Căng thẳng trong khu vực đang ngày càng leo thang do tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc mới tuyên bố thiết lập ở biển Hoa Đông, chồng lấn lên ADIZ của Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ đã kêu gọi thiết lập một đường dây liên lạc trực tiếp giữa các sĩ quan hải quân Trung Quốc và Mỹ để tháo ngòi nổ xung đột tiềm tàng. Mọi biện pháp đề phòng cần phải được thực hiện. 

Năm 1988, Trung Quốc và Mỹ thiết lập “quy tắc đi lại” trên biển bằng cách ký Thỏa thuận Tham vấn về Hàng hải và Quân sự, một thỏa thuận tương tự như Hiệp ước trên biển giữa Mỹ và Liên Xô. Tuy nhiên, trong khi Hiệp ước giữa Mỹ và Liên Xô đã thành công trong việc ngăn chặn sự hiểu lầm giữa hai kẻ thù thời Chiến tranh Lạnh, Thỏa thuận Tham vấn về Hàng hải và Quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ lại có hiệu quả rất hạn chế. Những vụ việc vào các năm 2001 và 2009 đã khiến cho các mối quan hệ giữa hai nước xấu đi. Các đường dây nóng cấp cao đã được thiết lập và đã có sự hợp tác lớn hơn, nhưng những đường dây nóng đó vẫn chưa được kiểm nghiệm trong một cuộc khủng hoảng. 

Những quan ngại đã gia tăng vào tháng 12 năm ngoái khi suýt xảy ra một vụ va chạm giữa tàu tuần dương USS Cowpens của hải quân Mỹ và một tàu hộ tống của hải quân Trung Quốc. Trước đó, Bắc Kinh đã chính thức gửi công hàm tới phía Tokyo, cáo buộc rằng các cuộc tuần tra của Lực lượng Phòng vệ Trên biển và Lực lượng Phòng vệ Trên không của Nhật Bản đã làm gián đoạn một cuộc tập trận của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Chỉ huy cấp cao quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear, cách đây ít ngày đã nói rằng nên có một đường dây nóng để xử lý những tình huống khẩn cấp trên biển. Đó là một ý tưởng hay trong bối cảnh hai nước có những xung đột lợi ích tại các vùng biển trong khu vực. 

Các mối quan hệ tốt đẹp đòi hỏi sự tin tưởng, sự thấu hiểu lẫn nhau và cả sự hợp tác. Trong khi Mỹ và Liên Xô có thể liên hệ với đối phương gần như ngay lập tức và nhận được hồi đáp thì đường dây liên lạc giữa quân đội hai nước Trung Quốc và Mỹ được thiết lập năm 2008 lại không có được sự đảm bảo như vậy. Bắc Kinh đã hai lần cắt đứt đường dây nóng này để phản đối các hành động của Washington. 

Sự hợp tác hải quân giữa Trung Quốc và Mỹ đã và đang được cải thiện. Trong năm qua, các cuộc tập trận chung chống cướp biển đã được tổ chức và hai nước cũng đã tiến hành diễn tập các hoạt động cứu trợ nhân đạo chung. Năm nay, Trung Quốc sẽ tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương, một cuộc tập trận quân sự quốc tế trên biển lớn nhất thế giới. Các cuộc trao đổi giữa quân đội hai nước đã được lên kế hoạch và các cơ chế thông báo đã được hai bên nhất trí. Tuy nhiên, điều cũng cần thiết là có một cơ chế ngăn chặn xung đột. Liên lạc đúng lúc là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng giữa hai nước ở các vùng biển tranh chấp trong khu vực.

Nhật Linh (gt)