Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến thăm Ôxtrâylia và Inđônêxia vào tuần tới sau nhiều tháng nỗ lực ngoại giao nhằm cải thiện nhận thức về cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chủ yếu để chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Một phần trong chiến dịch tái can dự của Mỹ là ý định biến Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) thành một thể chế an ninh khu vực do Mỹ lãnh đạo. EAS năm nay, được tổ chức tại Bali (Inđônêxia) trong hai ngày 18-19/11, sẽ là một thước đo cam kết của Oasinhtơn đối với các vấn đề an ninh hàng hải tại châu Á-Thái Bình Dương.

Bắc Kinh, đang thận trọng phát triển chiến lược Đông Nam Á của mình trong suốt hai thập kỷ qua, hiểu những thách thức đối với chiến lược này từ việc Mỹ tái can dự vào khu vực, nhất là với các kế hoạch Biển Đông của họ. Ảnh hưởng kinh tế mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc trong những năm qua đang tạo điều kiện cho họ cải thiện quan hệ với các nước láng giềng và dần dần nắm vai trò lãnh đạo tại Đông Nam Á, biến khu vực này thành một "bãi thử" cho chiến lược ngoại giao quyền lực mềm của họ. Chiến lược của Bắc Kinh chủ yếu dựa trên hợp tác kinh tế. Vì Đông Nam Á là một trong số ít khu vực xuất siêu với Trung Quốc, nên Bắc Kinh đang tìm cách thuyết phục các nước ASEAN rằng họ sẽ được lợi từ sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Bắc Kinh đang sử dụng đòn bẩy này để giành lợi thế tại Biển Đông, tăng cường tham gia các diễn đàn an ninh khu vực như EAS và Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN và vun đắp quan hệ với các nước ASEAN nằm trong lục địa như Lào và Campuchia để ngăn những tranh chấp lãnh hải trở thành trung tâm chú ý tại các tổ chức khu vực này. Tuy nhiên, những động thái ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong các tuyên bố chủ quyền biển đang làm thay đổi nhận thức của châu Á, dẫn đến căng thẳng ngày càng tăng giữa Trung Quốc và các nước cùng tranh chấp chủ quyền như Việt Nam và Philíppin. Sự hiện đại hóa quân sự nhanh chóng và mở rộng chiến lược biển xa của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng Đông Nam Á của Trung Quốc quan ngại. Các nước này vừa bắt đầu hợp tác khu vực để chống lại sự chi phối của Trung Quốc tại Biển Đông, vừa kêu gọi các cường quốc bên ngoài, nhất là Mỹ, cùng hợp tác.

Với việc Oasinhtơn lại quan tâm đến khu vực, Bắc Kinh đang chứng kiến sự bất ổn lớn trong các chiến lược biển và Đông Nam Á của họ. Trung Quốc dự đoán EAS sắp tới sẽ chính thức thể chế hóa một cơ cấu đa phương để giải quyết các vấn đề Biển Đông, trực tiếp đi ngược lại những nỗ lực của họ nhằm xử lý các vấn đề này một cách song phương. Tuy nhiên, sự đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến cả tình hình trong nước Trung Quốc lẫn sự ổn định khu vực. Hơn nữa, việc Mỹ nằm xa Đông Nam Á, cũng như tác động lẫn nhau về kinh tế và chính trị Mỹ-Trung tại các khu vực khác có nghĩa là hai bên có nhiều lý do hợp tác hơn là thúc đẩy các chương trình của họ tại Biển Đông.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang thực hiện những nỗ lực ngoại giao tiên phong như tăng cường các mối quan hệ kinh tế truyền thống với các nước ASEAN và tỏ ý sẵn sàng tham gia các diễn đàn thảo luận khu vực hàng đầu để thương thuyết các vấn đề Biển Đông. Những cử chỉ như vậy có thể hấp dẫn các nước Đông Nam Á. Cho dù Mỹ có tái can dự sâu đến đâu trong khu vực, tương lai kinh tế của các nước này sẽ gắn bó chặt chẽ với Trung Quốc. Đồng thời, khi chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ trở nên rõ ràng hơn, Bắc Kinh sẽ có cơ hội làm rõ vai trò của họ trong các vấn đề chiến lược khu vực, nhất là để xử lý sự không thống nhất ngày càng tăng giữa chiến lược kinh tế và chiến lược an ninh. Việc Mỹ tuyên bố ý định lãnh đạo EAS có nghĩa là Trung Quốc sẽ tìm cách hỗ trợ ASEAN trở thành một tổ chức khu vực hàng đầu, để ASEAN không bị cả hai bên bắt làm con tin trong một cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng tăng.

Người ta vẫn cần chờ xem liệu kế hoạch tái can dự với châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ có làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực hay không. Dù sao, Trung Quốc cũng cần có lập trường tích cực hơn để duy trì vị thế của họ.

Theo Stratfor

Trần Quang (gt)