện nay.

Trung Quốc đang nắm giữ tất cả những “quân bài” trên Biển Đông. Ngoài sự xuất hiện thoáng qua mang tính “răn đe lấy lệ” của Hải quân các nước phương Tây, Biển Đông là nơi Trung Quốc đã củng cố được ưu thế rõ rệt cho mình thông qua những bước đi chậm rãi nhưng đầy toan tính. Bên cạnh việc hiện đại hóa và mở rộng sự hiện diện của lực lượng Hải quân tại đây, Trung Quốc đã bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo ở đây, đồng thời sử dụng các nước “dễ bảo” không có tuyên bố chủ quyền để vô hiệu hóa mọi ý định lên án và chỉ trích những hành động của Trung Quốc trong ASEAN.

Xét về năng lực quân sự vượt trội so với các đối thủ tranh chấp chủ quyền (chủ yếu là Brunei, Malaysia, Phillippines và Việt Nam), cùng ý đồ sẵn sàng hành động một cách mạnh tay thì Trung Quốc hiển nhiên là lực lượng chi phối chủ yếu tại một khu vực được nước này xem là “sân sau” như Biển Đông, trong khi Mỹ còn đang can dự nửa vời. Sức mạnh quân sự cùng tham vọng này là nền tảng cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, với yêu sách “Đường 9 đoạn” khiến Biển Đông trở thành một điểm nóng thực sự trong quan hệ quốc tế.

Giới phân tích vẫn cho rằng sự phụ thuộc của nền kinh tế Trung Quốc vào giao thương qua Biển Đông là động cơ thực sự đằng sau chính sách quyết đoán của nước này. Theo số liệu chung từ năm 2010 đến nay, giá trị hàng hóa được vận chuyển qua Biển Đông lên đến 5.300 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, ngay cả khi những con số cho thấy hoạt động thương mại qua Biển Đông không thực sự có tầm quan trọng và ảnh hưởng toàn cầu như người ta vẫn tưởng từ trước đến nay, phần lớn giá trị của các hoạt động thương mại này vẫn liên quan chủ yếu đến Trung Quốc. Theo đánh giá của CSIS, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất qua Biển Đông năm 2016, với lượng hàng hóa trị giá 874 tỉ USD. Con số này vượt xa những đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Hàn Quốc với 249 tỉ USD và Singapore với 214 tỉ USD. Các nước khác có hoạt động thương mại lớn qua Biển Đông gồm Thái Lan (170 tỉ USD), Việt Nam (158 tỉ USD), Indonesia (121 tỉ USD) và Malaysia (106 tỉ USD). Ngoài ra, xấp xỉ 2/3 hoạt động thương mại trên biển của Trung Quốc đi qua Biển Đông so với 40% của Nhật Bản và xấp xỉ 15% của Mỹ.

Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào việc vận chuyển hàng hóa thương mại trên Biển Đông, xét ở nhiều góc độ thì nước này vẫn có lợi thế hơn so với các nước ASEAN trong trường hợp xảy ra biến động có thể khiến hoạt động giao thương trên Biển Đông bị gián đoạn. Trung Quốc đang dồn lực thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhằm mở rộng và đa dạng hóa các tuyến thương mại kết nối với lục địa Á-Âu. Đây là tham vọng mà chỉ một nước lớn như Trung Quốc mới có thể làm được, trong khi lại là điều không khả thi đối với những nước nhỏ có tranh chấp chủ quyền trong ASEAN. Nói ngắn gọn, về lâu dài, nền kinh tế Trung Quốc đủ sức trụ vững và phát triển tốt so với các nước thành viên ASEAN trong trường hợp tranh chấp hiện tại trên Biển Đông bùng nổ thành bạo lực làm gián đoạn thương mại qua vùng biển này và các khu vực lân cận.

Bên cạnh việc bảo vệ những tuyên bố chủ quyền của mình và tạm gác lại những tranh chấp giữa các nước với nhau, các nước thành viên ASEAN phải đối mặt với 2 mối lo ngại chính. Mối quan tâm hàng đầu chính là thực tế lịch sử cho thấy các nước này không thể trông cậy hoàn toàn vào ảnh hưởng và vai trò của luật pháp quốc tế. Trung Quốc là một bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tuy nhiên, nước này gần như phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) hồi năm 2016 phủ nhận tính hợp pháp của những tuyên bố chủ quyền do Trung Quốc đưa ra tại Biển Đông. Ngay chính bản thân Phillippines, nước đứng đơn kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài, cũng gần như không còn đả động gì đến phán quyền này.

Mối lo ngại thứ hai là việc các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông gần như không thể làm gì để khai thác nguồn lợi từ vùng biển của mình trước sự quấy nhiễu thường xuyên của Trung Quốc. Biển Đông được cho là có trữ lượng dầu và khí đốt dồi dào. Một tổ chức nghiên cứu khác của Mỹ là Hội đồng Quan hệ Quốc tế ước tính Biển Đông có trữ lượng dầu khoảng 11 tỉ thùng và khoảng 5,4 tỉ mét khối khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, những diễn biến trong vài tháng qua cho thấy những nguồn lợi này gần như nằm ngoài tầm với của các nước ASEAN. Thông tin về các hành động gây sức ép của Trung Quốc đối với Phillippines hồi tháng 5/2017 và đối với Việt Nam hồi tháng 7/2017 liên quan đến việc 2 nước này tiến hành các dự án thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông càng chứng tỏ sự hiệu quả của chính sách hung hăng hăm dọa sử dụng vũ lực từ phía Trung Quốc trong giai đoạn tranh chấp hiện nay.

Ngay cả trong giai đoạn căng thẳng và bế tắc như hiện tại, Trung Quốc vẫn luôn ngỏ ý sẵn sàng thỏa hiệp trong một số vấn đề với điều kiện các nước ASEAN trao cho Trung Quốc phần lớn những gì nước này đòi hỏi. Phillippines dưới thời của Tổng thống Bennigno Aquino từng là một trong những nước phản đối mạnh mẽ nhất yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, nhưng giờ đây Phillipines của Tổng thống Rodrigo Durtete dường như đã lựa chọn toan tính thực dụng là hợp tác thay vì đối đầu. Hồi tháng 8 vừa qua, Ngoại trưởng Phillippines Alan Cayetano đã thông báo đang xúc tiến 1 thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc về thăm dò năng lượng với mục đích đưa vào khai thác trong vòng 1 năm tới. Dự án hợp tác này cho thấy mặc dù Trung Quốc gần như không có khả năng xuống thang trong tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, ít nhất nước này cũng có thể xem xét để cho các nước ASEAN một số lợi ích kinh tế nhất định nếu những nước này chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán theo điều kiện mà Bắc Kinh đặt ra. Đây chính là điều mà Phillippines đang làm - giải quyết tranh chấp với Trung Quốc theo con đường song phương và trực tiếp thay vì thông qua những diễn đàn khu vực như ASEAN.

Nếu cách tiếp cận của Phillippines được các nước ASEAN có yêu sách khác áp dụng theo, điểm nóng quốc tế Biển Đông có thể quay trở lại trạng thái “ngủ đông” như trước những năm 2000. Đây chắc chắn không phải là giải pháp hoàn hảo cho các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền, nhưng dù sao cũng còn tốt hơn hầu hết các kịch bản khác, trong bối cảnh không thể trông đợi nhiều vào luật pháp quốc tế cũng như sự can dự từ bên ngoài và Trung Quốc lại nắm giữ hầu hết những “quân bài” quan trọng, cả trước mắt và lâu dài.

Theo “EIU

Hương Trà (gt)