Chính quyền Obama bị nhiễm vi rút chủ nghĩa tân bảo thủ, một loại “bóng ma trong xe” đã luôn luôn tin tưởng rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây, kết hợp với cuộc chiến tranh giá dầu lửa do Ả - Rập Xê - Út tiến hành sẽ là đủ để phá hủy nền kinh tế Nga. Theo đó, điều này cần dẫn đến một “sự thay đổi hành vi” của Moscow ở Ucraina, còn với kết quả thuận lợi nhất thì dẫn đến sự thay đổi chế độ ở Nga.

Đúng là một kế hoạch trên bàn giấy. Các Hiệp định Minsk vừa qua, dù có mong manh như thế nào đi nữa thì trên thực tế nói lên rằng Đức và Pháp là các cường quốc chủ chốt ở Châu Âu đang cố gắng để thoát ra khỏi dự án “hỗn loạn của Mỹ”.

Đế chế Hỗn loạn không muốn có một thỏa thuận vững chắc về tình hình Ucraina và thực hiện mọi nỗ lực để phá hoại các thỏa thuận Minsk. Các nhiệm vụ chiến lược của NATO là rõ ràng: Đó là lôi kéo Nga vào cuộc chiến tranh ở Ucraina, để làm kiệt quệ Nga về kinh tế, phá vỡ mối quan hệ kinh tế giữa Nga và EU, và loại bỏ Nga như là một đối thủ cạnh tranh toàn cầu của Mỹ.

Đối với cuộc chiến tranh giá dầu, nó cũng diễn ra không được suôn sẻ lắm. Trong thực tế, vị thế của những người tân bảo thủ là tuyệt vọng. Đối với họ chiến lược của Ả - Rập Xê - Út đang hủy diệt công nghiệp khai thác dầu đá phiến ở Mỹ.

Nhưng ngay cả bây giờ họ cũng không nói đến ý muốn tăng giá dầu, khi tìm cách làm sụp đổ nước Nga. Theo những người tân bảo thủ, bằng cách này họ đang đồng tâm tiêu diệt cả Ả - Rập Xê - Út và Iran. Điều này thậm chí cả Zbigniew Brzezinski, người chống Nga nổi tiếng và là tác giả của cuốn sách “Bàn cờ lớn” cũng không nghĩ đến.

Nhưng nếu như trong các lĩnh vực địa chính trị và năng lượng Đế chế Hỗn loạn đã phải đối mặt với những khó khăn, thì Vương quốc của “chủ nghĩa tư bản thảm họa” lại đang thịnh vượng. Và vì điều này một lần nữa cần phải cám ơn IMF.

IMF đang tàn phá Ucraina cũng như Hy Lạp hay Ireland (hoặc các nước “thế giới thứ ba” kể từ năm 1970) trong quá khứ vừa qua. “Các cuộc cải cách cơ cấu” khủng khiếp được tiến hành, kết hợp với việc tư nhân hóa man rợ, mà trong đó “các nhà đầu tư” của phương Tây đóng vai trò chi phối.

Việc phê duyệt khoản vay 17 tỷ USD một cách thần kỳ đã xảy ra vào đêm trước các cuộc đàm phán Minsk. Điều này không chỉ cho phép giới đầu sỏ chính trị Kiev tiếp tục chiến tranh ủy nhiệm của Đế chế Hỗn loạn chống lại Nga. Tất nhiên là phải kèm theo những điều kiện cơ bản: Đất đai của Ucraina bắt buộc phải bị phá hủy bằng các công nghệ sinh học. Đây là giải thưởng kỳ diệu về nông nghiệp, vì Ucraina đang đứng thứ ba trên thế giới về xuất khẩu ngô, thứ năm về xuất khẩu lúa mì. Trên vùng đất đen giàu có của Ucraina có thể trồng bất cứ thứ gì. Không khó để nhận ra rằng những kẻ chiến thắng sẽ là các tập đoàn công nghệ sinh học, đó là các nhà sản xuất hạt giống Monsanto và Dupont, và nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp John Deere.

Đối với Tổng Giám đốc IMF bà Christine Lagarde sẽ là vô cùng khó khăn để tìm được những cơ sở pháp lý cho việc cấp phát các khoản tiền hàng tỷ USD cho Ucraina, một nước đang đắm chìm trong cuộc nội chiến và trên bờ vực của sự đổ nát. Nhưng thực tế là quả bóng thực sự không phải do bà Lagarde điều khiển. Chỉ huy tất cả là các Lãnh chúa Toàn cầu ở Washington và trên phố Wall.

Đế chế Hỗn loạn, tất nhiên có những lý do riêng của họ để hả hê về sự chia rẽ giữa EU và Nga. Giả thuyết làm việc hiện nay của Moscow là các biện pháp trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ trong tương lai gần. Do đó, về “kinh doanh như thường lệ” hiện giờ có thể quên đi, điều mà giới công nghiệp Đức không hề mong muốn.

Chỉ mới một vài năm trước đây Tổng Thống Putin, trong khi ở Đức đã nói về một “một Đại Châu Âu” từ Lisbon đến Vladivostok. Và đây bi kịch Ucraina, về thực chất đã làm cho “việc xoay trục về phía Đông” tăng tốc rất lớn hơn. Ngoài ra, quan hệ đối tác chiến lược Nga –Trung Quốc đã tỏ ra rất hữu ích cho dự án vĩ đại con đường Tơ lụa mới do Trung Quốc khởi xướng.

Chuyện hoang đường về “cô lập Nga”, được phổ biến bởi Washington và các chư hầu của Mỹ chỉ là nực cười. Cuộc chiến tranh lạnh lần thứ 2 được áp đặt bởi Đế chế Hỗn loạn hoàn toàn không trở thành ngày tận thế đối với Moscow. Ngoại giao Nga đã hoạt động tích cực trên tất cả các mặt trận - từ Nam Á (Ấn Độ) đến Trung Đông (Ai Cập). Mùa hè này Nga sẽ tổ chức hai Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng: BRICS và SCO.

BRICS tiếp tục bằng tất cả các biện pháp để thúc đẩy thế giới đa cực - từ việc thành lập Ngân hàng Phát triển đến việc thanh toán bằng các tiền tệ quốc gia thành viên. Sẽ sớm gia nhập hàng ngũ của SCO là Ấn Độ và Pakistan, và sau đó Iran.

Trong khi đó, trong chương trình nghị sự của Đế chế Hỗn loạn không có lợi ích nào giành cho EU. Ngoại trừ “Gazprom”, với tư cách là đối tác thương mại Nga đã bị đẩy ra ngoài EU, ít nhất là trong tương lai gần. Từ Ucraina EU có thể nhận được rất ít. Mặt khác, chính EU sẽ không phải nộp một đồng euro duy nhất nào để “cứu” Kiev khỏi phá sản, và sẽ không chơi với lửa để làm giảm nhẹ việc Ucraina gia nhập vào NATO. Như mọi người đều biết tất cả phụ thuộc vào Đức. Giới doanh nghiệp Đức mong muốn làm ăn với các cường quốc Âu-Á, Nga và Trung Quốc. Nhưng các chính khách của Đức lại không thể xác định được các ưu tiên chiến lược của mình.

Các nhà ngoại giao, mà không đồng tình với đường lối chính của Brussels nói bóng gió rằng Moscow đã gửi một tín hiệu rõ ràng. Hoặc cùng có lợi “từ Lisbon đến Vladivostok” hoặc nhắm mắt làm theo các chỉ dẫn của Đế chế Hỗn loạn nếu EU ưa thích sự đối đầu ở Ucraina và chiến tranh ở các khu vực phía đông của mình, mà trong đó không thể giành chiến thắng được.

Theo Opened News

Trần Quang (gt)