Nhận xét về Đối thoại Shangri-la 10, Triệu Hồng - chuyên viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á của trường Đại học Xinhgapo, cho rằng về mặt ý nghĩa, Đối thoại Shangri-la lần này đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Trước hết, số đại biểu, số nước cùng các quan chức và học giả tham dự đối thoại ngày càng nhiều, cấp bậc ngày càng cao. Một trong những đột phá của hội nghị lần này là việc Trung Quốc đã cử Bộ trưởng Quốc phòng tham dự, đây là mục tiêu mà Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở ở Luân Đôn luôn hướng tới kể từ khi đưa ra ý tưởng tổ chức Đối thoại Shangri-la. Có thể nói rằng, những phát triển sau Đối thoại Shangri-la lần này sẽ ngày càng tốt đẹp, tác dụng của nó sẽ ngày càng lớn.

Theo suy đoán của dư luận quốc tế, Chính phủ Trung Quốc trước đây không muốn cử Bộ trưởng Quốc phòng tham dự Đối thoại Shangri-la có thể vì lo ngại rằng vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông được đưa ra tại diễn đàn này sẽ khiến Trung Quốc lúng túng và chịu áp lực. Vài ngày trước khi diễn ra Đối thoại Shangri-la lần thứ 10, Việt Nam và Philíppin đã chỉ trích quân đội Trung Quốc có những hành động khiêu khích tại vùng biển đang tranh chấp.

Tuy nhiên, tại đối thoại lần này, phái đoàn Trung Quốc đã không vấp phải sự công kích tập thể, Trung Quốc cũng không đề cập đến chủ quyền Biển Đông liên quan lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Ngược lại, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại hội nghị không ngừng nhấn mạnh Trung Quốc không mở rộng quân sự, Trung Quốc xưa nay không có ý đe dọa nước khác…

Triệu Hồng cho rằng những phát biểu này của ông Lương Quang Liệt có thể xem là một sự an ủi đối với các nước Đông Nam Á. Theo Triệu Hồng, sự tham dự đối thoại lần này của Lương Quang Liệt ít nhất cũng cho các nước Đông Nam Á thấy rằng Trung Quốc ngày càng coi trọng vấn đề an ninh của khu vực Đông Nam Á. Phát biểu của Lương Quang Liệt cũng có tác dụng tốt, cho thấy Trung Quốc xưa nay chỉ muốn đối thoại song phương với các nước Đông Nam Á thì nay đã ngày càng muốn tham gia các cuộc đối thoại đa phương, nhất là đối với một số chủ đề nhạy cảm, bao gồm cả vấn đề biển Đông.

Tuy nhiên, sẽ là quá sớm khi cho rằng phát biểu của ông Lương Quang Liệt có sức thuyết phục đối với các nước như Việt Nam và Philíppin. Sau bài phát biểu của ông Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh ngay tại cùng diễn đàn đã nói rằng Trung Quốc cần phải biến lời nói thành hành động thực tế.

Christopher Roberts, chuyên gia các vấn đề châu Á Đại học Canbơrơ (Ôxtrâylia), cho rằng rõ ràng là những cam kết của Trung Quốc đối với an ninh khu vực không hề thuyết phục được người khác. Theo Roberts, những điều Trung Quốc nói và những việc nước này đã làm xem ra có một số khác biệt. Những điều Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang liệt nói tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 10 chẳng qua chỉ là một kiểu an ủi đối các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, liên quan đến một số vụ việc mới phát sinh gần đây, các nước như Việt Nam và Philíppin chắc chắn sẽ nhìn nhận những phát biểu này bằng con mắt nghi ngờ.

Cũng tại Hội nghị An ninh châu Á lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã nói rằng nguyện vọng của các nước khu vực châu Á trong việc tăng cường quan hệ với Mỹ đã mãnh liệt hơn rất nhiều so với 20 năm trước. Christopher Roberts cho rằng điều này có lẽ ở một mức độ nhất định đã phản ánh rằng Mỹ có chút tự đại, song nó cũng đồng thời cho thấy một số nước châu Á-Thái Bình Dương vẫn còn khiếp sợ đối với sự phát triển quân sự của Trung Quốc, hy vọng Mỹ giúp đỡ duy trì an ninh khu vực. Các nước này hoặc là có quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ, hoặc là các nước mấy năm gần đây bị Trung Quốc đe dọa. Do đó, sự hiện diện của Mỹ tại châu Á, cũng như việc cân bằng sức ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc, không chỉ được một số nước hoan nghênh, thậm chí còn được các nước này cho là cực kỳ quan trọng.

Theo Triệu Hồng, các nước có tranh chấp gay gắt với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền Biển Đông như Việt Nam và Philíppin đang hy vọng Mỹ tham gia giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông, song lại không muốn Oasinhtơn can thiệp quá sâu vào vụ việc để tránh làm Trung Quốc tức giận. Về vấn đề này, tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 10, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã cảnh cáo, nhưng không chỉ đích danh, rằng “quốc gia liên quan” không được kết liên minh mang tính đối kháng nhằm vào nước thứ ba. Câu nói này được cho là nhằm cảnh cáo Mỹ và các nước châu Á khác.

  Theo Đa chiều

 Viết Tuấn (gt)