Giới phân tích cũng như các phái viên khu vực đang dõi theo những dấu hiệu liệu sức nóng được Hà Nội tạo ra gần đây xung quanh vấn đề Biển Đông có thể tạo đà hướng tới việc giải quyết một trong những vấn đề nan giải bậc nhất của khu vực.


Sự chú ý lúc này đang dồn vào động thái mới nhất thúc đẩy một tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN với Trung Quốc về Biển Đông thành một bộ quy tắc ứng xử, nhằm duy trì hòa bình cho đến khi các tranh chấp lãnh thổ được giải quyết. Khi đó, tuyên bố trên được ca ngợi như một cột mốc, một tiến triển hiếm hoi của ASEAN - tổ chức mà trong một thời gian dài bị coi là “nói nhiều, làm ít”, một bước mở đường cho kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa họ với Trung Quốc đang trỗi dậy. Tuy nhiên, những năm gần đây đã chứng kiến các hy vọng đó nhạt dần trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh với các bên tuyên bố chủ quyền khác, chạy đua vũ trang ngấm ngầm, đụng độ trên biển trong đánh bắt cá cũng như những nỗ lực của Trung Quốc gạt Biển Đông khỏi nghị sự ASEAN.


Không ai ngạc nhiên khi đã có nhiều câu hỏi đặt ra sau khi có bản tuyên bố trên. Với những ngờ vực kéo dài giữa các bên tranh chấp chủ quyền, chưa bàn đến khác biệt về hệ thống pháp lý và chính trị, liệu một văn bản như vậy có thể thực sự hiệu quả? Liệu khao khát hành động có dần tan biến trong sự trì trệ cố hữu của ASEAN, đặc biệt khi các thành viên riêng lẻ cân nhắc tầm quan trọng của mối quan hệ giữa họ với Trung Quốc? Ngoài ra, nêu lên vấn đề Biển Đông qua việc thể hiện những quan ngại, liệu Oasinhtơn có thực sự muốn “trói” mình vào một quá trình hứa hẹn rối rắm tìm giải pháp?

 
Trong khi các quan chức Trung Quốc vẫn khăng khăng các bên tranh chấp khác phải giải quyết “tay đôi” với Bắc Kinh, họ tỏ ra tích cực trong các nỗ lực thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC). Điều này được phản ánh trong thông điệp của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo gửi đến những người đồng nhiệm khu vực hồi tháng 10 năm ngoái rằng Bắc Kinh muốn tạo dựng “một vùng biển hòa bình và hợp tác”. Hai tuần trước, tại Côn Minh, Trung Quốc làm chủ nhà cho một cuộc họp nhóm công tác Trung Quốc-ASEAN bàn việc triển khai DOC. Có ít chi tiết được hé lộ nhưng các cuộc đàm phán tiếp theo đã được lên kế hoạch tổ chức tại Inđônêxia trong vòng 2 tháng nữa.


Trong khi một số người trong cuộc của ASEAN vẫn lo ngại về khả năng vấn đề Biển Đông lại thụt lùi trong thời gian tới, các quan chức Inđônêxia đang liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy một thỏa thuận. Cảnh báo rằng Biển Đông không được phép trở thành một nơi của “ngoại giao tàu chiến và chính trị cường quyền”, Ngoại trưởng Inđônêxia Marty Natalegawa nói rằng tiến triển có ý nghĩa trong vấn đề này là một ưu tiên đối với Giacácta và họ muốn can dự hoàn toàn với Trung Quốc. Tiến triển đó sẽ có ý nghĩa thế nào với quan hệ Trung Quốc-Inđônêxia đang là một trong những câu hỏi đáng lưu tâm nhất. Đây là một dạng quan hệ phức tạp vào loại bậc nhất trong khu vực, phản ánh qua một lịch sử rắc rối và đầy hoài nghi mà cộng đồng Hoa kiều ở Inđônêxia phải hứng chịu.

 
Vài năm gần đây đã chứng kiến cộng đồng trên được đón chào rộng rãi hơn trong xã hội Inđônêxia - những nỗ lực giúp mở rộng quan hệ giữa Giacácta với Bắc Kinh. Các thỏa thuận thương mại và đầu tư đang được rộng mở và mới tuần trước, ba tàu PLA đã ghé thăm Inđônêxia trên hành trình từ vùng biển ngoài khơi Xômali về nước. Âm thầm hơn, các quan chức Trung Quốc được cho là đến gần đây vẫn vận động ngầm Giacácta gạt vấn đề Biển Đông khỏi nghị sự ASEAN.

 
Tuy nhiên, vẫn còn các yếu tố khác ở Inđônêxia. Quốc gia này đang tích cực tìm cách đánh bóng vị thế của mình như là một trong những nền dân chủ lớn nhất châu Á. Giúp ASEAN hướng tới một tương lai thực tế, thích hợp hơn thông qua việc bảo đảm một thỏa thuận bước ngoặt về ứng xử Biển Đông nên được coi là một phần trong nỗ lực của Inđônêxia.

Theo South China Morning Post