Về phạm vi lợi ích chiến lược: (i) An ninh của Australia; (ii) An ninh tại Nam Thái Bình Dương và Đông Timor; (iii) An ninh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương; và (iv) An ninh toàn cầu.

Về nguy cơ: Sự tiến bộ kỹ thuật đã làm giảm thời gian chuẩn bị của Australia nếu có xảy ra xung đột. “Mặc dù có lợi thế về địa lý trong phòng thủ, sự phổ biến của các vũ khí tấn công tầm xa và khả năng triển khai lực lượng trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và những năng lực ngày càng phát triển trong khu vực như chiến tranh điện tử, đã làm tăng nguy cơ một đối thủ tiềm tàng có thể tấn công trực tiếp vào Australia với thời gian phát hiện được rất ngắn hoặc không hề được cảnh báo trước”.

Về tác động của kinh tế với ngân sách quốc phòng: Dự thảo cũng cho rằng khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục có tác động “mạnh mẽ và nghiêm trọng” đến ngân sách quốc phòng của Australia và đề xuất mức sàn ngân sách quốc phòng là 1,5% GDP và tăng lên 2% khi điều kiện tài chính cho phép.

Về tương lai triển khai lực lượng: Quân số của lực lượng quốc phòng Australia sẽ vẫn tiếp tục duy trì ở mức 59.000 quân trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, sẽ rất khó để duy trì lực lượng quân đội, đặc biệt là số nhân viên kỹ thuật, do sự cắt giảm chi tiêu quốc phòng và mức lương hấp dẫn hơn trong ngành khai thác khoáng sản. Sự chuyển giao lực lượng (tại Afganistan) cần được tính toán thận trọng để không tạo thành khoảng trống sau khi lực lượng quốc phòng Australia rút đi, tránh những tác động ngược như việc rút lực lượng quân đội Australia khỏi Việt Nam những năm 1970. Tuy nhiên, việc rút quân đội Australia từ những chiến trường này là cần thiết để tăng cường sự hiện diện quân đội tại phía Bắc và Tây Bắc Australia. Lực lượng đặc biệt của Australia sẽ không có thay đổi và đây sẽ là “nguồn lực thích hợp để duy trì lợi thế với những mối đe dọa đang hình thành”.

Về việc tăng cường sức mạnh kỹ thuật: Do giá trị chiến lược và tầm quan trọng trong năng lực tàu ngầm của Australia, Chính phủ tiếp tục cam kết thay thế đội tàu lớp Collin hiện nay bằng 12 tàu ngầm thông thường hiện đại hơn, nhưng với các chiến hạm mới chỉ cam kết ở mức “sẽ tiếp tục nghiên cứu các lựa chọn”. Sách trắng cũng cam kết tiếp tục thực hiện mua 24 máy bay cường kích hỗn hợp (JSF) loại siêu thanh FA/18 và giảm đáng kể đơn hàng mua F-35 so với dự kiến 100 chiếc trong sách trắng 2009. Australia cũng sẽ thay thế đội máy bay AP-3C cũ bằng các máy bay Poseidon P-8 và bổ sung bằng hệ thống máy bay không người lái.

Đánh giá về môi trường an ninh trong khu vực:

- Trung Quốc: Việc mở rộng khả năng quân sự đang thay đổi cân bằng lực lượng quân sự trong khu vực. Sách trắng tuyên bố hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc, song đồng thời cũng nhận định rằng sự hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc là yếu tố thay đổi môi trường chiến lược của Australia. “Chi tiêu quốc phòng chính thức của Trung Quốc đang tạo ra những khả năng đáng kể… bao gồm khả năng triển khai tàu ngầm hiện đại, tên lửa chống hạm và khả năng tác chiến điện tử, cũng như sự phát triển những mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, triển khai máy bay chiến đấu từ tàu sân bay, hệ thống vũ khí đối không và khả năng chiến tranh chống tàu ngầm”.

- Nhật Bản: Sẽ duy trì địa vị cường quốc và tăng cường khả năng “phòng ngừa động” để đáp ứng với những vụ việc xâm nhập trắng trợn, trong bối cảnh lo ngại về việc tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

- Hàn Quốc: Một cường quốc bậc trung đáng kể với sự quan tâm ngày càng tăng với ổn định khu vực, tuy nhiên trọng tâm an ninh chủ yếu sẽ là Bắc Triều Tiên.

- Triều Tiên: Chương trình hạt nhân vẫn là mối lo ngại, đẩy cao nguy cơ phổ biến hạt nhân. Sẽ tiếp tục mở rộng tầm bắn của tên lửa, bao gồm việc phát triển hệ thống tên lửa xuyên lục địa có khả năng bắn đầu đạn hạt nhân tới Mỹ và về lý thuyết, một phần của Australia.

- Nga: Nhân tố ít vai trò hơn tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng vẫn có ảnh hưởng với vai trò cung cấp năng lượng, vũ khí thông thường và cũng đang tăng cường ảnh hưởng trở lại.

- Ấn Độ: Có thể sẽ phát triển và hiện đại hóa đáng kể khả năng triển khai sức mạnh quân sự. Sẽ trở thành một đối tác ngày càng quan trọng trong việc xây dựng an ninh trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Sẽ tăng cường khả năng hoạt động hải quân thông qua những thế hệ tàu hộ vệ và chiến hạm mới với khả năng tàng hình, những tàu ngầm thông thường và hạt nhân mới, tàu ngầm có trang bị vũ khí hạt nhân; một tàu sân bay tự chế tạo, một số lượng lớn các máy bay chiến đấu hiện đại thế hệ 4 và máy bay tuần tra hải quân loại Poseidon P-8 của Mỹ và cũng tham gia trong dự án chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Nga.

- Nam Thái Bình Dương: Ngày càng gắn kết với Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trung Quốc đã thiết lập sự hiện diện ngày càng tăng về kinh tế, ngoại giao và thương mại tại Nam Thái Bình Dương. Rất nhiều quốc gia có tiềm năng kinh tế đáng kể từ hàng hải, khoáng sản và lâm nghiệp.

- Các điểm nóng trong khu vực: Bán đảo Triều Tiên, Eo biển Đài Loan, Biển Đông và biển Hoa Đông.

Một số đánh giá cho rằng Sách trắng đã thể hiện mối lo ngại của Australia về sự mở rộng hiện diện quân sự và xung đột leo thang của Trung Quốc với các nước láng giềng có tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông. Đây cũng là lần đầu tiên Australia nhấn mạnh nhất ưu tiên trực tiếp bảo vệ đất nước kể từ những cuộc thảo luận về sách trắng quốc phòng năm 1987. Sách trắng đã chuyển trọng tâm quân sự sang những nước láng giềng lân cận và an ninh toàn cầu nằm ở vị trí cuối cùng trong các ưu tiên được dự đoán sẽ dẫn tới việc không có kế hoạch gửi quân đội Australia ra nước ngoài với số lượng lớn. Tuy nhiên, Sách trắng cũng bị chỉ trích là sự thụt lùi trong mục tiêu quốc phòng so với sách trắng quốc phòng năm 2009 (vốn đã đưa ra những hứa hẹn tăng cường sức mạnh hải quân ở mức lớn nhất trong lịch sử hòa bình); không đầy đủ, thiếu các con số cụ thể, nhiều những tuyên bố chung chung;không có ý tưởng gì mới và cũng không tạo ra nguồn lực đáp ứng mới.

Bộ Quốc Phòng Australia cho biết đây mới là dự thảo chưa hoàn chỉnh và dự kiến sẽ còn nhiều thay đổi từ nay đến khi công bố chính thức vào giữa năm 2013, trước thời hạn bầu cử Liên bang.

Lê Sơn (gt)