Ngày 7/6, Trung Quốc đã chính thức phản đối cái mà nước này gọi là “đợt bùng phát” dư luận chống Trung Quốc sau vụ tàu Bình Minh 02 và yêu cầu Việt Nam có hành động xử lý và ngăn chặn những sự việc tương tự.

Trả lời phỏng vấn đài BBC, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Ôxtrâylia, nhận định: “Bắc Kinh đang theo đuổi chiến lược ngoại giao nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, chiến lược này luôn luôn mô tả Trung Quốc như là nạn nhân của các nước khác. Trung Quốc chỉ trích Hà Nội và Manila, cho rằng Trung Quốc chỉ làm công việc 'thực hiện' chủ quyền của nước này bằng các hoạt động bình thường... Nếu như Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền một cách "hung hăng" như hiện nay thì hậu quả sẽ là Hà Nội và Manila điều tàu hải quân có vũ trang hộ tống tàu thăm dò dầu khí. Việt Nam thực tế đã tăng số tàu hộ tống tàu Bình Minh 02 sau vụ rắc rối ngày 26/5. Điều này làm tăng quan ngại và tăng nguy cơ xung đột vũ trang trong khu vực. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng hiện khả năng xảy ra đụng độ hải quân là thấp”.

Trong khi đó, Tiến sỹ Vương Hàn Lĩnh, thuộc Viện Luật pháp Quốc tế, trường Đại học Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói: “Vấn đề Biển Đông gây bức xúc cho cả hai bên. Tôi cho là nếu không có việc chính phủ bật đèn xanh, thì biểu tình không thể xảy ra được ở Việt Nam. Quan điểm của tôi là các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông phải được dàn xếp một cách hòa bình giữa hai nhà nước, thông qua thương lượng. Những cuộc biểu tình như vừa qua sẽ không giúp ích gì cho tiến trình này”.

Đài RFA bình luận việc Trung Quốc thúc giục Việt Nam "nỗ lực nghiêm chỉnh" để giải quyết cuộc tranh chấp chẳng khác nào nói Việt Nam đã không nghiêm chỉnh để cùng Trung Quốc giải quyết vấn đề lãnh hải ở Biển Đông. Đó là thâm ý của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, nhằm chỉ trích Việt Nam đã để cho thanh niên-sinh viên biểu tình phản đối Trung Quốc. Hồng Lỗi cũng thản nhiên nhắc lại luận điệu rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể bàn cãi tại quần đảo Trường Sa và vùng lãnh hải xung quanh.

Luận điệu của Trung Quốc về lãnh hải ở Biển Đông là rất ngang ngược, vì nơi tàu Bình Minh 02 khảo cứu chỉ cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, hoàn toàn nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo quy định của Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc. Trung Quốc cho tọa độ nơi đó nằm trong vùng đường lưỡi bò, khu vực do nước này đơn phương quy định, một cách độc đoán, bất chấp luật pháp quốc tế và quan điểm hay quyền lợi chính đáng của các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam.

Phát ngôn viên Hồng Lỗi còn nhắc nhở rằng Trung Quốc với Việt Nam đã nhiều lần đạt được những thỏa thuận quan trọng về phương cách xử lý những vấn đề hàng hải để duy trì sự ổn định ở Biển Đông. Bắc Kinh muốn nhắc Hà Nội về những thỏa thuận mà theo đó họ cho là Hà Nội đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa, hay những thỏa thuận song phương nào đó trong cuộc thương lượng về lãnh hải giữa hai nước. Lời nói ngoại giao của người Trung Quốc luôn luôn có hàm ý. Bắc Kinh xưa nay vẫn cho biểu tình, dù là biểu tình ôn hòa, không phải là phương cách thích hợp theo thỏa thuận song phương. Lời tuyên bố của ông Hồng ám chỉ thỏa thuận về lãnh hải mà họ ngầm ý nói là Việt Nam đã nhượng bộ nhiều. Nói như vậy là để Hà Nội lại bị chính người Việt chỉ trích về vấn đề lãnh hải, gây chia rẽ. Đây là một kế sách thâm hiểm để tạo mâu thuẫn trong nội bộ Việt Nam.

In-đô-nê-xia cũng lên tiếng về vấn đề Biển Đông với tư cách Chủ tịch ASEAN trong năm nay. Giacácta nói có thể đem những sự kiện trên ra thảo luận tại hội nghị của ASEAN. Tuy nhiên, theo nguồn tin của đài RFA, Lào và Mianma, hai nước ASEAN không liên quan gì đến Biển Đông, có thể nghiêng về phía Trung Quốc trong vấn đề này.

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, tranh chấp lãnh hãi ở Biển Đông đã khiến cho quan hệ Việt-Trung trở nên phức tạp, song đó chỉ là một trong hàng loạt vấn đề.

Ông Dmitry Mosyakov, nhà phân tích thuộc Trung tâm ASEAN, Ôxtrâylia và châu Đại Dương thuộc Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga, nhận xét: “Cần lưu ý rằng vẫn hiện hữu vấn đề biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Sau các cuộc đàm phán kéo dài, hai bên đã ký kết thỏa thuận về cắm mốc biên giới, song đường biên này khá sơ hở, là nơi dòng chảy hàng lậu vẫn tràn qua".

Chuyện Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam cũng là một vấn đề. Trung Quốc không chỉ đầu tư vốn vào Việt Nam, mà còn đưa đông đảo chuyên gia và lao động của mình sang nước láng giềng. Điển hình là trong dự án khai thác bôxít ở Tây Nguyên. Đầu tư của Trung Quốc không tạo việc làm mới cho người Việt, mà dường như lại tạo ra ở đây một “tiểu vùng” của Trung Quốc, nơi quyền chi phối thuộc về các nhà tư bản và các chuyên gia Trung Quốc.

Tất cả những vấn đề đó chỉ có thể được giải quyết thông qua đàm phán lâu dài và tuần tự. Trong các cuộc đàm phán ấy, Việt Nam cần có một chỗ dựa vững chắc. Ông Dmitry Mosyakov nói tiếp: “Ở đây nổi lên vấn đề truyền thống của Việt Nam là tìm đối trọng với Trung Quốc. Đó có thể là ASEAN. Nhưng trong vấn đề Biển Đông, mỗi nước ASEAN đều có lợi ích riêng, còn Trung Quốc thì tiến hành đàm phán một cách riêng rẽ với từng nước. Đối trọng cũng có thể là Mỹ. Nhưng có lẽ với Việt Nam đây là kịch bản cực đoan nhất”.

Trong lịch sử lâu đời, mỗi thời kỳ Việt Nam đều có mối quan hệ khác nhau với Trung Quốc. Lịch sử cho thấy, các nhà lãnh đạo đất nước Việt Nam luôn biết cách hành xử thế nào có lợi nhất cho đất nước mình trong mọi tình huống. Ông Dmitry Mosyakov khẳng định: Chính giai đoạn này, những kinh nghiệm đó sẽ giúp Việt Nam tìm ra giải pháp đúng đắn cho các vấn đề chính trị và kinh tế phức tạp hiện nay trong quan hệ Việt-Trung.

NCBĐ (tổng hợp)