Năm ngoái, Nga đã phải từ bỏ dự án "Dòng chảy phương Nam", một đường ống dẫn khí trị giá 40 tỷ USD đi ngầm dưới Biển Đen và qua Bulgaria, vì vấp phải sự phản đối từ Liên minh châu Âu (EU). Trong bối cảnh Moskva đang rơi vào khủng hoảng tài chính, hiện chưa rõ kế hoạch mới nhất của nước này - xây dựng một tuyến đường ống qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Macedonia và Serbia, sau đó vào Hungary và có thể là cả Áo - liệu có thành công. Mặc dù kế hoạch này chỉ tồn tại trên giấy tờ, song nó cũng có thể gây ảnh hưởng tới việc gây quỹ cho các dự án khác, tại thời điểm căng thẳng do liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang dâng cao, gieo rắc sự chia rẽ giữa các nước thành viên EU về việc khối này nên phụ thuộc vào năng lượng của Nga ở mức độ nào trong tương lai.

Cuộc gặp giữa Thủ tướng Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/2 là cuộc gặp mới nhất trong một loạt cuộc gặp gần đây giữa các quốc gia có liên quan tới kế hoạch xây dựng đường ống nói trên. Tất cả các quốc gia đó đều giữ quan hệ nồng ấm với Nga bất chấp cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Ahmet Davutoglu của Thổ Nhĩ Kỳ: "Hungary đang theo đuổi một chính sách năng động nhằm cho phép khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ, qua các quốc gia khác, rồi qua Serbia tới Hungary và Trung Âu". Ông Davutoglu nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tham gia cuộc đối thoại về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt của Nga tới Đông Nam châu Âu. Ông phát biểu trong một cuộc họp báo ở Budapest: "Có rất nhiều vấn đề cần phải thảo luận".

Gần như tất cả số khí đốt tự nhiên mà khu vực Đông Nam châu Âu tiêu thụ là đến từ Nga đi qua lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Kiev và Moskva, xảy ra sau khi Nga sáp nhập Crimea và lực lượng ly khai thân Nga tiến hành một cuộc chiến tranh ở miền Đông Ukraine, khiến tuyến đường vận chuyển khí đốt này dễ có khả năng bị gián đoạn.

Nga đã ba lần cho ngừng chuyển khí đốt qua Ukraine vào năm 2006, 2009 và năm ngoái. Nga hành động như vậy xuất phát từ tranh chấp về giá khí đốt, tuy nhiên phương Tây cáo buộc rằng Moskva muốn sử dụng vấn đề năng lượng như một “vũ khí” địa chính trị. Ngày 24/2, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga lại một lần nữa đe dọa ngừng chuyển khí đốt trong vài ngày trừ phi Kiev trả thêm tiền, đồng thời cũng nói rằng việc vận chuyển khí đốt tới châu Âu có thể cũng bị đe dọa.

EU, 1/3 số dầu và khí đốt khu vực này tiêu thụ đến từ Nga, đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt liên tục nhằm vào Moskva với lý do Nga sáp nhập Crimea và hậu thuẫn lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, EU phải đối mặt với một thách thức khó khăn trong việc thuyết phục 28 quốc gia thành viên tiếp tục duy trì sức ép đối với Nga, một nhiệm vụ dường như ngày càng trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin đang tìm cách “ve vãn” các quốc gia thành viên EU như Hungary bằng những hứa hẹn rằng các nước này sẽ được nhận thêm nhiều khí đốt của Nga với những điều khoản hấp dẫn.

Washington và Brussels cho rằng giải pháp cho vấn đề này là đa dạng hóa nguồn cung: tăng cường kết nối với các mạng lưới khí đốt của các nước láng giềng EU, và với các trạm trung chuyển cho phép nhập khẩu khí đốt hóa lỏng từ Qatar, hoặc thậm chí là Mỹ.

Những giải pháp này sẽ đe dọa tới vai trò của Nga là nhà cung cấp khí đốt độc quyền cho vùng Đông Nam châu Âu, vì vậy Điện Kremlin đang nhanh chóng tìm kiếm một con đường khác để đưa khí đốt của Nga tới khu vực này mà không cần đi qua Ukraine. Michael LaBelle, chuyên gia về khí đốt tại Đại học Trung Âu ở Budapest, nói: “Nga không từ bỏ các kế hoạch chính trị của mình để duy trì địa vị độc quyền về khí đốt. Không nghi ngờ gì rằng ông Putin và Orban cùng nhau hợp tác sẽ tìm ra cách để đưa khí đốt của Nga qua Balkans, Hungary và Áo”.

Tuyến đường ống dẫn khí đốt mới đi qua các nước châu Âu vẫn duy trì mối quan hệ hữu nghị với Nga. Tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, mới nhậm chức tháng trước, đã tiếp đón Đại sứ Nga trước khi gặp gỡ bất kỳ quan chức nào khác. Serbia đã tiếp đón ông Putin bằng một cuộc diễu binh và đoàn máy bay bay diễu hành khi ông tới thăm Belgrade hồi tháng 10/2014. Tháng 2 này, Hungary đã trở thành quốc gia thành viên EU đầu tiên tiếp đón ông Putin trong vòng 6 tháng qua. Ông Orban đã tận dụng dịp này để nói rằng các quốc gia thành viên EU, những nước cho rằng họ có thể xoay xở được mà không cần Nga, đang “đuổi theo bóng ma”.

Theo một nguồn thạo tin, Macedonia cũng ủng hộ dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới của Nga. Mặc dù vậy, nguồn tin này cho biết chính phủ của cựu thủ tướng Yugoslav lo ngại sẽ bị rơi vào cuộc đối đầu Đông-Tây: “Trong cuộc chiến giữa 'những con voi lớn', 'loài kiến' thường bị tổn hại nhiều nhất”.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch này. Nga, hiện không tiếp cận được nguồn vốn của phương Tây do phải chịu các lệnh trừng phạt kinh tế, sẽ phải rất chật vật mới có thể chi trả được cho dự án này. Các quốc gia tham gia dự án này cũng đang bị “kẹt tiền”, và Brussels chắc chắn sẽ không hỗ trợ tài chính. 

Attila Holoda, Giám đốc Quản lý hãng tư vấn năng lượng Aurora Energy Kft có trụ sở tại Hungary, cho rằng đây là “trò lừa gạt cổ điển của người Nga”. Ông Holoda nói: “Hiện tại, kế hoạch này chỉ như một câu chuyện cổ tích”.

Theo Reuters

Văn Cường (g)