Theo báo Hồng kông “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” Ngày 25/6, tại Bắc Kinh, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã có cuộc gặp quan trọng. Theo thông báo trên trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hai bên nhất trí “giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị”. Tuyên bố cũng cho biết hai nước sẽ “đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết 'Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc'; thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các công việc tiếp theo, cố gắng sớm đạt tiến triển thực chất”.

Dư luận thế giới đã có phản ứng nhanh chóng trước dấu hiệu hòa dịu giữa hai nước. Hãng tin Reuters cho rằng hai bên sẽ tăng cường định hướng dư luận, tránh dùng ngôn từ gây tổn hại lòng tin và tình hữu nghị giữa hai nước. 

Báo “Bưu điện Giacácta” dẫn lời học giả Inđônêxia nhận xét tìm kiếm phương án "giải quyết mà hai bên cùng thắng" mang tính lâu dài, “vấn đề bức xúc nhất hiện nay là duy trì thống nhất quan điểm để tránh căng thẳng leo thang thành xung đột công khai”.

Giới phân tích cho rằng cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên kể từ khi căng thẳng Biển Đông leo thang hồi tháng trước rõ ràng cho thấy cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều lo ngại về cảm giác chủ nghĩa dân tộc trong nước bị hâm nóng quá mức và họ đều muốn kiềm chế, không đẩy tranh chấp đến mức độ nguy hiểm hơn. Terence Yeung, một chuyên gia về quân sự đang giảng dạy tại Đại học Baptist (Hồng kông) nhận xét: “Trong tháng qua, Trung Quốc và Việt Nam đã có những cáo buộc gay gắt hơn nhằm vào nhau. Song điểm mấu chốt vẫn rất rõ: không bao giờ để khẩu chiến leo thang thành chiến tranh thực sự… Các lãnh đạo hàng đầu của hai bên đang kiềm chế để giữ tỉnh táo”.

Giáo sư khoa học chính trị Joseph Cheng Yu-shek của Đại học Thành Thị (Hồng Công) cho rằng tình trạng “cãi vã” sẽ biến mất trong 1-2 tuần lễ nếu không nảy sinh tình huống đặc biệt. Từ Quang Dụ, Tướng về hưu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và hiện đang là nhà phân tích của Hiệp hội Kiểm soát và Giải trừ vũ khí (Trung Quốc) nói rằng ông lạc quan một cách thận trọng về một giải pháp hòa bình với vấn đề Biển Đông. 

Theo Giáo sư Carlyle A. Thayer của Học viện Quốc phòng Ôxtrâylia, việc loan báo Trung Quốc và Việt Nam đồng ý “giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị” nên được xem là diễn biến tích cực sau những căng thẳng gần đây. Tuy nhiên, tuyên bố này cũng cần được đón nhận hết sức thận trọng. Trung Quốc và Việt Nam đã tuyên bố những lời tương tự trước đây. Việc Trung Quốc đồng ý giải quyết bất đồng trên biển với Việt Nam trong hòa bình chỉ có thể được tin tưởng nếu Trung Quốc ngừng hành động gây hấn với các tàu khảo sát của Việt Nam và Bắc Kinh đồng ý nhanh chóng tiếp tục đàm phán song phương với Hà Nội để hoàn tất những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết tranh chấp trên biển.

Tiến sĩ Fu-Kuo Liu của Viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan, nói rằng dư luận ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam lúc này đang rất náo động nên hai chính phủ bị sức ép phải làm gì đó. Rõ ràng Bắc Kinh đang chịu nhiều sức ép từ trong nước để có lập trường cứng rắn hơn với Việt Nam. Chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy ở cả hai nước là thách thức lớn đối với hai chính phủ trước lựa chọn phải đi theo con đường mà công chúng đòi hỏi.

Tiến sĩ Fu-Kuo Liu không cho rằng cuộc hội đàm trên sẽ giải quyết được ngay những khác biệt. Đúng hơn đó nên là sự khởi đầu cho tiến trình hòa bình cho hai quốc gia. Dấu hiệu quan trọng nhất là cả hai nước không muốn xung đột tăng cao. Sau cuộc họp này, có thể họ cần thành lập một cơ chế liên lạc thường xuyên hơn để ngăn một vụ trên biển biến thành xung đột quân sự. Việt Nam và Trung Quốc có những quyền lợi căn bản khác nhau. Đối với tranh chấp ở Biển Đông, đối thoại gần như là cách giải quyết duy nhất.

Trong quá trình đàm phán, Bắc Kinh và Hà Nội đã nhất trí cần có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Tuy nhiên, giới quan sát nhận xét đó vẫn là công việc của tương lai, khi mà văn kiện tổng kết các cuộc tham vấn song phương không cho thấy biện pháp cụ thể nào.

NCBĐ (tổng hợp)