Nguyên nhân khiến giá dầu giảm gần đây là do sản lượng tăng ở Mỹ trong bối cảnh công nghệ hiện đại giúp các công ty Mỹ có thể khai thác những mỏ dầu khí đá phiến mà trước đây không thể. Dù vẫn là nhà nhập khẩu dầu lớn, song Mỹ giờ đây tự đáp ứng được hơn một nửa lượng dầu tiêu thụ. Một hệ quả có thể gây tác động địa chính trị lớn là việc Mỹ đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nước khai thác dầu nhiều nhất thế giới.

Bên cạnh đó, Saudi Arabia - thành viên hàng đầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, không muốn cắt giảm sản lượng của mình để giảm nguồn cung dầu cho toàn cầu. Tại một diễn đàn năng lượng gần đây diễn ra ở Abu Dhabi, Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Ali al-Naimi nhắc lại chính sách không cắt giảm sản lượng dầu của Riyadh và đổ nguyên nhân làm giá dầu giảm cho sự thiếu hợp tác giữa các nước khai thác dầu không phải là thành viên OPEC.

Có hai lý do tại sao các nước OPEC từ chối giảm sản lượng. Trước tiên, họ muốn thấy mức giá thấp đẩy các đối thủ cạnh tranh người Mỹ khỏi thị trường. Chi phí khai thác dầu thông thường là thấp hơn nhiều so với chi phí khai thác dầu từ đá phiến, có thể lên đến 90 USD mỗi thùng. Nếu giá bán vẫn thấp hơn giá thành, các nhà khai thác dầu của Mỹ có thể không thể chịu nổi và ngừng khai thác dầu từ đá phiến. Thứ hai, như Saudi Arabia tuyên bố, dầu giá rẻ tốt cho kinh tế toàn cầu, và tăng trưởng kinh tế phục hồi sẽ làm tăng nhu cầu dầu, và rốt cuộc sẽ đẩy giá tăng. 

Tuy nhiên, nỗ lực của OPEC nhằm hạn chế sản lượng dầu từ đá phiến thông qua các lực thị trường có thể không thành công. Đến nay, mới chỉ có hai công ty Mỹ ngừng khai thác dầu từ đá phiến do giá bán thấp. Về lâu dài, có rất ít lý do để các công ty dầu khí Mỹ rút khỏi thị trường dầu mỏ toàn cầu. Và hy vọng việc gia tăng hoạt động kinh tế trên toàn cầu nhờ giá dầu giảm sẽ làm tăng nhu cầu dầu là khó thành hiện thực trong ngắn hạn. Trong khi các thị trường mới nổi có thể tận dụng lợi thế của giá dầu thấp và thúc đẩy phát triển và tăng trưởng kinh tế, nhu cầu dầu tăng sẽ được bù đắp bởi sản lượng dầu tăng. Nếu vậy, liệu có phải một kỷ nguyên giá dầu thấp đang đến? Câu trả lời là có, ít nhất trong ngắn hạn. 

Trong khi Saudi Arabia tái khẳng định sự không muốn giảm nguồn cung, người ta không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giá dầu sẽ trở lại mức đỉnh cao. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự đoán giá dầu vẫn rẻ trong năm 2015, với mức trung bình khoảng 63-73 USD/thùng. Nhưng giá thấp sẽ kéo dài bao lâu thì khó dự đoán, bởi còn nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ toàn cầu như các cuộc xung đột tiềm tàng ở Trung Đông.
Giá dầu thấp dường như có lợi cho hầu hết các nước, thậm chí cả các nước khai thác dầu. Chừng nào giá không xuống dưới mức các nước OPEC có thể chấp nhận, họ vẫn có lợi nhuận. Với các nước khác, chi phí năng lượng thấp có lợi cho người tiêu dùng và với hầu hết các ngành, đặc biệt là ngành vận tải và lọc dầu. Tựu trung, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thứ gây hại không phải bản thân giá dầu, mà chính là sự không ổn định của giá dầu.

Với chủ yếu là các nước nhập khẩu dầu, các nền kinh tế châu Á cần tận dụng lợi thế này và hưởng lợi từ giá dầu thấp. Chẳng hạn, Trung Quốc sẽ là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất. Sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ngày càng tăng là mối quan ngại lớn về kinh tế và an ninh quốc gia của Trung Quốc. Do nguồn cung dầu nội địa của Mỹ ngày càng tăng, Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu ròng dầu lớn nhất thế giới. Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc, bất chấp kinh tế suy giảm, dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Mức giá dầu thấp hiện nay là cơ hội tốt cho Trung Quốc để phát triển kinh tế, giảm lạm phát và tăng dự trữ dầu chiến lược, việc mà Bắc Kinh đã thực sự bắt đầu triển khai. Giá dầu thấp cũng giúp các chính phủ châu Á giảm chi tiêu và tái phân bổ ngân sách. Malaysia và Indonesia là nước xuất khẩu dầu và có khả năng bị ảnh hưởng bởi giá dầu giảm. Tuy nhiên, cả hai nước đang giảm trợ giá xăng dầu lâu nay vốn là gánh nặng tài chính lớn của chính phủ. 
Như Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nêu lên tại hội nghị APEC vừa qua ở Bắc Kinh, số tiền tiết kiệm từ việc giảm trợ giá xăng dầu sẽ được chuyển cho các ngành khác, trong đó có ngành xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây là hướng đi đúng đắn mà các chính phủ nên theo đuổi khi giá dầu thấp. Giá dầu thấp không chỉ mang lại lợi ích cho các cá nhân, mà là cơ hội tốt để các chính phủ thực hiện những điều chỉnh hoặc cải cách chính sách. 

Theo “RSIS

Mỹ Anh (gt)