Trung Quốc  tuy đã có ban lãnh đạo mới nhưng cũng như tính liên tục trong chính sách của nước này trong khoảng 20 năm qua, không thể trông chờ những thay đổi lớn từ ban lãnh đạo này. Tất nhiên, TQ có một tầm nhìn dài hạn, dài hơn nhiều so với tầm nhìn tiêu chuẩn 30 năm mà Mỹ thường dự báo. Để đạt được điều đó, TQ cần ngăn chặn không để Mỹ tấn công bằng cách xây dựng năng lực đủ để có thể gây ra những thiệt hại lớn từ cách xa bờ biển của TQ. Gọng kìm thứ hai liên quan tới thời gian và sự giảm dần vị thế của Mỹ so với TQ. Phần đầu của kế hoạch này đã thành công khi đầu năm nay Mỹ đã tái bố trí lực lượng, chuyển từ Okinawa chỉ cách bờ biển TQ 600 km tới Guam và Darwin, cách TQ tới 3.000 và 4.500 km. Tương tự như vậy, trên lĩnh vực kinh tế, tất cả điều TQ cần làm để củng cố sự “nổi lên” cũng chỉ là “tăng trưởng” và vượt qua nút thắt về nhân khẩu hiện nay.

Trọng tâm kinh tế vẫn được trông chờ sẽ tiếp tục. Tuy nhiên đây cũng sẽ chính là yếu tố làm gia tăng căng thẳng cả bên trong lẫn bên ngoài. Trên một khía cạnh nào đó, Quảng trường Thiên An Môn đã làm thay đổi mọi thứ. Kể từ sau sự kiện năm 1989, chiến lược tăng trưởng toàn diện mà Đặng Tiểu Bình đã áp dụng thành công trước đó được cho là nguy hiểm và gây mất ổn định, chủ yếu vì doanh nghiệp tư nhân tự do cũng đồng nghĩa với tự do tư tưởng cá nhân. Do vậy, trong khi con đường hướng tới tiến bộ của TQ vẫn được tiếp tục thì bản chất của nền kinh tế TQ đã chuyển sang hình thức kinh tế mệnh lệnh kết hợp với chủ nghĩa tư bản thân quen. Trong nền kinh tế mới này, 50 - 60% là các dự án đầu tư cố định của chính phủ. Nhà nước kiểm soát lĩnh vực ngân hàng và vốn cũng đồng nghĩa với khả năng kiểm soát hoàn toàn tiết kiệm của người dân. 80% các khoản cho vay của ngân hàng là dành cho các doanh nghiệp nhà nước.

Do đó, tầng lớp trung lưu TQ về cơ bản phải phụ thuộc vào sự bảo trợ của nhà nước. Điều này thể hiện trên thực tế là đại đa số trong tầng lớp này đều là những người giàu đô thị mới nổi. Cũng chính cơ chế này đã khiến các doanh nghiệp độc lập nhỏ hơn không thể thành công trừ khi có quan hệ với nhà nước. Như vậy, một mặt thì sự bất bình đẳng kinh tế là cần thiết đối với sự tồn tại của chế độ nhưng mặt khác cũng dẫn tới nhiều căng thẳng. Suy cho cùng thì TQ vẫn chi tiêu nhiều cho an ninh nội bộ hơn là cho quốc phòng và xu hướng này dường như vẫn tiếp tục.

Chính do ưu thế chính trị của ĐCS/TQ được xây dựng dựa trên cơ chế bảo trợ này mà ban lãnh đạo mới sẽ không và không thể thay đổi bất cứ điều gì, đồng thời những lời kêu gọi chấm dứt tham nhũng cũng sẽ chỉ là bề ngoài.

Rõ ràng khi TQ tăng trưởng thì sức mạnh tương đối của nước này cũng như khả năng ảnh hưởng tới các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia khác cũng gia tăng. Tuy nhiên cũng có hai xu hướng lớn ngăn cản điều này. Trước tiên, phần lớn hàng hóa mà TQ “sản xuất” (70 - 75%) trên thực tế là được gia công từ châu Á và khoảng 60 - 65% hàng xuất khẩu của TQ là tới các quốc gia phát triển. Do TQ chưa có được một sự chuyển đổi thuyết phục trên danh nghĩa một nhà sản xuất từ hàng hóa chất lượng thấp sang chất lượng cao nên hoạt động gia công hiện nay của TQ sẽ ngày càng trở nên kém bền vững và một sự thay đổi đơn giản trong chuỗi cung ứng sẽ có thể loại bỏ hoàn toàn TQ ra khỏi hoạt động này. Những ai đặt hy vọng vào sự nổi lên của TQ cần nhớ rằng quyền lực không chỉ có nghĩa là tăng trưởng kinh tế.

Tuy Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch Quân ủy TW mới nhưng ông không có nhiều kinh nghiệm trên các vấn đề quân sự. Nhiều người đã từng hy vọng ban lãnh đạo mới sẽ cân nhắc liệu cái giá cho việc gây căng thẳng với các quốc gia láng giềng trên biển của TQ có xứng đáng với trữ lượng dầu khí ước tính tại đó hay không, chưa kể yếu tố quan trọng hơn là điều đó có thể là chất xúc tác cho việc hình thành một liên minh chống lại nước này. Vấn đề là nền kinh tế nội bộ của TQ không coi đây là những tính toán trong chính sách đối ngoại mà chỉ là những tính toán nhằm tự duy trì nội bộ.

Cuối cùng thì bất cứ ai cầm quyền ở TQ cũng không phải là điều quan trọng. Chừng nào mà cơ sở quyền lực của ĐCS/TQ còn theo cơ chế hiện tại thì những chính sách của nước này vẫn sẽ được tiếp tục. TQ sẽ để tranh chấp biên giới với ẤĐ tiếp tục âm ỉ, đồng thời cũng sẽ tiếp tục tăng cường hải quân, tiếp tục sử dụng Triều Tiên và Pakistan như những yếu tố gây mất ổn định. Tóm lại, những thay đổi cụ thể về nhân sự sẽ không có nhiều ý nghĩa đối với ẤĐ.

Theo The Pioneer

Trần Thanh (gt)