Thái độ “đừng đánh thức con rồng” đã không giúp gì cho an ninh khu vực. Việc xử lý đúng với Trung Quốc là thách thức chủ yếu của chính sách đối ngoại của Úc và điều đó hoàn toàn không dễ trong bối cảnh Úc tự có xu hướng quá lo ngại về sức mạnh của Trung Quốc. Mọi động thái trong chính sách đối ngoại đều được đánh giá từ góc độ những khó chịu có thể gây ra cho Trung Quốc. Các học giả còn nghiêm túc khuyên Úc không nên quá gần gũi Nhật Bản, giảm quan hệ đồng minh với Mỹ vì điều đó có thể sẽ không được đánh giá cao ở Bắc Kinh. Thậm chí tuần trước cựu Ngoại trưởng Bob Carr còn cảnh cáo rằng Úc chỉ nên “nhấn vào những mặt tích cực” về Trung Quốc để không kích động con rồng này.

Trung Quốc rõ ràng đủ khôn ngoan để không coi vài trăm lính thủy đánh bộ thăm viếng là một mũi dao nhắm vào trái tim của Vương quốc Trung tâm. Nhưng Trung Quốc cũng không bỏ qua việc tận dụng quan điểm sai lầm của Úc rằng thế giới này đang tùy thuộc vào quyết định chính sách của Úc. Vì thế mà một vài bình luận của các sỹ quan đầy tham vọng của Quân giải phóng Trung Quốc hoặc những bài xã luận trên Nhân dân Nhật báo đã được các nhà bình luận Úc chải chuốt lại thành những bằng chứng cho thấy Úc có thể đã vượt qua một vài ranh giới của Trung Quốc.

Trung Quốc một mặt thừa nhận thực tế quan hệ đồng minh với Mỹ đã tạo ra vai trò cho Úc ở Châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng là một diễn viên cơ hội, Trung Quốc không ngần ngại tìm cách tác động đến bản năng của các nhà bình luận Úc - những người luôn tìm cách để biến Canberra, chứ không phải Bắc Kinh, trở thành vấn đề cho an ninh khu vực. Phải rõ ràng ở điểm này: Đó chính là Bắc Kinh, chứ không phải Canberra đang xây dựng những đảo nhân tạo, đường băng dài 3.000 m với tiêu chuẩn quân sự, đặt pháo và các loại thiết bị do thám trên Biển Đông và đang chơi trò xua đuổi với những tàu thủy và máy bay của các nước khác đi ngang.

Cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại của Úc với Trung Quốc nên tính toán và sau đó giữ vững lợi ích chiến lược của Úc. Điều này sẽ nhận được sự tôn trọng của Bắc Kinh nhiều hơn là chỉ tập trung vào những mặt tích cực hoặc nhắm mắt làm ngơ với những hành động của Trung Quốc đang gây căng thẳng trong khu vực.

Hãy xem chính sách của New Zealand. Chính sách đối ngoại công khai của New Zealand cố gắng cân bằng giữa lợi ích của Trung Quốc và Mỹ dù chẳng có khác biệt nào đáng kể giữa hai nước. Sự im lặng không thoải mái của New Zealand khi Trung Quốc tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không ở Biển Hoa Đông đã không ghi thêm điểm nào cho nước này với Bắc Kinh, ngoài việc Trung Quốc cho rằng đúng là “các nước nhỏ” thì không nên bép xép về những vấn đề chiến lược lớn.

Thật vô nghĩa khi giả vờ cho rằng lợi ích của Trung Quốc ở Châu Á - Thái Bình Dương là phù hợp với lợi ích của các nước khác trong khu vực hoặc toàn cầu. Điều đó đang làm cho “xung đột” ở Biển Đông đang bị rối loạn. ASEAN và các nước khác, kể cả Úc đã thất bại trong việc nhận thấy rằng việc bồi đắp đảo của Trung Quốc đã nhanh chóng chuyển vấn đề từ một việc thuộc phạm trù luật pháp quốc tế, sang một cuộc chiến nhằm mở rộng sự kiểm soát chiến lược.

Để có hy vọng giới hạn những giành giật cơ hội của Trung Quốc nhằm tạo ra sự đã rồi trên thực địa ở Biển Đông và các nơi khác, Úc cần có sự đánh giá một cách kỹ lưỡng những lợi ích chiến lược của mình. Những nhận định hấp tấp hoặc những nỗ lực sai hướng khi nhấn mạnh mặt tích cực sẽ không có giá trị gì trong cuộc đấu trí căng thẳng tranh giành quyền lực trong khu vực.

Peter Jennings, GĐ Điều hành Viện Chính sách Chiến lược Australia. Bài viết được đăng trên The Australian.

Trần Quang (gt)