Phát biểu tại Singapore ngày 28/3/2015 khi tới dự lễ tang cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, ông Kissinger đã đề cập đến quan hệ mâu thuẫn của Trung Quốc về vấn đề biển Đông, đặc biệt với Việt Nam và Philippines rằng “Đặng Tiểu Bình trước đây đã giải quyết một số vấn đề dựa trên phương châm không nhất thiết mọi điều đều phải xử lý trong thế hệ hiện tại. Có lẽ hãy chờ thế hệ sau, nhưng đừng làm cho vấn đề tồi tệ hơn”. Bề mặt của lời khuyên này tưởng như vô hại, song khi đọc thêm rằng Trung Quốc và Mỹ nên khẩn cấp loại bỏ tranh cãi thì lời khuyên này tiềm ẩn những ý đồ chiến lược. Tình hình căng thẳng trên Biển Đông và quan ngại của quốc tế bắt nguồn từ hành động theo thang xung đột và “chính sách bên miệng hố chiến tranh” của Trung Quốc chống Việt Nam nhằm độc chiếm hoàn toàn Biển Đông. Chính những hành động gây bất ổn của Trung Quốc tại vùng biển chiến lược quan trọng này đã thúc đẩy Mỹ triển khai chính sách “xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương”. 

Việc Kissinger vận động Trung Quốc và Mỹ “tháo ngòi nổ tranh luận” thể hiện cảnh báo rằng Trung Quốc - người bạn tốt của ông - có thể đi vào một bãi mìn chiến lược trong tranh chấp Biển Đông, bởi điểm tiếp giáp không xa nơi Mỹ có thể phải có sự can thiệp hạn chế để chống lại hành động leo thang xung đột không biết kiềm chế của Trung Quốc. Kissinger hẳn sẽ nhận thức rõ rằng trong trường hợp thậm chí là một cuộc can thiệp hạn chế của Mỹ tại các khu vực Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc cũng không thể thoát khỏi khó khăn. 

Có một mâu thuẫn nữa nổi lên trong tuyên bố của Kissinger về Biển Đông khi người ta đọc những nhận xét trong cuốn sách mới nhất của ông về “Sức mạnh thế giới” (World Power), trong đó coi tranh chấp Biển Đông như sự “kình địch quốc gia”. Qua đây cũng có thể đoán được rằng Kissinger đang gợi ý Mỹ không dính líu vào bất kỳ sự leo thang nào trong tranh chấp Biển Đông và hãy để Trung Quốc giải quyết những “kình địch quốc gia” với các nước láng giềng.

Kissinger là một người thực hiện chính sách thực dụng về “cân bằng quyền lực” trong suốt cuộc đời, chắc chắn ông cũng thấy được những gì Trung Quốc đang theo đuổi tại Biển Đông thông qua hành động leo thang xung đột và “tạo các đảo nhân tạo” là nhằm độc chiến hoàn toàn biển Đông. Ngoài ra, khi Kissinger gợi ý rằng Trung Quốc hãy để tranh chấp Biển Đông cho các thế hệ tương lai giải quyết, phải chăng nhằm tạo thêm thời gian cho Bắc Kinh hoàn thành chiến lược làm chủ Biển Đông? 

Tóm lại, hành động leo thang xung đột và chính sách “bên miệng hố chiến tranh” của Trung Quốc tại Biển Đông cần được quốc tế can dự nhằm bảo đảm an ninh và ổn định. Đây là sự “kình địch toàn cầu” chứ không phải là “kình địch quốc gia” của Việt Nam và Philippines với Trung Quốc. Hai nước này không đủ sức làm đối thủ với Trung Quốc. 

Theo South Asia Analysis Group

Thùy Anh (gt)